Dữ liệu từ 500.000 người tham gia vào một nghiên cứu của Vương quốc Anh, với nội dung tìm mối liên hệ giữa cà phê và trà với tổng tỷ lệ tử vong và tỷ lệ tử vong do bệnh liên quan, bao gồm bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và bệnh hệ tiêu hóa, cho thấy: 

So với những người không uống cà phê hoặc trà, những người tham gia ở hai nhóm uống 1-2 tách cà phê và 2-4 tách trà mỗi ngày có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân thấp hơn 22%, nguy cơ mạch máu não thấp hơn 24%, nguy cơ tử vong do các bệnh về đường hô hấp thấp hơn 24%.

Một nghiên cứu khác cho thấy tác dụng tích cực của cà phê và trà trong việc ngăn ngừa đột quỵ và bệnh Alzheimer ở ​​người trung niên và người cao tuổi. Dùng 2-3 tách cà phê hoặc 2-3 tách trà mỗi ngày có liên quan đến nguy cơ đột quỵ thấp hơn 32% và nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ thấp hơn 28%. Một tách ở đây là 150 ml.

 
Trà và cà phê có tác dụng khác nhau cho cơ thể. (Ảnh minh họa). 

Trà hay cà phê tốt hơn?

1. Trà và cà phê đều có lịch sử hàng nghìn năm

Văn hóa trà đã có lịch sử hàng nghìn năm ở Trung Quốc. Về nguồn gốc của cà phê, truyền thuyết kể rằng nó được một người chăn cừu ở Ethiopia, châu Phi phát hiện cách đây hơn một nghìn năm. Vào thế kỷ 15, cà phê được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo ở Yemen. Vào thế kỷ 16, cà phê được du nhập vào Đế chế Ottoman và trở nên phổ biến rộng rãi, sau đó lan sang châu Âu.

2. Trà và cà phê, cái nào tốt cho sức khỏe hơn?

+ Uống trà có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong

Vào tháng 12 năm 2020, Tạp chí Tim mạch Dự phòng Châu Âu đã công bố một nghiên cứu, phát hiện ra uống trà hơn ba lần một tuần có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch và tử vong do mọi nguyên nhân.

Dữ liệu nghiên cứu cho thấy so với những người không bao giờ hoặc không quen uống trà, những người uống trà thường xuyên có nguy cơ mắc bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch thấp hơn 20% và nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch thấp hơn 22, nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân giảm 15%. Và ở tuổi 50, so với những người chưa bao giờ hoặc không quen uống trà, những người uống trà thường xuyên có nguy cơ mắc bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch muộn hơn 1,41 năm và có tuổi thọ tăng thêm 1,26 năm.

Trong số những người uống trà thường xuyên, 49% thích uống trà xanh, 8% thích uống trà đen, 43% còn lại thích uống trà thơm và các loại trà khác. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc uống trà xanh thường xuyên có thể liên quan đến việc giảm tỷ lệ mắc bệnh tim mạch, tỷ lệ tử vong, trong khi không có mối liên quan đáng kể nào với việc uống trà đen thường xuyên.

Tình trạng này có thể liên quan đến quá trình lên men của trà và cách uống trà. Trước hết, trà xanh chưa được lên men và rất giàu polyphenol, bao gồm epicatechin, catechin... Những polyphenol này có thể giúp giảm căng thẳng oxy hóa, giảm viêm, tăng cường chức năng tế bào nội mô và tế bào cơ tim, đồng thời cải thiện nguy cơ mắc các bệnh tim mạch (bao gồm tăng huyết áp và rối loạn lipid máu).

