Tiếp tục đàm phán hay đưa ra tối hậu thư cho Bình Nhưỡng?
Tổng thống Nga Putin (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh minh họa: Getty)
Khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng với việc Bình Nhưỡng tăng cường các vụ phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), và mới đây là thử bom H (bom nhiệt hạch) ngày 3/9, nhiều chuyên gia đã nỗ lực để hiểu mục đích sâu xa của Triều Tiên.
Tom McGregor, nhà bình luận, biên tập viên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), đưa ra góc nhìn nhận sâu hơn về vấn đề này.
Dư luận lâu nay vẫn luôn hỏi rằng liệu "Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có điên khùng hay không?" - như Tổng thống Philippines Roderigo Duterte đã bày tỏ mối lo ngại như vậy khi trao đổi qua điện thoại với Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo một bản tin bị rò rỉ đăng tải trên tờ Washington Post.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, bà Nikki Haley nói những hành động và phát ngôn của ông Kim Jong-un như đang "cầu xin chiến tranh". Còn ông Trump đe dọa và nếu Triều Tiên đơn phương phát động chiến tranh, Mỹ và các đồng minh sẽ đáp trả bằng "hỏa lực và thịnh nộ", hay "phản ứng quân sự ồ ạt".
Triều Tiên dường như đang dần xa cách hơn với các đối tác và đồng minh truyền thống của mình. Chính phủ Trung Quốc vài tuần trước đã tuyên bố rằng nếu Bình Nhưỡng đơn phương phát động chiến tranh, Trung Quốc sẽ không đứng về phía Triều Tiên nữa.
Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây từ chối công nhận Triều Tiên là một "quốc gia hạt nhân" với lý do Bình Nhưỡng "đặt ra một mối đe dọa an ninh ở khu vực Đông Bắc Á".
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 11/9 cũng thông qua nghị quyết số 2375 với sự đồng thuận của các thành viên, bao gồm Trung Quốc và Nga, nhằm áp cấm vận nghiêm khắc lên các hành động của Triều Tiên.
Ngày 12/9, Bộ ngoại giao Trung Quốc khẳng định "ủng hộ hoàn toàn việc chấp hành nghiêm túc nghị quyết của LHQ".
Tuy nhiên, việc trừng phạt Triều Tiên, hay Mỹ đồng ý cung cấp thêm vũ khí cho Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như tăng cường quân lực ở khu vực, nhiều khả năng không ngăn cản được bước tiến của Bình Nhưỡng.
Vậy, bước tiếp theo là gì ? Tiếp tục đàm phán hay đưa ra tối hậu thư cho Bình Nhưỡng?
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 12/9 tuyên bố ủng hộ hoàn toàn nghị quyết cấm vận mới của LHQ nhằm vào Triều Tiên (Ảnh: BNGTQ)
Ông Trump là người phù hợp để giải quyết vấn đề
Trong hơn 5 thập kỷ qua, các nước phương Tây đã đồng ý chọn giải pháp đàm phán với Triều Tiên nhưng hiệu quả thì lại rất khiêm tốn.
Theo ông Tom McGregor, Bình Nhưỡng dường như đang sử dụng chiến thuật "thổi phồng và khoác lác" để tạo khủng hoảng địa chính trị và yêu cầu các bên thỏa hiệp, giúp ngăn chặn xung đột nổ ra.
Trong quá khứ, phương pháp này đã chứng minh được hiệu quả, nhưng nếu áp dụng lại với chính quyền Trump thì có rủi ro dẫn đến thảm họa thực sự cho Triều Tiên.
Trong cuốn sách "Nghệ thuật của giải pháp", ông Trump nhấn mạnh rằng chính sách "bịp bợm" sẽ phản tác dụng khi bên còn lại "án binh bất động". Đồng thời, ông khuyên rằng không nên hành động như vậy trừ khi sẵn sàng để kẻ thù đáp trả lại sự "bịp bợm" của bạn bằng hành động.
Như vậy, theo McGregor, tổng thống Trump rất phù hợp để giải quyết mối đe dọa từ Triều Tiên. Và Bình Nhưỡng cũng hiểu ranh giới của mình. Dù đe dọa phát động chiến tranh, nhưng họ sẽ không phóng tên lửa tấn công vào các lãnh thổ mà Mỹ bảo vệ.
