Tổng thống Vladimir Putin sẽ công bố sáng kiến để giải quyết căng thẳng ở Triều Tiên

14:39' 07-09-2017
Tổng thống Vladimir Putin có thể sẽ sớm công bố sáng kiến để giải quyết căng thẳng ở Triều Tiên sau khi Nga đã có đầy đủ thông tin.


Nga đang tích cực giải quyết vấn đề Triều Tiên và có thể sớm đưa ra sáng kiến hành động. Ảnh: Getty

Cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên đang diễn biến với những dấu hiệu rất nguy hiểm và Nga đang có những nỗ lực quan trọng để làm dịu tình hình ở đây cũng như ngăn chặn những kế hoạch cứng rắn của Mỹ.

Nhà lãnh đạo Nga có thể sẽ đạt được thành công tương tự như năm 2013, khi vào phút chót sáng kiến của ông đã chặn đứng một cuộc tấn công quy mô lớn của Mỹ vào Syrria dưới cái cớ Damascus "sử dụng vũ khí hóa học".

Sau khi Bình Nhưỡng công bố thử thành công bom nhiệt hạch, Washington lại tỏ cho thấy không loại trừ giải pháp quân sự để "xử" Triều Tiên, thậm chí Tổng thống Donald Trump còn nói đến khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Nhưng Nga và Trung Quốc kiên quyết khẳng định chỉ có thể dập tắt lò lửa bán đảo Triều Tiên bằng các biện pháp ngoại giao hòa bình.

Tổng thống Nga V. Putin cũng tuyên bố "không thể tiếp tục xiết chặt cấm vận dồn Triều Tiên vào chân tường vì điều đó chẳng có ý nghĩa gì khi người Triều Tiên sẵn sàng ăn rau cỏ để dồn toàn lực cho việc tăng cường sức mạnh quốc phòng trước những nguy cơ mà họ thấy rõ từ phía Mỹ và các đồng minh của Mỹ".

Phát biểu với báo chí tại Hạ Môn ngày 5/9, Tổng thống Nga V. Putin nhấn mạnh cần phải làm cho người Triều Tiên không cảm thấy bị đe dọa, không bị ám ảnh với suy nghĩ người khác tìm cách tiêu diệt họ. Tổng thống Putin đồng thời cũng nêu rõ Nga coi những hành động mới của Triều Tiên là mang tính chất khiêu khích.

Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 6/9, ông Putin tuyên bố Nga không công nhận quy chế quốc gia hạt nhân của Triều Tiên.

Hai nhà lãnh đạo Nga, Hàn Quốc đã liên tục có những cuộc thảo luận về vấn đề Triều Tiên. Ảnh: Yonhap

Liên tục mở các cuộc đối thoại

Trong khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS ở thành phố Hạ Môn (Trung Quốc), Tổng thống Putin đã thảo luận vấn đề Triều Tiên với nhiều nhà lãnh đạo. Ông trực tiếp trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị, điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Ngày 6/9, hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản đã đến thành phố Vladivostok ở vùng Viễn Đông Nga tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông và tiếp tục có các cuộc hội đàm với Tổng thống Putin về cuộc khủng hoảng Triều Tiên.

Một động thái rất đáng chú ý của Nga là Thư ký Hội đồng An ninh Nga, Đại tướng Nikolai Patrushev, sau khi thăm Tokyo theo kế hoạch đã bất ngờ bay sang Seoul ngay sau vụ Bình Nhưỡng thử bom nhiệt hạch để thảo luận với các giới chức Hàn Quốc về những diễn biến mới trong cuộc khủng hoảng.

Những động thái này cho thấy Moscow đang tìm cách nắm quyền chủ động tuy đây vẫn là những hoạt động ngoại giao chưa công khai hoàn toàn.

Nhưng trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ngày 7/9, Tổng thống Nga có thể sẽ chính thức công bố sáng kiến mới. Bởi đến thời điểm đó, nhà lãnh đạo Nga đã kịp tiến hành hội đàm trực tiếp với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trong bối cảnh quan hệ giữa Moscow và Washington đang căng thẳng thì khó mà trông đợi một cuộc hội đàm thượng đỉnh Nga – Mỹ nhưng vẫn có thể hy vọng về cuộc tiếp xúc giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson và Sergey Lavrov.

Còn với Triều Tiên thì các đại diện của Moscow hoàn toàn có thể có liên hệ trực tiếp. Bộ trưởng Ngoại giao Nga S. Lavrov cho biết các đại diện của Moscow và Bình Nhưỡng, tuy là các quan chức thuộc "khối kinh tế", gặp nhau tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông và các nhà quan sát không loại trừ khả năng cuộc gặp sẽ thảo luận những vấn đề "nóng" hiện nay xung quanh bán đảo Triều Tiên.

Như vậy, vào ngày 7/9 Tổng thống Putin sẽ "có đủ thông tin" để đưa ra sáng kiến của Nga với trọng tâm là hướng vào Triều Tiên và Mỹ.

