Photo: The Guardian
Theo Guardian, người Úc ngày càng lo ngại về hạn hán, lũ lụt, sự tuyệt chủng và khan hiếm nước liên quan đến biến đổi khí hậu, và hầu hết mọi người nghĩ rằng tất cả các cấp chính quyền chưa hành động đầy đủ để chống lại tác động của nhiệt độ nóng lên trên toàn cầu, theo một nghiên cứu mới đây.
Cuộc khảo sát thường niên về Khí hậu Quốc gia, đã theo dõi thái độ của người Úc đối với biến đổi khí hậu trong hơn một thập kỷ, và nhận thấy mối lo ngại về hạn hán và lũ lụt của người Úc đã tăng từ 74% trong cuộc khảo sát năm 2017 lên 81% vào năm 2019.
Mối quan tâm về sự tuyệt chủng liên quan đến biến đổi khí hậu – một vấn đề nổi bật vào tháng Năm vừa qua khi một báo cáo khoa học lớn cảnh báo rằng một triệu loài trên toàn thế giới đang phải đối mặt với sự tuyệt chủng – tăng từ 71% hồi năm 2017 lên 78% trong cuộc khảo sát năm 2019.
Trong khi đó, mối lo ngại về tình trạng khan hiếm nước, một vấn đề là hậu quả của hạn hán kéo dài ở Úc, đã tăng từ 67% lên 78%. Ý kiến của công chúng Úc về việc từng bước loại bỏ than đá cũng đã thay đổi trong vài năm gần đây.
Trong năm 2017, 65% người được khảo sát cho rằng các nhà máy điện đốt than nên được loại bỏ dần để hỗ trợ cho việc quản lý chi phí của quá trình chuyển đổi, nhưng tỷ lệ này đã giảm xuống 52% vào năm 2019.
Tỷ lệ người tin rằng việc chuyển từ than đá sang năng lượng sạch cần phải được đẩy nhanh, ngay cả khi việc chuyển đổi có chi phí cao hơn trong ngắn hạn, đã tăng từ 19% trong năm 2017 lên 26% vào năm 2019.
Kết quả khảo sát còn ghi nhận sự gia tăng tỷ lệ người cho rằng Úc nên chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất điện bằng cách đốt than trong vòng mười năm tới.
Năm 2017, 30% người được khảo sát đã đồng ý với ý kiến này, và đến năm 2019 thì tỷ lệ người có cùng ý kiến đã tăng lên mức 39%.
Ngoài ra, cuộc khảo sát năm 2019 chỉ ra rằng, 77% số người được hỏi cho rằng biến đổi khí hậu đang xảy ra và 61% cho rằng tình trạng ấm lên trên toàn cầu là do con người gây ra.
Hong Dao - Viet Times Australia (Published by Adpro Media P/L)
Article sourced from theguardian.com.