Triều Tiên có vũ khí gì khiến máy bay Mỹ phải dè chừng?
Hệ thống phòng không KN-06 của Triều Tiên trong một lần phóng thử nghiệm.
Theo National Interest, Triều Tiên ngày 25.9 tuyên bố những bình luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên Twitter cho thấy Mỹ đã tuyên chiến với nước này.
Bởi vậy nên Bình Nhưỡng có quyền đáp trả bằng đòn tấn công nhằm vào các chiến đấu cơ, máy bay ném bom chiến lược Mỹ thường tập trận trên bán đảo Triều Tiên.
“Cả thế giới hãy nhớ Mỹ là nước gây chiến trước”, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho nói với các phóng viên ở New York. “Chúng tôi có quyền bắn rơi máy bay Mỹ, ngay cả khi nó không vi phạm không phận Triều Tiên”.
Phía Mỹ sau đó phải “chữa cháy”, nói Washington không hề có ý tuyên chiến với Triều Tiên.
Nhưng liệu Triều Tiên có đủ năng lực bắn rơi máy bay ném bom Mỹ áp sát nước này? Tuần trước, Mỹ đã điều oanh tạc cơ chiến lược B-1B tiếp cận vùng biển ngoài khơi phía đông của Triều Tiên.
Giới chuyên gia đánh giá không quân Triều Tiên hiện chỉ có một số lượng hạn chế các chiến đấu cơ hiện đại, như tiêm kích MiG-29 và MiG-29 là có thể đe dọa máy bay Mỹ.
Nhưng các chiến đấu cơ này sẽ không đủ sức áp sát máy bay ném bom chiến lược B-1B, B-52 Mỹ. Mặt khác, tiêm kích Triều Tiên xuất kích chỉ làm mồi ngon cho các chiến đấu cơ Mỹ đi theo hộ tống.
Chiến đấu cơ F-15 thường nhận nhiệm vụ hộ thống máy bay ném bom chiến lược B1-B của Mỹ.
Cách duy nhất để máy bay Triều Tiên thành công là chặn đánh mục tiêu bất ngờ, khi oanh tạc cơ Mỹ chưa có các chiến đấu cơ F-15, F-35 bay hộ tống.
Nếu dùng tên lửa phòng không, Triều Tiên có khả năng bắn rơi oanh tạc cơ Mỹ lớn hơn. Mặc dù đa số vũ khí phòng không Triều Tiên là hệ thống từ thời Liên Xô, Bình Nhưỡng cũng có một vài vũ khí đáng để Mỹ phải dè chừng.
“Họ có các tổ hợp SAM như S-75, S-125, S-200. Các tổ hợp này đang trong tình trạng tốt, sẵn sàng chiến đấu”, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin nói. “Triều Tiên có thể tự sản xuất tên lửa S-75. Năm 2010, họ cũng giới thiệu loại tên lửa hiện đại có tên KN-06”.
Hiện chưa rõ Triều Tiên đã chế tạo được bao nhiêu tổ hợp KN-06, nhưng loại tên lửa phòng không này được cho là có sức mạnh tương đương “rồng lửa” S-300 của Nga.
“KN-06 thậm chí còn có phần mạnh hơn S-300 bởi radar Triều Tiên dẫn đường cho tên lửa có phạm vi tác chiến hiệu quả lớn hơn”, ông Kashin nói.
Ông Kashin nói KN-06 đã nhiều lần được Triều Tiên thử nghiệm thành công, tầm bắn tối đa khoảng 150km. Nhưng phương Tây hầu như bỏ qua loại vũ khí phòng không này vì đánh giá thấp năng lực quân sự Triều Tiên.
Oanh tạc cơ chiến lược B-1B Mỹ thường dùng để thị uy trên bán đảo Triều Tiên.
Bên cạnh đó, lời cảnh báo của Triều Tiên cũng không phải nói suông. Trong quá khứ, Bình Nhưỡng từng bắn rơi máy bay Mỹ mà không hề hấn gì. Đó là thời điểm năm 1969, chiếc máy bay trinh sát EC-121 của hải quân Mỹ bị chiến đấu cơ Triều Tiên bắn hạ, khiến toàn bộ 31 người thiệt mạng.
Tổng thống Mỹ Nixon khi đó định dùng vũ khí hạt nhân đáp trả nhưng sau đó đã quyết định không leo thang căng thẳng.
Ngày 18.12.1994, Triều Tiên lại dùng tên lửa bắn rơi một trực thăng OH-58 Kiowa của Mỹ ở khu vực phi quân sự, khiến một phi công thiệt mạng và người còn lại bị bắt sống. Chính quyền Clinton khi đó cũng không đáp trả mà lựa chọn chính sách kiềm chế.
Không chỉ bắn rơi máy bay, Triều Tiên còn tấn công, tịch thu tàu chiến Mỹ. Năm 1968, Triều Tiên bắt giữ tàu trinh sát USS Pueblo của Mỹ, bắt 83 thủy thủ làm con tin.
Ngày nay, con tàu này vẫn được trưng bày công khai ở Triều Tiên như một chiến thắng lịch sử.
National Interest kết luận, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không nên xem nhẹ lời đe dọa bắn rơi máy bay của Triều Tiên. Triều Tiên khó có khả năng dùng tiêm kích không chiến với máy bay Mỹ, nhưng dùng hệ thống phòng không ngắm bắn thì là điều hoàn toàn có thể.
Bạn đang tìm dịch vụ về Tiệm rượu?
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1907297