Trẻ hay lè lưỡi vì trẻ đói hay còn có nguyên nhân nào khác?
Em bé nào trông cũng rất đáng yêu và dễ thương, từ khuôn mặt nhỏ nhắn, đôi mắt tròn xoe, cái miệng xinh xinh cho đến bàn tay tí xíu. Nhưng cha mẹ có để ý không, bé nào cũng rất hay lè lưỡi. Có đôi khi là vì bé đói, nhưng hầu như bất cứ khi nào thức chơi bé cũng đều lè lưỡi. Tại sao lại như thế?
Thực ra, em bé được sinh ra với bản năng là mút mạnh để bú. Một phần của phản xạ này là đẩy lưỡi. Và trẻ sơ sinh lè lưỡi để tránh bị nghẹn nếu gặp phải vật cứng đồng thời giúp trẻ ngậm được núm vú. Mặt khác, lè lưỡi cũng là cách làm đầu tiên để trẻ sơ sinh khám phá thế giới xung quanh. Ngoài ra, hành động này của trẻ cũng được giải thích là vì em bé nhận thấy cảm giác ở đôi môi của mình.
"Đây là cách mà trẻ sơ sinh từ chối thức ăn đặc. Ý của trẻ là "tôi chưa sẵn sàng cho việc này. Tôi cần sữa mẹ hoặc sữa công thức". Theo thời gian, hành vi này sẽ biến mất và em bé sẽ vui vẻ với việc ăn dặm của mình", bác sĩ Jean Moorigate - bác sĩ nhi khoa thuộc Bệnh viện Nhi đồng Orlando Arnold Palmer, Mỹ nói.
Bên cạnh việc lè lưỡi khi đói, hành vi này cũng là dấu hiệu cho thấy trẻ đã bú no. Khi cha mẹ thấy bé lè lưỡi và quay đầu ra khỏi ti mẹ hoặc bình sữa nghĩa là bé đã ăn đủ rồi.
Có một khả năng khác để giải thích cho hành động này của trẻ là chúng đang bắt chước theo cha mẹ, hoặc cố gắng thực hiện gần đúng nhất các biểu cảm trên khuôn mặt của cha mẹ khi bạn nói chuyện với bé. Đây không phải là sự suy diễn, bởi trong 4 thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu đã nhận ra trẻ sơ sinh từ 2 đến 3 tuần tuổi đã làm theo họ khi họ lè lưỡi ra.
Các nhà khoa học giải thích rằng dù chỉ mới được vài ngày hay vài tuần tuổi thì não của trẻ cũng đã tạo ra các kết nối được hỗ trợ bằng cách bắt chước. Khi lớn hơn, những nỗ lực bắt chước của trẻ càng dễ nhận ra hơn. Bác sĩ Jean cho biết: "Thật đáng ngạc nhiên, bắt chước là trò chơi đầu tiên của trẻ, và cũng là trò đầu tiên trẻ chơi cùng cha mẹ. Nó được hình thành trong não trẻ và chúng tạo cho trẻ một cảm giác mong đợi. Đây là một trò chơi dự đoán và mang độ chính xác cao".
Thông thường, khi trẻ đã lớn và bắt đầu ăn dặm thì phản xạ trên tự động biến mất. Trẻ có thể vẫn thè lưỡi ra khi chơi. Nhưng nếu cha mẹ nhận thấy con mình không thể đưa lưỡi vào trong miệng được thì đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng. Nếu em bé có lưỡi lớn hơn mức trung bình, tình trạng này được gọi là macroglossia, nghĩa là trẻ sẽ lè lưỡi nhiều hơn bình thường. Macroglossia có thể xảy ra do di truyền, hoặc do sự phát triển bất thường của mạch máu hoặc cơ ở lưỡi. Nó cũng có thể được gây ra bởi các vấn đề như suy tuyến giáp hoặc khối u. Macroglossia có thể xảy ra như một triệu chứng trong các hội chứng như hội chứng Down và hội chứng Beckwith-Wiedemann.
Cha mẹ có thể dễ dàng nhận ra các dấu hiệu của các hội chứng này ở trẻ: chảy nước dãi quá nhiều, khó nuốt, trương lực cơ kém hoặc khó bú. Cha mẹ hãy gọi cho bác sĩ nhi để thảo luận về những lo lắng của bạn.
Ngoài ra, nếu trẻ có một khuôn miệng nhỏ xíu hơn mức bình thường thì có thể trẻ bị mắc hội chứng Micrognathia. Đây là hội chứng làm cho khuôn miệng của trẻ nhỏ hơn mức trung bình do thay đổi hình dạng vòm miệng có liên quan đến dị tật tim và chậm phát triển,
Bên cạnh đó, việc lè lưỡi thường xuyên của trẻ cần được giải quyết nếu trẻ gặp khó khăn khi ăn dặm hoặc học nói. Các bác sĩ nhi khoa sẽ có các phác đồ điều trị theo phương pháp vật lý trị liệu dành cho trẻ lớn hơn 6 tháng tuổi để loại trừ dần các chứng bệnh nguy hiểm.
Bạn đang tìm dịch vụ về Tiệm rượu?
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/vi-sao-dua-tre-nao-cung-hay-le-luoi-trong-thi-rat-dang-yeu-nhung-cung-co-khi-la-bieu-benh-can-luu-y-20190816234711996.chn