Thuật ngữ 'du lịch trả thù' được nhắc đến nhiều sau đại dịch

22:00' 27-05-2022
Thuật ngữ du lịch trả thù được nhắc đến nhiều khi ngành này dần phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, thuật ngữ này bị nhiều người đánh giá là vớ vẩn.

Theo SCMP, việc du lịch mở cửa trở lại làm tăng nhu cầu đi chơi của mọi người sau 2 năm bị dồn nén vì Covid-19. Họ bắt đầu tiêu xài số tiền tích cóp được trong thời gian đại dịch. Đó là cách thuật ngữ "du lịch trả thù" được tạo ra. Tuy nhiên, việc sử dụng thuật ngữ như vậy cho sự phục hồi của ngành du lịch có thực sự chính xác?

Trả thù ai?

Mark Footer, cây viết của SCMP, đã đặt câu hỏi: "Ai trả thù và trả thù cái gì? Khi người từ Hong Kong (Trung Quốc) đổ xô đến Bali (Indonesia) hay Phuket (Thái Lan), ai bị chịu thiệt?".

Theo định nghĩa của thuật ngữ "du lịch trả thù", chẳng lẽ, các du khách Hong Kong đang trả thù Bali hay Phuket? Đây có lẽ là một kiểu "trả thù" khá kỳ lạ khi người bị trả thù cũng thấy vui vẻ.

Vậy, cuộc trả thù nhắm vào ai hay cái gì? Du khách đang trả thù Covid-19? Không, bởi virus Delta hay Omicron không quan tâm điều đó. Hay các nhà chức trách từng ra lệnh "đóng cửa" đang bị trả thù?

Những điểm du lịch chật kín khách sau khi đại dịch qua đi. Và sự hồi phục này được gán mác "trả thù". Ảnh: SCMP.

Câu trả lời cũng là không. Cư dân của các thành phố từng quá tải du khách như Barcelona (Tây Ban Nha), Kyoto (Nhật Bản) hay Venice (Italy) có lẽ thấy lo ngại sự trở lại của các đoàn khách.

"Nhưng đó cũng không phải ý nghĩa của thuật ngữ này", Footer viết.

Erika Richter, Phó chủ tịch Hiệp hội Cố vấn Du lịch Mỹ (ASTA), nói với CNN bà có quan điểm khác. Đại diện ASTA đồng tình với ý nghĩa của thuật ngữ này dù không sử dụng nó. Theo đại diện Richter, khái niệm du lịch trả thù giống một cách nói khác của việc khao khát đi du lịch.

Richter cho biết: "Nó như kiểu cuộc sống thật ngắn ngủi, tôi muốn đến nơi kia hay tôi muốn dành nhiều thời gian cho gia đình hơn".

Đi tìm một từ tốt hơn

Sau đại dịch, bên cạnh "du lịch trả thù", một số thuật ngữ mới cũng được đưa ra như "staycation" hay "bleisure". Tuy nhiên, theo SCMP, các thuật ngữ này miêu tả khá chính xác những gì đang diễn ra. Ví dụ "staycation" nói đúng xu hướng du lịch tại chỗ. Hay "bleisure" cho thấy du khách thích kết hợp công việc và niềm vui trong một chuyến đi.

Sự hồi phục của ngành du lịch có thể được miêu tả với những từ khác thích hợp hơn. Ảnh: Travel Media.

Nhưng "du lịch trả thù" mang sắc thái khá tiêu cực. Rory Boland, biên tập viên tạp chí Which?, nói nó không phù hợp với việc du lịch. Boland còn nhận xét đây là thuật ngữ "xấu xí".

"Chúng ta có đủ ngôn từ để miêu tả nhu cầu du lịch bị dồn nén đang được giải phóng. Du lịch trả thù nghe thật mơ hồ. Nếu đúng hơn, nó nên là 'du lịch bù' hay 'du lịch giải phóng'. Dù vậy, có lẽ chúng nghe không đủ thú vị", ông nói thêm.

Những người đang "trả thù"

Dù đồng tình cách gọi đó hay không, du lịch trả thù vẫn là một xu hướng có thể thấy rõ. Số liệu thống kê cho thấy du khách đã sẵn sàng để tiếp tục du lịch.

Công ty đặt phòng du lịch Expedia đã theo dõi dữ liệu tìm kiếm trực tuyến liên quan đến du lịch và lữ hành. Tháng 5/2021 ghi nhận mức tăng cao nhất về lượng truy cập tìm kiếm về du lịch, tăng khoảng 10%. Đây cũng là thời điểm ngay sau khi Liên minh châu Âu bỏ phiếu gia hạn hợp đồng với Pfizer và phê duyệt vaccine sử dụng cho thanh thiếu niên.

Cuộc khảo sát của Expedia cho thấy 60% khách hàng có kế hoạch đi du lịch trong nước và 27% đi du lịch quốc tế vào năm 2022. Và nhiều người trong số này xác nhận sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho một kỳ nghỉ so với trước đây.

"Hai năm ở nhà, một số người đã tiết kiệm được tiền và giờ đây có thể vung tiền cho khách sạn sang trọng hơn, một vé máy bay hạng nhất...", trích tờ CNN.

Sau đại dịch, xu hướng làm việc thay đổi. Người lao động có thể kết hợp du lịch và làm việc từ xa ở một quốc gia khác. Ảnh: Navitime.

Trên hết, ngày càng nhiều công ty đã thay đổi vĩnh viễn các chính sách làm việc từ xa của họ sau đại dịch. Vào tháng 2, một cuộc khảo sát từ Pew được thực hiện với đối tượng là những người lao động có thể làm việc tại nhà. Kết quả là 60% người được hỏi muốn làm việc tại nhà toàn thời gian hoặc phần lớn thời gian, nếu có thể chọn.

Với một số người, làm việc ở nhà không đồng nghĩa là "ở nhà" theo nghĩa đen. Họ có thể đến một quốc gia khác, ở vài tuần, kết hợp du lịch và làm việc.

"Nhìn chung, dù thích thuật ngữ 'du lịch trả thù' hay không, mọi người đã thay đổi tư duy du lịch từ khi đại dịch bắt đầu", CNN nhận xét.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: http://news.zing.vn/khai-niem-du-lich-tra-thu-gay-tranh-cai-post1321010.html