Theo giới quan sát, có khả năng đến ngày Quốc khánh Triều Tiên (9/9) nước này sẽ tiến hành các vụ thử tên lửa mới và cuộc khủng hoảng bị đẩy tới mức hết sức nguy hiểm, rủi ro chiến tranh không thể loại trừ.

Theo nhận định của ông Vladimir Svedentsov, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga (RISS), trong khi Mỹ và đồng minh hiện đang tiến hành tập trận tại khu vực bán đảo Triều Tiên thì chỉ cần một hành động khiêu khích hoặc sơ suất của một bên là xung đột quân sự có thể bùng phát.

Cũng theo chuyên gia này, Mỹ có thể "không trực tiếp tiến hành chiến tranh với Triều Tiên nhưng hoàn toàn có thể tấn công Triều Tiên bằng bàn tay người Hàn Quốc và Nhật Bản".

Những cuộc tập trận chung giữa Mỹ và các đồng minh trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc luôn bị Triều Tiên coi là những động thái gây leo thang căng thẳng. Ảnh: Getty

Làm sao kéo Mỹ vào bàn thương lượng?

Đối với Moscow, cuộc khủng hoảng xung quanh Triều Tiên ngày càng trầm trọng và nếu chiến tranh nổ ra tại bán đảo Triều Tiên thì Nga cũng bị đe dọa hiện hữu về an ninh quốc phòng và triển vọng phát triển kinh tế, nhất là ở vùng Viễn Đông.

Nga là nước láng giềng của bán đảo Triều Tiên, một lò lửa căng thẳng ở đây đương nhiên sẽ làm nóng không khí ở Nga.

Những động thái tăng cường vũ trang của Mỹ cho Hàn Quốc và Nhật Bản, trong đó có việc bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được cả Nga và Trung Quốc coi là mối đe dọa trực tiếp đối với hai nước và hòa bình, ổn định trong khu vực.

Cho đến nay, lập trường chính thức có phối hợp giữa Nga và Trung Quốc đối với giải pháp làm dịu tình hình bán đảo Triều Tiên là "đóng băng kép", tức là Triều Tiên ngừng thử tên lửa và hạt nhân cùng với việc Mỹ và các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia ngừng các cuộc tập trận trong khu vực. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị Washington bác bỏ.

Tổng thống Putin ngày 5/6 một lần nữa cho rằng Mỹ và Triều Tiên cần ngồi vào bàn thương lượng, nhưng thể thức thương lượng tay đôi Mỹ - Triều Tiên vẫn chưa được Washington chấp nhận thì cuộc thương lượng 6 bên (hai miền Triều Tiên, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản) vốn bị ngừng trệ từ năm 2009 cần phải được nối lại.

Thương lượng sáu bên có thể được tổ chức ở cấp vụ trưởng của các Bộ Ngoại giao hoặc cấp Thứ trưởng Ngoại giao, thậm chí do tình hình khủng hoảng diễn biến quá nóng thì phải tiến hành ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao với địa điểm có thể là New York, nơi sắp khai mạc khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, hoặc tại Vladivostok.

Triển vọng tiến hành thương lượng hiện nay đang vấp phải một trở ngại chính – đó là việc chính quyền Donald Trump vẫn nuôi hy vọng cuộc khủng hoảng Triều Tiên có thể giúp Mỹ gây được áp lực mạnh đối với Trung Quốc.

Nhưng những tuyên bố kiên quyết của Bắc Kinh trong những ngày gần đây cho thấy Bắc Kinh sẽ không có thêm nhượng bộ nào nữa đối với Washington trong vấn đề Triều Tiên (ngoại trừ việc họ đã ủng hộ Nghị quyết của HĐBA LHQ do Mỹ dự thảo xiết chặt trừng phạt Triều Tiên hồi tháng 8).

Trung Quốc sẽ không phong tỏa Triều Tiên về năng lượng. Nếu vì Bắc Kinh vẫn không chấp nhận dồn ép Bình Nhưỡng thêm nữa theo đòi hỏi của Mỹ mà Washington ra đòn trừng phạt một số doanh nghiệp và ngân hàng Trung Quốc thì hai nền kinh tế nhất, nhì thế giới sẽ lâm vào cuộc chiến tranh thương mại. Đây là điều cả Mỹ và Trung Quốc đều không mong muốn.

Để các bên liên quan có thể đi tới bàn thương lượng thì các động thái của Nga và Trung Quốc là chưa đủ. Cần phải có thiện chí từ phía Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh của Mỹ; Tokyo và Seoul phải thuyết phục được Washington trong vấn đề này.

Chính những nỗ lực ngoại giao dồn dập của Tổng thống Nga Putin cũng nhằm mục tiêu đó và có thể đóng vai trò rất quan trọng. Yếu tố thuận lợi cho nhà lãnh đạo Nga là cả Nhật Bản và Hàn Quốc hiện đang quan tâm xích lại gần Nga. Nếu thành công trong việc góp phần xóa bỏ cảnh "khua gươm, múa súng" ở bán đảo Triều Tiên thì nước Nga và ông Putin sẽ "ghi điểm" cho mình một cách ngoạn mục.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

SUPA VALU Vùng: Delahey. Phone: 9362 1207
Xem thêm

Article sourced from XALUAN.

Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1885479