"Kế hoạch chúng tôi đang chứng kiến có thể trở thành cuộc chiến lớn nhất tại châu Âu kể từ năm 1945 nếu xét về quy mô. Mọi dấu hiệu cho thấy kế hoạch này đã bắt đầu theo cách nào đó, mọi người cần hiểu cái giá về sinh mạng đi kèm với nó", Thủ tướng Anh Boris Johnson nói trong cuộc phỏng vấn công bố hôm nay, đề cập tới đợt điều chuyển lực lượng Nga gần biên giới với Ukraine.

Thủ tướng Johnson khẳng định các báo cáo tình báo của Anh cho thấy quân đội Nga có kế hoạch tấn công Ukraine từ nhiều hướng, với mục tiêu là "bao vây thủ đô Kiev".

Lực lượng xe tăng Nga diễn tập ở tỉnh Leningrad hôm 13/2. Ảnh: BQP Nga.

Phát biểu được đưa ra vài ngày sau khi Bộ Quốc phòng Anh công bố bản đồ 7 hướng quân đội Nga có thể tấn công Ukraine dựa trên ảnh vệ tinh và các nguồn tình báo. Theo đó, ba hướng tiến công sẽ nhằm vào thủ đô Kiev của Ukraine, cùng ba mũi hành quân nhằm vào trung tâm công nghiệp Dnepr. Hướng thứ 7 có thể bắt đầu từ bán đảo Crimea, nơi Nga sáp nhập năm 2014.

Bản đồ của Bộ Quốc phòng Anh còn minh họa hướng di chuyển trong giai đoạn hai của cuộc tấn công tổng lực. Trong đó, lực lượng Nga tại Crimea di chuyển tới thành phố cảnh chiến lược Odessa bên Biển Đen, trong khi những đơn vị còn lại di chuyển từ Dnepr tới miền tây Ukraine, đến thành phố Vinnitsa.

Các nguồn tin quân sự Anh cho biết bản đồ chỉ đại diện cho một kịch bản tiến đánh Ukraine của Nga, đồng thời minh họa cách Moskva duy trì hiện diện quân sự đáng kể gần biên giới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 18/2 cho biết ông tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định tiến đánh Ukraine và cuộc tấn công có thể bắt đầu "trong những ngày tới". Ông chủ Nhà Trắng cho hay Moskva đang tiến hành chiến dịch tung tin giả, trong đó có cáo buộc Kiev lên kế hoạch tấn công, nhằm tạo cớ để binh sĩ Nga tiến vào Ukraine.

Quan chức Mỹ giấu tên hôm 19/2 cho biết Washington đã phát hiện nhiều biến động đáng kể ở biên giới Nga - Ukraine, thêm rằng Moskva đã điều động hơn 150.000 binh sĩ đến khu vực này, trong đó 40-50% lực lượng đang ở vị trí sẵn sàng tấn công.

Bản đồ hướng tiến công Ukraine tiềm tàng của Nga được Anh công bố hôm 17/2. Đồ họa: BQP Anh.

Căng thẳng giữa Moskva và phương Tây bắt đầu từ cuối năm ngoái, khi tình báo Mỹ cáo buộc Nga dồn lực lượng lớn sát biên giới Ukraine với ý định tiến đánh. Nga bác bỏ, khẳng định mọi hoạt động quân sự trên lãnh thổ là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.

Bộ Quốc phòng Nga hôm 15/2 thông báo đã rút nhiều đơn vị khỏi khu vực biên giới với nước láng giềng, động thái được đánh giá là nhằm hạ nhiệt căng thẳng và bày tỏ thiện chí trong đàm phán. Tuy nhiên, Ukraine và nhiều lãnh đạo phương Tây vẫn bày tỏ hoài nghi tuyên bố của Nga, yêu cầu Moskva có động thái rút quân thực chất.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 18/2 chỉ trích một số quan chức cấp cao phương Tây, trong đó có người đồng cấp Mỹ Antony Blinken, vì liên tục cáo buộc "Nga sắp tấn công Ukraine" và khiến dư luận lo lắng. "Tôi chắc rằng các nhà quan sát chính sách đối ngoại bình thường từ lâu tự khẳng định rằng tất cả cáo buộc đó đều là tuyên truyền, tin vịt và hư cấu", ông nói.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Moira Deeming MLCParliament of Victoria Vùng: Caroline Springs. Phone: 8363 0288
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/anh-to-nga-chuan-bi-cho-cuoc-chien-lon-nhat-tu-nam-1945-4429756.html