Trà xanh có vẻ có nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn trà đen. (Ảnh minh họa)

Polyphenol trong trà có thể bị oxy hóa thành sắc tố và mất hoạt tính trong quá trình lên men, điều này có thể khiến trà đen mất tác dụng chống oxy hóa, dẫn đến lợi ích sức khỏe tương đối thấp. Thứ hai, khi uống trà đen, người ta thường uống cùng với sữa, điều này cũng có thể làm giảm tác dụng tốt cho sức khỏe của trà đen đối với chức năng mạch máu.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng lợi ích sức khỏe của việc uống trà thường xuyên có ý nghĩa hơn ở nam giới. Điều này có thể là do trong nghiên cứu này, 48% nam giới uống trà thường xuyên, trong khi con số này ở phụ nữ chỉ là 20%, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong vì bệnh tim mạch ở phụ nữ vốn dĩ thấp hơn ở nam giới.

+ Uống 3 đến 5 tách cà phê mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính

Vào tháng 7 năm 2020, một nhóm nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Singapore đã xuất bản một bài báo trên Tạp chí Y học New England, tóm tắt bằng chứng về tác dụng sinh lý khác nhau của caffeine và cà phê cũng như nguy cơ mắc bệnh tim mạch, kháng insulin, sỏi mật, ung thư và bệnh gan.

Chất caffeine có trong cà phê có thể làm giảm mệt mỏi, cải thiện độ nhạy phản ứng của con người và giảm đau. Tuy nhiên, uống quá nhiều caffeine cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ, bao gồm mất ngủ, lo lắng, hưng phấn. 

Nghiên cứu cho thấy uống cà phê không làm tăng nguy cơ huyết áp cao và việc hạn chế cà phê không lọc và tiêu thụ cà phê espresso vừa phải có thể giúp kiểm soát mức cholesterol trong huyết thanh. Tiêu thụ cà phê không liên quan đến rung tâm nhĩ nhưng có liên quan nghịch với nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành, đột quỵ và tử vong do bệnh tim mạch. Uống cà phê có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp nhất khi uống 3-5 tách cà phê mỗi ngày.

Về mặt trao đổi chất, caffeine có thể làm giảm sự thèm ăn, tăng tỷ lệ trao đổi chất cơ bản và cải thiện cân bằng năng lượng. Lượng caffeine vừa phải có thể giúp giảm cân và mỡ trong cơ thể, nhưng nếu bạn dùng đồ uống  chứa caffein có hàm lượng calo cao (chẳng hạn như cà phê có đường) thì dễ tăng cân.

Uống lượng vừa phải cà phê hằng ngày giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh. (Ảnh minh họa)

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng uống cà phê không làm tăng tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư nhưng có thể làm giảm nguy cơ ung thư da, ung thư nội mạc tử cung, ung thư gan và các bệnh ung thư khác. Chất caffeine và polyphenol trong cà phê cũng hỗ trợ cải thiện sức khỏe gan và giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ và xơ gan. Tuy nhiên, uống quá nhiều caffeine trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến sẩy thai và có hại cho sức khỏe thai nhi, dễ khiến cân nặng khi sinh của trẻ sơ sinh thấp hơn.

+ Cà phê kết hợp trà có nhiều tác dụng 

Vào tháng 11 năm 2021, một nhóm nghiên cứu từ Đại học Y Thiên Tân đã công bố một nghiên cứu về tác dụng kết hợp của cà phê và trà trong PLOS Medicine. Kết quả cho thấy uống cà phê một mình, hoặc cùng với trà có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ và chứng mất trí nhớ.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 365.682 người tham gia ở độ tuổi 50-74 trong 10-14 năm và nhận thấy rằng so với những người không uống trà và cà phê mỗi ngày, uống 2-3 tách cà phê, hoặc 3-5 tách trà hay 4-6 tách trà và cà phê kết hợp có liên quan đến tỷ lệ nguy cơ thấp nhất đối với đột quỵ và chứng mất trí nhớ. Uống cà phê và trà cùng nhau có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tốt hơn là chỉ uống trà hoặc cà phê. Uống 2-3 tách cà phê cộng với 2-3 tách trà mỗi ngày có thể giảm 32% nguy cơ đột quỵ và 28% nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ. Uống cà phê và trà cùng nhau còn làm giảm nguy cơ mất trí nhớ sau đột quỵ.