Tuy nhiên, sự phát triển không ngừng về công nghệ đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên là vấn đề đau đầu. Phương án của Mỹ là Triều Tiên cuối cùng phải phá hủy vũ khí hạt nhân, hoặc lựa chọn đương đầu hậu quả khủng khiếp hơn.
Tổng thống Putin chính là giải pháp
Bài toán Triều Tiên có khả năng được giải quyết, nhưng tất cả các bên liên quan cần phải thay đổi chiến thuật để có kết quả tốt hơn. Washington, Seoul và Tokyo được coi là kẻ thù "không đội trời chung" và Bình Nhưỡng không hề có ý định thỏa hiệp với họ.
Trong khi đó, quan hệ Trung-Triều đang lâm vào tình trạng bế tắc khi Bắc Kinh phản đối toàn bộ chương trình hạt nhân, tên lửa Triều Tiên. Bắc Kinh đã triệu tập Đại sứ Triều Tiên để trao công hàm phản đối vụ thử hạt nhân ngày 3/9.
Tom McGregor chỉ ra, nếu Đàm phán 6 bên (Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Nga, Hàn Quốc và Mỹ) nối lại, Tổng thống Putin có lẽ là người phù hợp nhất đóng vai trò điều phối hòa giải cho tất cả các bên.
Các phương tiện truyền thông phương Tây có lẽ sẽ đả kích mạnh mẽ với sự phẫn nộ, nhưng có một điều chắc chắn đó là ông Putin có ảnh hưởng với cả Trung Quốc và Triều Tiên, đồng thời ông cũng đủ vị thế để dàn xếp với các quan chức Washington, Tokyo và Seoul.
Hơn nữa, ông Putin hoàn toàn có động lực để ủng hộ giải pháp hòa bình trong Đàm phán 6 bên, bởi khi đó phương Tây có lý do chính đáng để nới lỏng biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga trong một kỷ nguyên hòa bình mới.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát cơ sở nghiên cứu phát triển tên lửa của nước này (Ảnh: KCNA/Reuters)
Mục tiêu đặt ra
Mọi cơ chế đối thoại chỉ kết thúc tốt đẹp khi Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân - ông McGregor khẳng định. Thỏa thuận hợp lý là Nga hoặc Trung Quốc nhận chuyển giao vũ khí hạt nhân từ Bình Nhưỡng và cho phép các thanh sát viên LHQ thanh tra toàn bộ quá trình này.
Triều Tiên nhận thấy nguy cơ kịch bản với Iraq và Libya tái diễn và phải tự vệ - theo lời ông Putin, nên các nước phương Tây cần ký một thỏa thuận ủng hộ chuyển giao kho vũ khí và cam kết không can thiệp vào Triều Tiên.
Mỹ, Nhật và Hàn Quốc nên phản đối ý định "tấn công phủ đầu" chống lại Bình Nhưỡng, trong trường hợp Triều Tiên cam kết không đơn phương phát động chiến tranh.
Với nghị quyết 2375 của Hội đồng bảo an, Triều Tiên đang bị dồn ép mạnh hơn. Nhưng nước này lập tức đáp trả bằng tuyên bố đẩy mạnh hơn nữa chương trình hạt nhân, khiến cơ hội hòa bình lại bị thu hẹp.
Giữa bối cảnh đó, vai trò trung gian của ông Putin nhiều khả năng có ý nghĩa quyết định, giúp Bình Nhưỡng hiểu rằng Nga và Trung Quốc sẽ bảo vệ họ khỏi nguy cơ bị tấn công phủ đầu, hoặc những cuộc cách mạng màu tiềm tàng.
Phương Tây cần được đảm bảo rằng Triều Tiên không sở hữu khả năng sản xuất được bom hạt nhân, với khả năng hủy diệt Seoul và Tokyo chỉ trong vòng vài phút.
McGregor đánh giá, đàm phán có thể thành công nếu các bên xác định giải pháp hòa bình là mục tiêu cuối cùng. Khủng hoảng bán đảo là nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa đến lúc không còn đường lùi. Tuy vậy, thời gian để thỏa hiệp không còn nhiều nữa.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1892947