Tô canh tập tàng thơm, cay, chua, ngọt, béo, bùi của người Hà Tĩnh
Những ngày dịch quanh quẩn ở nhà làm tôi nhớ đến món ăn thuở nhỏ: canh rau tập tàng. Ngày đó, thường vào cuối tháng giêng đến tháng 3, khi bước vào mùa giáp hạt, cha tôi thường dạo một vòng quanh vườn nhà lẫn hàng xóm để tìm kiếm đủ loại rau dại về nấu canh.
Bây giờ, dù không còn những ngày giáp hạt, nhưng dịch bệnh kéo, mọi thứ kể cả rau củ thường ngày gia đình tôi vẫn phải dè sẻn.
Mẹ tôi bảo "làm khi lành để dành khi đau", có dịch bệnh mới biết quý từng hạt cơm, cọng rau hơn ngày bình thường. Hôm nay, tôi thay cha dạo một vòng vườn nhà đi tìm món canh rau tập tàng và nấu lại hương vị những ngày xa xưa ấy.
Canh tập tàng còn gọi là canh thập cẩm - tức canh của mọi loại rau cộng dồn lại. Khác với những món "canh đơn", canh tập tàng là "canh đa". Ở mỗi tô canh tập tàng có đủ vị thơm, cay, chua, ngọt, béo, bùi của từng loại rau củ khác nhau.
Khó có thể có một công thức chung để nấu canh tập tàng, vì mỗi mùa món canh này sẽ có một vị khác nhau. Món canh tập tàng mùa xuân sẽ khác với món canh tập tàng mùa thu, mùa đông, mùa hạ.
Do sự đa dạng đó, món canh theo mùa này sẽ rất tốt cho sức khỏe. Cộng với trong món canh này có khá nhiều loài cây thuốc nam quý như mã đề, lá lốt, lá gừng... nên hơn hẳn các món canh khác nhau.
Với người dân quê tôi Hà Tĩnh, món canh rau tập tàng có cách nấu và thưởng thức khá lạ (với người ngoài).
Ví dụ họ thường nấu càng nhiều loại rau càng tốt và trong khi nấu họ nêm thêm ruốc (mắm tôm) sau công đoạn phi hành tăm. Ngoài ra, món canh này người Hà Tĩnh sẽ ăn kèm với món cà muối trường - loại cà mặn, giòn đặc trưng xứ này.
Món canh rau tập tàng quê tôi ăn kèm với món cà muối mặn
Nếu bạn muốn thực hiện món ăn này theo vị người Hà Tĩnh, hãy thử công thức sau nhé.
1. Nguyên liệu nấu canh tập tàng
Như đã nói, không có công thức chung cho cách nấu canh tập tàng. Món canh này tùy theo mùa, theo vùng lẫn khẩu vị riêng. Dưới đây là những loại rau tôi tìm thấy ở vườn nhà mình vào tháng 8 này.
· Rau khoai (hái ngọn): 1 nắm
· Lá lốt (loại vừa, không quá già hay non): 1 nắm
· Lá nghệ: 3 lá (loại lá to, không quá già)
· Lá gừng: 5 - 10 lá (loại không quá già)
· Mã đề: 5 - 10 lá
· Mồng tơi: 1 nắm
· Ngọn ớt cay: 5 - 10 ngọn loại non
· Đọt bầu, đọt bí: 3 - 5 ngọn
· Tía tô: 1 nắm nhỏ
· Rau dền đất: 1 nắm nhỏ
· Ngò gai: 5 - 10 lá
Lưu ý: Về cơ bản, canh tập tàng càng nhiều rau càng ngon, miễn là rau ăn được. Ở trên chỉ là những gợi ý về vườn rau mà tôi tìm thấy trong vườn mình thôi.
2. Hướng dẫn cách làm
Bạn có thể thực hiện món canh rau này theo vị người Hà Tĩnh như sau nhé.
Bước 1: Đem rửa sạch rau và dùng dao sắc thái thật mỏng. Nhớ là món canh này càng thái mỏng sẽ càng dễ ăn và ngon nha. Sau đó lấy 5 củ hành tăm (củ nén) đem rửa sạch, đập giập và cho vào nồi phi thơm cùng một muỗng dầu ăn.
Bước 2: Thêm một muỗng ruốc (mắm tôm) loại ngon vào phi thơm cùng hành tăm. Bước này thực hiện sau khi đã phi thơm hành nhé. Đặc biệt với người Hà Tĩnh thì món canh này rất cần ruốc mới chuẩn vị nha.
Bước 3: Khi ruốc thơm dậy mùi thì cho toàn bộ rau tập tàng đã thái mỏng vào xào. Bước này bật lửa to để xào rau chín tái thì cho một tô nước lọc vào.
Bước 4: Đun sôi canh và nêm nếm hạt nêm hoặc mì chính. Bước này bạn không nên thêm muối vì ruốc thường mặn sẵn rồi. Ngoài ra, do người Hà Tĩnh ăn canh này kèm theo món cà muối mặn nên đừng nấu mặn nha.
Bước 5: Múc canh ra tô và lấy thêm cà muối bên cạnh. Ăn món canh này với cơm nóng và cà muối giòn sẽ rất tuyệt vời.
Bạn đang tìm dịch vụ về Tiệm rượu?
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3364376