Trung - Nga liên thủ ở Bắc Cực
Hội nghị Các biên giới Bắc Cực 2018, hội nghị lớn nhất từ trước tới nay về khu vực lạnh giá này, vừa gút lại ở Na Uy, với sự tham dự của hơn 3.000 đại biểu. Tâm điểm của hội nghị là bàn về Tuyến đường Biển Bắc (NSR) hay còn gọi là Tuyến đường Bắc Cực, nằm giữa châu Âu và châu Á.
Tham vọng gặp nhau
Nga và Trung Quốc không nằm ngoài sự quan tâm ngày càng lớn cho khu vực vốn quanh năm băng phủ nhưng nay dần lộ diện dưới tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu. Trong khi Nga đang xây dựng đội tàu phá băng lớn nhất thế giới thì Bắc Kinh hôm 26-1 công bố Sách trắng mang tên "Chính sách Bắc Cực của Trung Quốc", bao gồm những tham vọng như mở các tuyến hàng hải, khai thác tài nguyên, đầu tư vào du lịch và bảo tồn, khám phá khoa học.
Một nhóm nghiên cứu Trung Quốc tại Bắc Cực, cạnh đó là tàu phá băng Tuyết Long Ảnh: TÂN HOA XÃ
Là thành phần của "Sáng kiến Vành đai và Con đường" (BRI), "Con đường tơ lụa Bắc Cực" của Trung Quốc sớm nhận được sự hậu thuẫn của Nga. Theo Tạp chí Diplomat, vào tháng 12-2017, một trong những công ty khí thiên nhiên tư nhân lớn nhất của Nga là Novatek đã sản xuất mẻ khí hóa lỏng đầu tiên tại nhà máy Yamal LNG ở khu vực vòng Bắc Cực. Dự án này có sự góp vốn lớn từ Trung Quốc, cụ thể là Công ty Dầu mỏ quốc gia Trung Quốc (20%) và Quỹ Con đường tơ lụa Trung Quốc (9,9%).
Trong vài thập kỷ qua, Bắc Kinh không giấu giếm hứng thú với tuyến hàng hải thương mại thông qua NSR dọc theo bờ biển Nga, đồng thời ước tính lượng hàng hóa vận chuyển qua NSR tới năm 2020 sẽ chiếm 5%-15% tổng thương mại quốc tế của Trung Quốc. Đáp lại sự mời gọi của Nga, Trung Quốc cam kết chi 5,5 tỉ USD để góp vốn vào các dự án phát triển chung NSR, bao gồm xây cảng nước sâu ở Arkhangelsk và phát triển tuyến đường sắt Belkomur nối các thành phố Arkhangelsk và Perm, theo trang Barents Observer.
E ngại
Tân Hoa Xã dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Kong Xuanyou trong cuộc họp báo công bố Sách trắng nói trên rằng: "Không có gì phải nghi ngờ về ý định của chúng tôi hay lo lắng chuyện cướp đoạt tài nguyên, phá hoại môi trường".
Phát biểu này phần nào chứng thực sự lo ngại dành cho Trung Quốc, bất chấp việc nước này luôn bồi đắp quan hệ với các nước có liên quan tới Bắc Cực. Chỉ mấy tháng trước, Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) của Thụy Điển cảnh báo "dù Bắc Cực không phải là ưu tiên chính sách đối ngoại song sự quan tâm ngày càng tăng của Trung Quốc đối với khu vực này đã gây lo ngại, thậm chí là báo động".
Hội đồng Bắc Cực được thành lập vào năm 1996 với 8 thành viên Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ. Từ đó tới nay, có thêm 13 nước được cấp quy chế quan sát viên, bao gồm Trung Quốc vào năm 2013. Bắc Kinh được như vậy nhờ rất nhiều vào sự hỗ trợ của Iceland, nước thậm chí cho phép Công ty Dầu ngoài khơi Trung Quốc thăm dò trong vùng biển của mình. Nhưng cũng chính Iceland từng ngăn chặn một thương nhân Trung Quốc muốn mua 300 km2 đất để xây một khu nghỉ dưỡng sinh thái. Người dân Iceland phản ứng dữ dội bởi chưa có người nước ngoài nào mua đất ở nước họ nhiều như vậy.
