Trận chạm trán đầu tiên giữa xe tăng Mỹ và Đức năm 1942

23:00' 26-02-2021
Xe tăng M3 Mỹ lần đầu chạm mặt tăng Panzer Đức trong trận chiến đèo Chouigui năm 1942 và may mắn chiến thắng nhờ phát hiện điểm yếu của đối thủ.

Ngày 26/11/1942, một cuộc chạm trán quan trọng diễn ra ở vùng nông thôn hẻo lánh ở Tunisia khi quân đội Mỹ mới đổ bộ vào Bắc Phi để tham gia chiến trường Địa Trung Hải, trong khi phát xít Đức cũng điều lực lượng đối phó.

Chiến thuật của Đức ở châu Âu chủ yếu dựa vào đội hình xe tăng cơ động nhanh với hỏa lực mạnh. Ở địa hình sa mạc trống trải tại Bắc Phi, phương án này phát huy hiệu quả, trong khi lính Mỹ chưa có kinh nghiệm thực chiến với xe tăng Đức. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi trong trận chiến tại đèo Chouigui của Tunisia.

Tổ lái xe tăng M3 Mỹ tại Tunisia cuối năm 1942. Ảnh: War History.

Trung tá John Waters khi đó chỉ huy một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn Thiết giáp số 1 Mỹ, nhưng được phối thuộc cho Blade Force, lực lượng chủ yếu là quân Anh với chỉ huy người Anh. Tiểu đoàn có ba đại đội với khoảng 60 xe tăng hạng nhẹ M3, được yểm trợ bởi một trung đội gồm ba lựu pháo 75 mm và một trung đội cối 81 mm. Họ không có bộ binh, công binh và súng chống tăng đi cùng nên dễ bị tổn thương.

Đối đầu với Waters là lực lượng hỗn hợp gồm các đơn vị trinh sát Đức và Italy bố trí dọc tuyến đường đến đèo Chouigui để xác định vị trí quân Đồng minh. Một đơn vị chống tăng Italy cũng cố thủ cùng lính dù Đức trong một trang trại dọc tuyến đường.

Đội hình Đức chủ yếu là xe tăng Panzer III và Panzer IV, được thiết kế từ cuối thập niên 1930 nhằm đóng vai trò nòng cốt trong lực lượng thiết giáp Đức. Xe tăng Panzer III được trang bị một pháo 50 mm, trong khi Panzer IV sở hữu pháo chống tăng cỡ nòng 75 mm uy lực hơn.

Phe Trục tổ chức hai mũi phòng ngự sát nhau trên bờ biển Tunisia, quanh cảng Brizerte và Tunis. Việc kiểm soát các ngọn đồi dọc tuyến đường đến những thị trấn này giúp họ khống chế được toàn bộ khu vực. Quân Đồng minh cần chiếm các quả đồi và con đèo giữa chúng nếu muốn đánh bật đối thủ.

Blade Force được giao nhiệm vụ chiến đấu chống phe Trục gần tuyến trung tâm, với hai mũi tấn công theo hướng nam hướng về Medjez el Bab. Trong khi đó, mũi thứ ba có nhiệm vụ kiểm soát một trong những tuyến đường nằm giữa Tunis và Bizerte. Đây là con đường chạy qua đèo Chouigui.

Tiểu đoàn Mỹ do Waters chỉ huy thuộc mũi thứ ba. Họ có nhiệm vụ vượt qua con đèo và do thám khu vực tiền phương, bao gồm các cây cầu bắc qua sông Medjerda.

Cuộc hành quân qua đèo Chouigui bước đầu thành công. Lính Mỹ quét sạch các đơn vị phe Trục yếu hơn, vòng qua trang trại được phòng ngự dày đặc trước khi chiếm lĩnh các ngọn đồi. Họ chia ra thành các mũi do thám quanh sông Medjerda và chiếm được một cây cầu.

Sau khi lên đỉnh một ngọn đồi, lực lượng xe tăng Mỹ dưới sự chỉ huy của thiếu tá Rudolph Barlow phát hiện mục tiêu ngoài dự kiến, đó là sân bay Đức với các phi cơ đang cất hạ cánh mà không được bảo vệ nghiêm ngặt.

Họ lập tức tấn công, tiêu diệt lính bảo vệ, phá hủy máy bay và công trình tại sân bay. Tổng cộng 20 tiêm kích Bf-109 của Đức bị thiêu rụi trên mặt đất.

Hai bên đều lui quân sau trận đánh. Lính Đức tỏ ra lo sợ vì các báo cáo sai lệch về xe tăng quân Đồng minh xuất hiện gần Tunis, trong khi Waters muốn đảm bảo binh sĩ thuộc quyền an toàn. Tướng Nehring của Đức bị cấp trên chỉ trích dữ dội. Thống chế Kesselring cho rằng lực lượng Đồng minh sẽ tiến quân thận trọng và Nehring lẽ ra không nên rút quân.

Xe tăng Panzer IV bị phá hủy tại Tunisia năm 1943. Ảnh: US Army.

Ngày 26/11/1942, quân Mỹ dưới quyền chỉ huy của Waters trở lại đèo Chouigui cùng lúc tướng Nehring triển khai lực lượng thám thính được rút ra từ tiểu đoàn tăng Panzer số 190, gồm ba xe Panzer III và 6 xe Panzer IV.

Lực lượng Mỹ đầu tiên mà người Đức nhìn thấy là đại đội A dưới sự chỉ huy của thiếu tá Carl Siglin. Xe tăng Đức lập tức tiến công mà không biết đại đội B dưới quyền đại tá Bill Tuck ẩn núp sau một gò cao.

Những xe tăng M3 của đại đội B sau đó khai hỏa. Pháo 37 mm trên xe tăng Mỹ không có sức công phá bằng xe tăng Đức, nhưng họ ở vị trí thuận lợi hơn đối thủ và có cả may mắn.

Một trong những phát đạn đầu tiên đã trúng bên dưới răng bánh xích một chiếc Panzer. Vị trí này chỉ được bọc lớp giáp mỏng, khiến quả đạn dễ dàng xuyên qua và khiếc chiếc xe tăng Đức bốc cháy.

Phát đạn giúp lính Mỹ hiểu rằng pháo của họ không mạnh nhưng có khả năng bắn chính xác trong tầm 2,5 km và phát hiện này được phổ biến cho cả đại đội. Bằng cách tập trung hỏa lực ở khu vực gần phía mũi xe tăng Đức, họ có thể đánh trúng điểm yếu đó. Kết quả là xe tăng Đức liên tiếp bị bắn cháy.

Quân Đức rút lui sau khi phá hủy 6 xe tăng hạng nhẹ của Mỹ và mất 7 chiếc Panzer. Đây cũng không phải là chiến thắng rõ rệt với quân Mỹ bởi tổn thất của hai bên khá tương đồng. Thiếu tá Carl Siglin thiệt mạng trong cuộc giao tranh, nhưng quân Mỹ đã trụ vững trong cuộc giao tranh đầu tiên với đối thủ khó nhằn là xe tăng Đức.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Westbourne Grammar Vùng: Truganina. Phone: 9731 9448
Xem thêm

trường học chuyên định hình nên những con người truyền cảm hứng cho thế giới


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/tran-dau-tang-dau-tien-giua-my-va-duc-trong-the-chien-ii-4239630.html