Tiêm kích Su-57 lắp động cơ giúp tăng khả năng tàng hình

04:55' 16-12-2024
Nguyên mẫu Su-57 được lắp động cơ với cửa xả dẹt giống F-22 Mỹ, có thể giúp giảm tín hiệu radar và hồng ngoại, tăng khả năng tàng hình.

Hình ảnh mới công bố và được chuyên trang quân sự Mỹ War Zone phân tích hôm 12/12 cho thấy nguyên mẫu T-50-2, chiếc thứ hai trong dự án tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga, với cửa xả khí vectơ dạng dẹt ở bên trái và cửa xả tròn truyền thống bên phải.

"Đây nhiều khả năng là động cơ AL-51F-1 với cửa xả khí dẹt, dự kiến được lắp trên biến thể nâng cấp Su-57M", cây bút Thomas Newdick viết trên War Zone.

Cửa xả dẹt của Su-57 gồm 4 cánh được điều khiển độc lập, vận hành theo cơ chế thay đổi mặt cắt ngang cửa xả và vectơ đẩy. Hai cánh trong số này được dùng cho chế độ bay ở tốc độ cận âm và hai cánh dùng khi bay vượt âm. Các tấm cửa xả cũng có lỗ để không khí đi qua, giúp hạ nhiệt luồng xả và giảm tín hiệu hồng ngoại.

Động cơ AL-41F-1 ứng dụng công nghệ vectơ đẩy ba chiều, cho phép phi công kiểm soát cả ba trục điều khiển gồm ngóc hoặc chúi mũi, nghiêng cánh và xoay ngang thân. Động cơ AL-51F-1 ban đầu cũng sử dụng cùng loại cửa xả.

Chưa rõ cửa xả dẹt của AL-51F-1 có bảo đảm khả năng điều khiển vectơ ba chiều hay không, nhưng nó được đặt nghiêng và nhiều khả năng sẽ hỗ trợ quá trình này.

Cửa xả hẹp được lắp nghiêng trên nguyên mẫu T-50-2 trong ảnh công bố ngày 10/12. Ảnh: X/RSS 40

Nhà sản xuất Saturn cho biết động cơ AL-51F-1 có thiết kế hoàn toàn mới nhằm tăng lực đẩy, giảm khối lượng và chi phí vận hành so với mẫu AL-41F-1 trên các nguyên mẫu Su-57.

Cả hai phiên bản động cơ của Su-57 đều mang tới khả năng siêu hành trình, cho phép phi cơ đạt tốc độ siêu âm mà không cần bật chế độ đốt tăng lực, giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu và tín hiệu nhiệt phát ra. Tuy nhiên, AL-51F-1 được cho là có thể duy trì chế độ siêu hành trình lâu hơn nhiều.

Tiêm kích tàng hình F-22 và nguyên mẫu YF-23 của Mỹ đều sử dụng cửa xả khí dạng dẹt, do thiết kế này giúp giảm diện tích phản xạ radar và độ bộc lộ hồng ngoại so với cửa xả tròn. Liên Xô cũng từng thử nghiệm cửa xả khí dạng dẹt trên nguyên mẫu tiêm kích Su-27LL-PS hồi cuối thập niên 1980, nhưng dự án này không được triển khai đại trà.

Nguyên mẫu tiêm kích YF-22 (dưới) và YF-23 (trên) với cửa xả dẹt. Ảnh: USAF

"Cửa xả dẹt sẽ mang lại lợi thế đáng kể cho Su-57, giảm khả năng bị phát hiện từ phía sau. Thiết kế ban đầu của Su-57 tập trung vào khả năng tàng hình mặt trước, trong khi hai bên và phía sau được dành ít ưu tiên hơn", Newdick cho biết.

Theo Newdick, thiết kế cửa xả dẹt giúp tăng khả năng tàng hình, nhưng luôn đi kèm nhược điểm là hạn chế một phần lực đẩy động cơ.

"Liên Xô đình chỉ dự án cửa xả dẹt trên Su-27 do lực đẩy động cơ bị suy giảm quá nhiều, điều khó chấp nhận với tiêm kích thế hệ 4. Tuy nhiên, công nghệ mới đã cải thiện đáng kể sức đẩy động cơ, mức suy giảm hiện nay xứng đáng để đánh đổi lấy khả năng tàng hình quan trọng hơn nhiều với tiêm kích Su-57", cây bút Mỹ cho hay.

Cấu tạo cửa xả dẹt trên tiêm kích Su-57. Ảnh: ODK

Tập đoàn Sukhoi bắt đầu phát triển Su-57M sau khi Bộ Quốc phòng Nga ký hợp đồng mua 76 tiêm kích Su-57 tháng 10/2018. Nguyên mẫu T-50M đã bay thử nghiệm vào giữa năm 2022, nhưng chưa rõ thời điểm có thể bắt đầu sản xuất hàng loạt.

"Tương lai của động cơ AL-51F-1 phụ thuộc nhiều vào biến thể Su-57M. Chương trình phát triển đang diễn ra thuận lợi sau khi mẫu Su-57 được sản xuất loạt và Bộ Quốc phòng Nga đặt hàng số lượng lớn", Newdick nhận định.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Ingrid Stitt Vùng: Cairnlea. Phone: 9363 1644
Xem thêm

Chúng tôi chúc quý vị một mùa Giáng Sinh an lành


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/tiem-kich-su-57-lap-dong-co-giup-tang-kha-nang-tang-hinh-4827339.html