Tin Úc: Cuộc chiến gìn giữ ngôn ngữ Thổ dân Úc không bị tuyệt diệt vĩnh viễn
20:00' 18-08-2019
Theo SBS, phần lớn các ngôn ngữ Thổ dân tại Úc đang đối mặt với nguy cơ biến mất vĩnh viễn.
Photo: SBS
Tuy nhiên, nhiều cộng đồng đang nỗ lực để bảo tồn và khôi phục lại những ngôn ngữ này.
Theo các ước tính của Liên Hợp Quốc, trên thế giới hiện nay có khoảng 370 triệu người Thổ dân sinh sống rải rác tại 90 nước, và trong khi họ chiếm chưa đến 5% dân số, họ nói khoảng 7,000 ngôn ngữ của thế giới và đại diện cho khoảng 5,000 nền văn hóa khác nhau.
Hôm 8/8 đánh dấu Ngày Quốc tế Người Thổ dân trên Thế giới. Năm nay, ngày lễ tập trung vào tôn vinh và bảo tồn các ngôn ngữ Thổ dân.
Theo bà Susan Poetsch, giám đốc của chương trình thạc sỹ về Giáo dục Ngôn ngữ Thổ dân của trường Đại học Sydney, có khoảng 250-300 ngôn ngữ khác nhau được nói tại Úc trước khi xảy ra cuộc xâm lược của người châu Âu.
Tuy nhiên, bà Poetsch cho biết hiện nay chỉ còn lại khoảng 13 ngôn ngữ truyền thống được nói bởi trẻ em Thổ dân và tất cả các thế hệ trong một cộng đồng.
Điều phối viên của tổ chức bảo tồn ngôn ngữ Thổ dân Tasmanian Aboriginal Centre cho hay trước cuộc xâm lược, có khoảng tám đến 16 ngôn ngữ được nói tại Tasmania.
Nhưng những ngôn ngữ này đã biến mất vì bạo lực và người dân bản địa của tiểu bang di dời đến nơi khác sinh sống.
Theo SBS, các nhà ngôn ngữ học đã làm việc với người bản địa ở Tasmania nhằm giúp họ nghiên cứu và nhận diện âm thanh và ý nghĩa của các từ ngữ chỉ được tìm thấy thông qua các văn bản viết còn lưu lại.
Bằng cách so sánh chữ viết và âm thanh, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ đã có thể chắp nối tất cả lại thành một bảng chữ cái.
Tại vùng hẻo lánh Tanami thuộc Vùng lãnh thổ Phía Bắc, ngôn ngữ truyền thống đang được bảo tồn thông qua Quỹ Đào tạo và Giáo dục Warlpiri (WETT).
Trong khi ngôn ngữ Warlpiri của vùng này là một trong những ngôn ngữ truyền thống phổ biến nhất tại Úc với khoảng 3,000 người nói, nhưng UNESCO vẫn xếp Warlpiri vào nhóm ngôn ngữ có khả năng sẽ biến mất.
Đại diện hội đồng cố vấn của WETT, bà Margaret Johnson cho biết các lớp học song ngữ (bilingual) và song văn hóa (bi-cultural) và các tài nguyên học tập về ngôn ngữ được phát triển thông qua WETT mang đến cho người dân kĩ năng để giúp họ biết cách thay đổi linh hoạt giữa các môi trường nói tiếng Anh và môi trường nói tiếng Warlpiri.
Thuc Nu - Viet Times Australia (Published by Adpro Media P/L)
Article sourced from sbs.com.au.