Thủ tướng tương lai của Nhật Bản

03:00' 01-10-2021
Với bề dày kinh nghiệm chính trị và ngoại giao, Kishida Fumio kỳ vọng trở thành lãnh đạo có năng lực và sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của dân. 

"Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sắp đến dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại giao Nga - Nhật. Lần này, tôi muốn thi uống rượu sake và vodka với ông ấy, để xem ai có thể uống được nhiều hơn mà vẫn tiếp tục đàm phán ngoại giao", Kishida, lúc đó là ngoại trưởng Nhật trong chính quyền thủ tướng Shinzo Abe, chia sẻ tại một hội nghị ở thành phố Fukuoka năm 2017.

Kishida thề sẽ chiến thắng trong "cuộc đua lợi ích Nhật - Nga" này, nhưng không rõ kết quả cuộc đấu rượu giữa ngoại trưởng hai nước thế nào.

Kishida (trái) và người đồng cấp Nga Lavrov trong cuộc gặp ở Moskva tháng 12/2016. Ảnh: Reuters.

Sau hai vòng bỏ phiếu bầu vị trí chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền hôm nay, Kishida đã giành chiến thắng thuyết phục trước đối thủ Taro Kono và gần như chắc chắn sẽ kế nhiệm Yoshihide Suga, trở thành thủ tướng tiếp theo của Nhật.

Kishida đã bày tỏ ý định tham gia tranh cử từ hồi cuối tháng 8, trước khi Thủ tướng Suga chính thức tuyên bố không tái tranh cử. Trước đây, trong chính quyền cựu thủ tướng Shinzo Abe, ông Kishida từng được xem là lựa chọn kế nhiệm hàng đầu. Kishida đã tranh cử trong cuộc bầu cử chủ tịch LDP vào năm ngoái, nhưng để thua trước Suga.

Trong cuốn sách "Tầm nhìn Kishida", cựu ngoại trưởng Nhật Bản cho rằng một nhà lãnh đạo thực sự cần có khả năng và sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của người dân. Ông cam kết khi trở thành Thủ tướng sẽ lắng nghe những người đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và có những quyết liệt đối phó với đại dịch.

Kishida dự kiến giao việc chỉ đạo ứng phó Covid-19 cho một cơ quan chính phủ chuyên trách, đồng thời coi nhiệm vụ phát triển thuốc và tiêm chủng diện rộng là chìa khóa đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Ông Kishida sinh ra trong một gia đình có truyền thống chính trị ở phường Shibuya của Tokyo vào ngày 29/7/1957, nhưng sinh sống ở Hiroshima. Ông nội Kishida Masaki và cha Kishida Fumitake đều từng là thành viên Hạ viện.

Sau khi tốt nghiệp Trường Luật của Đại học Waseda năm 1982, Kishida làm việc trong lĩnh vực ngân hàng. 5 năm sau, ông bắt đầu làm thư ký cho cha, người khi đó là nghị sĩ Hạ viện. Năm 1993, Kishida tranh cử và giành được một ghế trong Hạ viện.

Ông từng được bổ nhiệm làm thứ trưởng phụ trách về xây dựng trong nội các của thủ tướng Obuchi Keizo và Mori Yoshiro. Trong nội các của thủ tướng Koizumi Junichiro, ông giữ chức thứ trưởng cấp cao về giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ.

Khi Abe lên nắm quyền năm 2006-2007, Kishida được bổ nhiệm làm bộ trưởng phụ trách các vấn đề Okinawa và Lãnh thổ phía Bắc, sau đó giữ chức ngoại trưởng khi Abe tiếp tục làm thủ tướng năm 2012.

Kishida đã trở thành ngoại trưởng Nhật tại vị lâu nhất, khi lãnh đạo Bộ Ngoại giao trong thời gian 4 năm 7 tháng dưới chính quyền Abe. Ông sau đó được chọn làm bộ trưởng quốc phòng và làm chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu chính sách của đảng LDP.

Fumio Kishida phát biểu vận động tranh cử tại Tokyo, Nhật Bản hôm 17/9. Ảnh: Reuters.

Về tính cách và lập trường chính trị, Kishida nổi tiếng là người "điềm tĩnh và trung thực", được coi là người theo chủ nghĩa tự do ôn hòa.

Trang Sankei Shimbun từng đưa tin chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hoan nghênh chính phủ Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của Kishida. Do có thời gian dài làm ngoại trưởng Nhật, ông là một người nổi tiếng ở Washington, được cho là có quan hệ bền chặt với cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người hiện là đặc phái viên về vấn đề khí hậu trong chính quyền Biden.

Tân lãnh đạo LDP được cho sẽ tìm cách tăng cường quan hệ Mỹ - Nhật và tiếp tục thúc đẩy "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP)", tầm nhìn đối ngoại được ông Abe đề xuất và Suga tiếp nối. Giống như hai người tiền nhiệm, Kishida nhiều khả năng sẽ duy trì chiến lược FOIP, đồng thời có các biện pháp đối trọng với ảnh hưởng chính trị, quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực.

Ngoài ứng phó với Trung Quốc, Kishida đề cao bảo vệ "các giá trị chung như tự do, dân chủ, pháp quyền và nhân quyền" cũng như tăng cường hợp tác với các nước chia sẻ các giá trị đó.

Từng trưởng thành ở Hiroshima và là đại diện cho một khu vực bầu cử ở thành phố từng bị bom hạt nhân hủy diệt, Kishida đặc biệt quan tâm đến việc xóa bỏ vũ khí nguyên tử. Dù không ủng hộ Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) vì cho rằng không khả thi, Kishida rất ủng hộ chính sách ngoại giao của Nhật Bản để không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân.

"Tokyo sẽ mời các lãnh đạo chính trị thế giới tới thăm Hiroshima và Nagasaki để thấy thực tế về hậu quả của các vụ nổ hạt nhân, thúc đẩy tầm nhìn chung về một thế giới không còn vũ khí hạt nhân", ông từng viết trong một bài báo trên Foreign Affairs vào tháng 8/2014.

Sau thất bại trong cuộc tranh cử năm ngoái, Kishida đã xuất bản cuốn sách "Hướng tới một thế giới không vũ khí hạt nhân", trong đó nhấn mạnh "với tôi, những người bị chết và ảnh hưởng bởi bom hạt nhân là có thật".

Do đó, sau khi nắm quyền, Kishida nhiều khả năng sẽ có nhiều đóng góp ngoại giao cho mục tiêu "thế giới không có vũ khí hạt nhân" bằng cách tận dụng tối đa kinh nghiệm của một ngoại trưởng tại nhiệm lâu nhất Nhật Bản, Daisuke Akimoto, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu châu Á Đương đại (ICAS), nhận định.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Marcellin College Vùng: Bullen. Phone: 9851 1589
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/thu-tuong-nhat-tuong-lai-day-dan-kinh-nghiem-ngoai-giao-4363952.html