Triều Tiên có đủ sức để đưa Trái đất vào “mùa đông hạt nhân“?

15:33' 05-09-2017
Triều Tiên đã thử hạt nhân lần 6 như dự đoán trước đó. Điều này dù được dự báo, nhưng nó vẫn gây chấn động toàn cầu. Câu hỏi gây tò mò xen lẫn hoang mang cho cộng đồng quốc tế là: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?


Triều Tiên có đủ sức để đưa Trái đất vào “mùa đông hạt nhân“?

Nỗi ám ảnh "ngày tận thế"

Với vụ thử hạt nhân vào năm ngoái, thế giới biết rằng Triều Tiên có thể có từ 10 đến 60 đầu đạn hạt nhân, với sức công phá nhỏ hơn hoặc bằng với quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima trong quá khứ.

Quả bom từng thả xuống Hiroshima có sức nổ 15 kiloton- tương đương với 15.000 tấn thuốc nổ TNT – một con số quá đủ để gây ra thảm họa.

Nhưng với vụ thử mới nhất hôm 3/9, các chuyên gia ước tính, sức nổ mà Triều Tiên thử nghiệm đã lớn gấp nhiều lần với khoảng từ 50 đến 100 kiloton.

Tiềm năng hủy diệt của nó sẽ ảnh hưởng ở quy mô rất lớn đối với toàn bộ khu vực, đồng thời gây ra những rủi ro khác nhau.

Một “ngày tận thế” thực sự có xảy ra hay không, phụ thuộc việc cuộc xung đột có xảy ra hay không và các bên liên quan sử dụng bao nhiêu vũ khí hạt nhân. 

Giáo sư Alexander Gillespie từ đại học Waikato, New Zealand bình luận trên tờ Al Jazeera rằng, bất cứ sự tàn phá nào gây ra từ số lượng 50 vũ khí hạt nhân trở lên đều sẽ biến Trái đất đi vào “mùa đông hạt nhân”.

Trong tình huống đó, sẽ có rất nhiều vật liệu sau vụ nổ như carbon đen xâm nhập bầu khí quyển, hấp thu nhiệt năng của mặt trời, khiến cho nhiệt độ Trái đất suy giảm và loài người sẽ chìm trong một mùa đông băng giá kéo dài.

Một số chuyên gia còn nói rằng, con số 100 kiloton có khả năng vẫn chưa là giới hạn cuối cùng đối với Triều Tiên khi nước này hoàn toàn có thể mang lại sức nổ lớn hơn.

Dễ dãi với hiểm nguy

Vụ thử hạt nhân mới được chính quyền Kim Jong-un thử nghiệm rất nhanh chóng sau màn bắn tên lửa táo bạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản.

Công chúng Nhật Bản đã nhận được cảnh báo nhanh chóng chỉ sau ba phút khi sự việc xảy ra dù khoảng cách giữa họ và Triều Tiên là 1.000km.

California với khoảng cách 9.000km nhận được tin báo sau nửa giờ. Nhưng với Seoul, dù nằm sát sườn Triều Tiên, họ lại không nhận được bất kỳ một cảnh báo nào.

Thực tế này cho thấy, các quốc gia như Mỹ, Nhật luôn đặt tình hình Triều Tiên trong trạng thái cảnh báo cao độ.

Điều này có nghĩa rằng họ có thể khởi động chương trình trả đũa trong vòng 15 phút, hoặc ít hơn.

Dẫu vậy chuyên gia Gillespie đánh giá, sự cẩn trọng nói trên thậm chí có thể làm cho diễn biến trở nên nguy hiểm hơn.

Không bên nào giữa Triều Tiên và Mỹ trong tình trạng căng thẳng hiện nay đang sử dụng biện pháp tham vấn thích hợp để ngăn chặn sự cố hoặc tính toán sai lầm.

