Trận lũ cực lớn chia cắt nước Anh khỏi châu Âu

07:00' 07-04-2017
Các nhà khoa học xác định quá trình dải đất mỏng nối liền nước Anh cổ đại với châu Âu bị phá hủy trong một trận lũ lớn diễn ra cách đây 150 triệu năm.

Dải đất nối liền Anh với châu Âu ở kỷ Băng hà. Ảnh: Đại học Hoàng gia London.

Nhóm nghiên cứu ở Đại học Hoàng gia London phát hiện những dấu tích đặc biệt dưới đáy eo biển Manche, cho thấy một trận lũ cực lớn cách đây hàng trăm triệu năm đã phá hủy dải đất nối liền Anh với châu Âu, tạo nên eo biển Dover ngày nay, theo BBC.

"Đây là một trong những sự kiện quan trọng định hình vùng tây bắc nước Pháp và cả lịch sử nước Anh. Nếu sự kiện địa chất mang tính tình cờ này không xảy ra, nước Anh sẽ gắn liền với lục địa châu Âu", giáo sư Sanjeev Gupta, viết trong nghiên cứu công bố hôm qua trên tạp chí Nature Communications.

Cách đây hơn nửa triệu năm, ở giữa kỷ Băng hà, một dải đất nối Dover ở miền nam nước Anh với Calais ở miền bắc nước Pháp. Ở phía bắc dải đất là một hồ băng khổng lồ, hình thành ở mép thềm băng bao phủ phần châu Âu. Nhóm nghiên cứu tin rằng khi hồ này bắt đầu tràn bờ, một lượng nước lớn đã ồ ạt chảy qua dải đất.

Nhiều thập kỷ trước, các kỹ sư khảo sát đáy eo biển Manche cho công trình đường hầm Channel Tunnel phát hiện một loạt hố lớn bí ẩn ở dưới đáy biển. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra chúng nhiều khả năng là kết quả của sự kiện nước hồ chảy tràn gây ra.

"Những hố này giờ đây chứa đầy trầm tích, nhưng điều thú vị là chúng không có những đặc điểm liên quan như hẻm hoặc thung lũng. Chúng là những vùng lõm biệt lập. Các hố kéo dài thành một đường chạy giữa Dover và Calais. Chúng có kích thước khổng lồ, ăn sâu 100 m vào tầng đá gốc với đường kính từ vài trăm mét đến vài kilomet", giáo sư Gupta cho biết.

"Chúng tôi nghĩ đây là những hồ sâu cực lớn. Về cơ bản, nước hồ xói sâu qua dải đá ở eo biển Dover qua một loạt thác nước, sau đó xói mòn và khoét vào vùng lõm. Địa hình này rất khó để giải thích bằng bất kỳ cơ chế nào khác", giáo sư Gupta giải thích.

Theo nhóm nghiên cứu, hồ nước bắt đầu bị tràn cách đây khoảng 450.000 năm, khiến dải đất yếu đi nghiêm trọng. Sự kiện thảm họa thứ hai là trận lụt xảy ra cách đây 150.000 năm phá hủy hoàn toàn dải đất. "Chúng tôi phát hiện thung lũng bên dưới eo biển, rộng khoảng 8-10 km, cùng nhiều đặc trưng là dấu tích của quá trình xói mòn do lũ lụt gây ra", giáo sư Gupta nói.

Các nhà khoa học vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân dẫn tới hai sự kiện nêu trên. "Có thể một phần thềm băng vỡ ra, sụp đổ xuống hồ, dẫn tới nước hồ bị tràn ra ngoài, đồng thời tạo ra một đường dẫn nước chảy xuống dải đất. Việc dải đất bị vỡ có thể do rung chấn dưới lòng đất, kéo theo trận siêu lũ", Jenny Collier ở Đại học Hoàng gia London, đồng tác giả nghiên cứu, suy đoán.

Các nhà nghiên cứu dự định tìm ra mốc thời gian chính xác của sự kiện bằng cách khoan dưới đáy eo biển Dover và phân tích niên đại trầm tích, tuy nhiệm vụ này rất khó thực hiện do mật độ tàu thuyền đi qua eo biển Manche cùng với thủy triều mạnh.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Dr Daniel Mulino Vùng: Sunshine. Phone: (03) 9070 1974
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/tran-sieu-lu-chia-cat-nuoc-anh-khoi-chau-au-3566130.html