Tin Úc: Phát hiện bệnh lở mồm long móng trong các sản phẩm thịt bị thu giữ tại sân bay
13:00' 17-02-2019
Một căn bệnh có nguy cơ tàn phá ngành chăn nuôi trị giá hàng tỷ đô la của Úc đã được phát hiện tại các sân bay của quốc gia này.
Photo: ABC
Bộ trưởng Nông nghiệp David Littleproud cho biết Phòng thí nghiệm Thú y Úc đã phát hiện hai mẫu nhiễm bệnh lở mồm long móng (FMD) trong các sản phẩm thịt được khai báo và thu giữ tại các sân bay kể từ tháng Mười hai năm ngoái.
Một mẫu thứ ba được coi là không có kết quả trong số hơn 280 mẫu được thử nghiệm bệnh lở mồm long móng. Thịt heo khô, xúc xích và các sản phẩm thịt heo khác đã được các nhân viên của Bộ Nông nghiệp thu thập từ ngày 3 đến ngày 16 tháng Mười hai năm ngoái và từ ngày 21/1 đến ngày 3/2 năm nay.
Các mảnh vỡ của virus dịch tả heo châu Phi (ASF) cũng được phát hiện trong thịt của sáu trong số các mẫu thử nghiệm tháng Mười hai và 40 trong số 283 mẫu thử nghiệm được lấy vào năm 2019.
Ông Littleproud nói rằng bệnh lở mồm long móng “được coi là mối đe dọa lớn nhất đối với ngành nông nghiệp Úc”, và khách du lịch không khai báo các sản phẩm động vật hoặc thực vật sẽ bị phạt tiền và có thể bị kiện ra tòa.
Căn bệnh lở mồm long móng rất dễ lây lan này có thể lây lan giữa các động vật khi hít phải, nuốt phải và tiếp xúc trực tiếp với virus gây bệnh. Chẳng hạn, những con heo được cho ăn thức ăn thừa bị nhiễm bệnh lở mồm long móng trong máng có thể sẽ bị nhiễm bệnh và lây lan cho những con heo khác.
Chuyên gia an toàn sinh học kiêm Giáo sư tại Đại học Melbourne Tom Kompas nói rằng, đại dịch lở mồm long móng có thể gây thiệt hại 40-60 tỷ đô la cho ngành chăn nuôi của Úc.
Trưởng Bác sĩ Thú y của bang Victoria, Charles Milne, đã mô tả các vụ phát hiện này là “thực sự đáng báo động, nhưng không gây ngạc nhiên”. “Bài học ở đây là mọi người phải tuân thủ các yêu cầu kiểm dịch.
Hậu quả gây ra khi một trong những loại virus này xâm nhập và lây nhiễm cho vật nuôi của chúng ta sẽ rất lớn,” ông nói. Bác sĩ Milne đã tham gia ứng phó dịch lở mồm long móng ở Anh trước khi đến Úc làm việc.
“Việc nuôi động vật bằng thức ăn thừa là bất hợp pháp, và điều đó bất hợp pháp là vì những rủi ro của nó đối với sự an toàn của ngành chăn nuôi là vô cùng lớn,” ông nói.
“Ở Anh vào năm 2001, chúng tôi đã phải giết mổ sáu triệu rưỡi gia súc do hậu quả của việc ai đó đã nuôi động vật bằng thức ăn thừa, và ở Úc hành động này có thể gây thiệt hại hơn 50 tỷ đô la.”
Kim Phung - Viet Times Australia (Published by Adpro Media P/L)
Kim Phung - Viet Times Australia (Published by Adpro Media P/L)
Article sourced from abc.