Trừng phạt hay đối thoại để gỡ "nút thắt" Triều Tiên?
Mỹ muốn áp đặt lệnh trừng phạt mới của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên sau vụ thử tên lửa Hwasong-15 ngày 28-11
Các nhà ngoại giao tại Liên hợp quốc ngày 20-12 cho biết, Mỹ đang đàm phán với Trung Quốc về việc áp đặt những lệnh trừng phạt mới của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên, đồng thời có thể sớm đưa ra một dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về trừng phạt Bình Nhưỡng.
Nếu được cơ quan quyền lực nhất này của Liên hợp quốc thông qua, Triều Tiên sẽ phải gánh chịu một lệnh trừng phạt mới sau vụ thử Hwasong-15 - loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới nhất và có tầm xa nhất tới khoảng 13.000km của Triều Tiên, vào ngày 28-11 vừa qua.
Trước đó 1 ngày, các nguồn tin ngoại giao cho biết, Mỹ đã trao cho Trung Quốc bản dự thảo Nghị quyết trừng phạt Triều Tiên mạnh mẽ hơn của Liên hợp quốc nhằm gây sức ép để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí về phát triển các tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân có khả năng tấn công lãnh thổ Mỹ. Trong số các biện pháp này, Washington mong muốn thắt chặt các lệnh hạn chế đối với việc cung cấp dầu tinh chế cho Bình Nhưỡng, vốn được quy định mức trần là 2 triệu thùng/năm trong các Nghị quyết trước đây của Liên hợp quốc.
Lệnh trừng phạt mới còn nhắm vào đội tàu vận tải biển chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu thiết yếu của Triều Tiên khi bổ sung 10 tàu chở hàng của Triều Tiên vào danh sách đen những tàu bị cấm rời cảng nước này. Theo đó, các quốc gia trên thế giới bị buộc phải cấm 10 con tàu của Triều Tiên có tên trong danh sách đen cập cảng của mình, gồm: Lighthouse Winmore, Billions No. 18, Xin Sheng Hai, Kai Xiang, Ul Ji Bong 6, Rung Ra 2, Yu Yuan, Glory Hope 1 (còn có tên là Orient Shenyu), Rye Song Gang 1 và Sam Jong 2.
Sở dĩ phải đàm phán với Trung Quốc về việc siết chặt hơn lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc với Triều Tiên bởi thành viên giữ vai trò phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc này vẫn luôn giữ quan điểm việc tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng không phải là giải pháp ưu tiên để buộc Triều Tiên ngừng chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi.
Trên thực tế, dù Trung Quốc chấp thuận thông qua nhiều Nghị quyết cấm vận Triều Tiên, song giới quan sát vẫn đặt nghi vấn về quốc gia láng giềng sát biên giới và đồng minh lớn nhất của Bình Nhưỡng là một “lỗ hổng” lớn làm giảm hiệu quả các lệnh trừng phạt quốc tế.
Chưa rõ lệnh trừng phạt mới chống Triều Tiên có được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua hay không, song không chỉ Trung Quốc mà còn có thêm Nga cũng như giới ngoại giao quốc tế đều cho rằng trừng phạt không phải là phương cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov bày tỏ rằng “thật đáng buồn” khi Mỹ một lần nữa yêu cầu gia tăng sức ép với Bình Nhưỡng, đồng thời nhấn mạnh rằng “lúc này cần chấm dứt kiểu chạy đua đe dọa, sức ép, tống tiền và đưa ra các điều kiện tiên quyết, thay vào đó cần hướng tới việc thực sự tìm kiếm một giải pháp chính trị”.
Đáng chú ý, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khi nhấn mạnh tới việc cần thiết ngăn ngừa xung đột trên bán đảo Triều Tiên đã đề xuất sáng kiến thiết lập các kênh liên lạc trung gian đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên. Đưa ra sáng kiến mà phía Nga khẳng định là “một sáng kiến hữu ích” này, người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nối lại và tăng cường các kênh liên lạc nhằm làm dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, cam kết Liên hợp quốc sẵn sàng đảm nhận vai trò trung gian hòa giải nếu cả hai bên Mỹ và Triều Tiên chấp nhận.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2010047