Hay nói đúng hơn, hai nước đang quá dễ dãi với nguy hiểm, bỏ qua những rủi ro mà tự đưa cuộc khủng hoảng tiệm cận xung đột nhanh chóng.

Trên mặt đất, Mỹ và các đồng minh đang ráo riết tập trận, bỏ ngoài tai những khuyến cáo từ các quốc gia trung gian.

Không chỉ là bước đi khiêu khích với Triều Tiên, giới quan sát trong khu vực còn cảm thấy bản thân mình cũng bị đe dọa bởi những cuộc tập trận mà họ không biết rằng nó có nhắm vào chính đất nước mình hay không.

Trong khi đó, ở phía bên kia, Triều Tiên cũng giống như Mỹ và Hàn Quốc, thỏa sức thử tên lửa bay qua lãnh thổ nước khác, mà không cần thông báo hay sự đồng ý của bất kỳ ai.

Triều Tiên đang thể hiện một màn trình diễn “bắt nạt” Nhật Bản và nếu nước này tiếp tục hành động tương tự bằng việc phóng tên lửa rơi gần đảo Guam của Mỹ, một cuộc chiến tranh là khó có thể tránh khỏi.

“Tổng thống Donald Trump không phải là người đàn ông dễ dây vào. Nếu Kim Jong-un phóng tên lửa không báo trước với đầu đạn hạt nhân mang sức nổ hơn quả bom Hiroshima tới 6 lần thì mọi thứ cứ xác định là kết thúc”, Giáo sư Gillespie giải thích.

Dù Nga, Trung Quốc hay chính Triều Tiên không chấp nhận hành động quân sự của Mỹ gần lãnh thổ của họ, nhưng sẽ không có lý do để hy vọng rằng Mỹ sẽ làm khác.

Những kịch bản đáng sợ

Phản ứng quốc tế đầu tiên được dự đoán sau việc thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên sẽ là Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được triệu tập để thảo luận về tình hình.

Các nước sẽ đề xuất, hoặc thắt chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt cứng rắn với Triều Tiên dù cho Trung Quốc và Nga chưa chắc sẽ đồng ý hoàn toàn với quan điểm do Mỹ dẫn đầu.

Theo các chuyên gia, kể cả khi biện pháp trừng phạt mới hơn được đưa ra, nó cũng không chắc ép buộc được Triều Tiên sẽ thay đổi lập trường lâu năm để từ bỏ vũ khí hạt nhân.

“Triều Tiên biết rằng Ấn Độ , Pakistan, Israel vẫn bất chấp những quyền hạn hay sự kêu gọi của quốc tế để tiếp tục tăng cường kho vũ khí hạt nhân của riêng mình. Bình Nhưỡng cũng muốn tham gia câu lạc bộ đi ngược dòng đó”, Gillespie nêu quan điểm.

Tuy nhiên, nếu Triều Tiên vẫn duy trì vũ khí hạt nhân của họ, không có lý do nào ngăn cản Hàn Quốc và Nhật Bản cũng muốn có kho vũ khí nguyên tử của riêng mình để đối chọi với chính quyền Kim Jong-un.

Ngoài ra, hai nước này sẽ muốn mở rộng và phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo mạnh mẽ hơn bất kỳ quốc gia nào trong khu vực.

Họ cũng sẽ tìm kiếm sự độc lập nhiều hơn về quốc phòng và nỗ lực không còn phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ.

Trong khi điều này có thể mang đến ý nghĩa lớn đối với các cường quốc ở Đông Á, nó lại trở thành sự bực tức của Trung Quốc khi viễn cảnh một đất nước như Nhật Bản với hàng rào tên lửa hùng hậu cùng kho vũ khí hạt nhân tự chủ, công nghệ cao là điều hoàn toàn không thể chấp nhận.

“Thật không may, nó lại là tương lai mà chúng ta đang đi đến”, Giáo sư Gillespie nêu quan điểm cá nhân của ông.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from XALUAN.

Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1882219