Các nhà nghiên cứu tin rằng sở dĩ uống cà phê và trà cùng nhau có thể ngăn ngừa đột quỵ và chứng mất trí nhớ chủ yếu liên quan đến hai yếu tố. Trước hết, cà phê chứa polyphenol và các hợp chất hoạt tính sinh học tăng cường sức khỏe khác, trong khi trà có chứa caffeine, catechin polyphenol và flavonoid, có tác dụng nhất định trong việc bảo vệ thần kinh, như chống stress oxy hóa và chống viêm. Có thể có tác dụng bảo vệ kết hợp từ các chất chống oxy hóa khác nhau và các thành phần sinh học khác trong hai loại đồ uống.

Thứ hai, cà phê và trà có hàm lượng polyphenol cụ thể, cà phê giàu axit hydroxycinnamic và trà rất giàu catechin, có tiềm năng cải thiện chức năng nội mô, kháng insulin và chống viêm... có thể cùng nhau làm giảm nguy cơ đột quỵ và mất trí nhớ.

Tóm lại, trà và cà phê dường như đều có những ưu điểm riêng, rất khó để phân biệt, uống cả hai cùng nhau thậm chí còn có tác dụng lớn hơn gấp đôi. Có thể thấy, dù là cà phê được người phương Tây ưa chuộng hơn hay trà được người châu Á yêu thích thì việc uống một lượng vừa phải đều có lợi cho sức khỏe và tuổi thọ. Tuy nhiên, cả trà và cà phê đều chứa caffeine và lượng caffeine cực lớn có thể gây nguy tác dụng phụ như lo lắng, căng thẳng, mất ngủ, khó chịu và nhầm lẫn trong suy nghĩ và lời nói. Thống kê cho thấy lượng caffeine tiêu thụ ≥1,2 gam có thể gây độc, tiêu thụ 8,8-14 gam thậm chí dễ dẫn đến tử vong. Vì vậy, hãy uống trà hoặc cà phê một cách điều độ.

Uống kết hợp cả trà và cà phê có thể mang lại nhiều lợi ích hơn. (Ảnh minh họa)

Nếu uống trà thì nên uống 1-2 lần mỗi ngày, tránh uống trà đặc, lượng pha mỗi lần nên được kiểm soát ở mức khoảng 2-3 gam. Ngoài ra, không nên uống trà khi đang mang thai, có kinh nguyệt, sau khi say rượu, khi bụng đói hoặc trước và sau bữa ăn. 

Khi uống cà phê, nên uống 3-5 tách cà phê tiêu chuẩn (75-100 ml) mỗi ngày để có lợi nhất cho sức khỏe và giảm nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính. Tuy nhiên, vì uống quá nhiều caffeine có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, người lớn bình thường không nên tiêu thụ quá 400 mg caffeine/ngày (khoảng 240 ml cà phê).

Khi uống cà phê, trà, mọi người nên chú ý những điểm sau:

Tránh cho nhiều đường vào cà phê, bởi tuy có vị ngon nhưng đồ uống lại tiềm ẩn những nguy cơ sức khỏe, dễ gây các vấn đề như béo phì và tiểu đường.

Tránh uống trà quá nóng. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế liệt kê đồ uống nóng trên 65°C là chất gây ung thư Loại 2A (nguy cơ gây ung thư). Thường xuyên uống trà nóng có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư miệng và ung thư thực quản.

Bạn nên lưu ý ấm trà để pha lâu năm, làm vệ sinh không sạch, vết trà bám lại trên thân chén/ấm chứa nhiều chất kim loại, dễ phản ứng với các chất dinh dưỡng trong thức ăn trong quá trình tiêu hóa, gây khó chịu cho dạ dày.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from EVA.

Original source can be found here: https://eva.vn/suc-khoe/uong-tra-hay-ca-phe-tot-cho-suc-khoe-hon-tac-dong-it-biet-khi-ket-hop-tra-ca-phe-toi-dot-quy-giam-tri-nho-c131a587773.html