Sau đó, dự án Đài Quan sát Aurora ở khu vực thưa dân Karholl, cách thủ đô Reykjavik khoảng 400 km, cũng gặp nhiều ngờ vực. Dự án chung của Iceland và Trung Quốc này được ký kết năm 2013 nhưng có thể tới cuối năm 2018 mới đi vào hoạt động. Ông Pascal Heyman, cựu quan chức của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), từng lo ngại Trung Quốc sử dụng đài quan sát Aurora để theo dõi không phận NATO.
Theo AP, nhiều nước lo ngại Trung Quốc và Nga có thể tận dụng cơ hội để mở rộng hiện diện quân sự ở Bắc Cực. Nga vốn đã đầu tư nhiều nguồn lực quân sự để đối trọng với ảnh hưởng của phương Tây ở Bắc Cực. Do không phải là một quốc gia Bắc Cực, Trung Quốc gặp hạn chế khi muốn triển khai lực lượng tới đó. Tuy nhiên, báo cáo của SIPRI nhấn mạnh: "Hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Bắc Cực nhiều khả năng tăng lên do năng lực hải quân lẫn lợi ích của nước này ở khu vực trên đều phát triển".
Mỹ muốn ngân sách quốc phòng khổng lồ
Ngay sau khi có những cảnh báo của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis về Trung Quốc, giới chức Mỹ tiết lộ Tổng thống Donald Trump dự kiến yêu cầu khoản ngân sách quốc phòng khổng lồ 716 tỉ USD cho tài khóa 2019.
Tờ The Washington Post hôm 26-1 nhận định một con số như thế được xem là chiến thắng của ông Mattis, người vừa công bố chiến lược kêu gọi tăng cường sức mạnh quân sự để chuẩn bị cho khả năng xung đột với Trung Quốc và Nga. Con số 716 tỉ USD bao gồm ngân sách thường niên của Lầu Năm Góc, cộng với chi phí cho các cuộc chiến đang diễn ra và hoạt động bảo trì kho hạt nhân Mỹ. Con số này cao hơn 7% so với ngân sách quốc phòng tài khóa 2018 (vẫn chưa được quốc hội thông qua).
Đề xuất năm 2018 dành một khoản tiền lớn để cải thiện hoạt động huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng hiện có. Trong khi đó, theo giới chức Lầu Năm Góc, ngân sách 2019 sẽ tập trung hiện đại hóa các hệ thống vũ khí đang dần lạc hậu và chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra xung đột với các cường quốc sau thời gian dài tập trung cho chống khủng bố và các cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan.
Đề xuất trên phần nào nhấn mạnh thực tế rằng sự thống trị quân sự mà Mỹ đang duy trì kể từ cuối chiến tranh lạnh đang ngày càng tốn kém. Ông Trump từng gọi ngân sách quốc phòng 2018 của mình thuộc loại lớn nhất lịch sử nhưng vẫn có người tại Lầu Năm Góc và quốc hội muốn con số này cao hơn nữa.
Dù vậy, đề xuất tiếp tục nâng chi tiêu quân sự chắc chắn làm gia tăng nỗi lo ngân sách Mỹ thêm thâm hụt trong bối cảnh các biện pháp cắt giảm thuế vừa được thông qua. Trong ngân sách năm 2018, chính quyền ông Trump đã cắt giảm chi tiêu nội địa và ngân sách của Bộ Ngoại giao để bù đắp cho sự gia tăng của chi tiêu quân sự, dẫn đến phản đối mạnh mẽ của Đảng Dân chủ và một số thành viên Đảng Cộng hòa tại quốc hội. Ông Todd Harrison, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) nhận định đề xuất tăng ngân sách quốc phòng năm 2019 quá lớn đến nỗi Nhà Trắng sẽ khó có thể bù đắp bằng những biện pháp cắt giảm.
Bạn đang tìm dịch vụ về Siêu thị?
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from DANTRI.
Original source can be found here: http://dantri.com.vn/the-gioi/trung-nga-lien-thu-o-bac-cuc-2018012807062506.htm