Thủ tướng Ấn Độ thúc đẩy xây tòa nhà Quốc hội giữa 'sóng thần' Covid-19
Quyết định tiếp tục triển khai dự án này tại thủ đô New Delhi của ông Modi vấp phải sự phản ứng dữ dội của công chúng cũng như các chính trị gia đảng đối lập. Họ cho rằng không nên thực hiện kế hoạch rót cả tỷ USD vào một kế hoạch xây dựng khi mà đất nước đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng tồi tệ nhất lịch sử.
Kế hoạch trên, còn gọi là Dự án Tái phát triển Central Vista, được phân loại là "dịch vụ thiết yếu", có nghĩa là việc xây dựng được phép tiếp tục ngay cả khi hầu hết các dự án xây dựng khác bị tạm dừng.
Dự án Tái phát triển Central Vista tiếp tục được thi công tại Rajpath tại New Delhi, Ấn Độ., ảnh chụp ngày 17/4 - Ảnh: Getty Images
Hôm 5/5, hai công dân Ấn Độ - trong đó một người có mẹ nhiễm Covid-19 - đã đâm đơn kiện lên Tòa án Cấp cao Delhi, yêu cầu tạm dừng việc xây dựng dự án này. Trong đơn kiện do luật sư Nitin Saluja đệ trình, hai người này nhấn mạnh rằng các tòa nhà quốc hội không phải là một dịch vụ thiết yếu và việc xây dựng thậm chí có thể trở thành một ổ dịch siêu lây nhiễm Covid-19. Các tài liệu gửi tòa án cho biết các công nhân vẫn tiếp tục được đưa từ trại lao động tới công trường xây dựng dự án này.
Trong tháng này, Tòa án Cấp cao Delhi dự kiến xem xét đơn kiện trong tháng này. Tuy nhiên, hai công dân trên đã đưa vụ việc lên Tòa án Tối cao bởi cho rằng tòa án cấp thấp hơn "không đánh giá đúng mức độ của tình hình".
"Vì đất nước đang xảy ra tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, mọi sự chậm trễ đều có thể gây phương hại đến lợi ích của công cộng", luật sư Saluja nói và cho biết vụ việc có thể sẽ được Tòa án Tối cao xem xét trong ngày hôm nay (7/5).
Ngày 5/5, Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục hơn 412.000 người và gần 4.000 người tử vong. Trong 7 ngày qua, trung bình mỗi ngày ghi nhận hơn 385.000 ca nhiễm mới - con số cao kỷ lục kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong tuần qua, Ấn Độ chiếm 25% tổng số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu.
Kể cả trước khi đợt sóng dịch Covid-19 lần thứ hai bùng phát, dự án Central Vista đã gây nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng việc tái cải tạo tòa nhà Quốc hội phải trả giá bằng lịch sử và di sản. Thời gian gần đây, những người phản đối dự án này càng trở nên gay gắt, cho rằng đây là một dự án phù phiếm.
Trong khi đó, những người ủng hộ cho rằng dự án cải tạo quy mô 35 hecta này là cần thiết bởi các tòa nhà hơn 100 tuổi không còn phù hợp với mục đích sử dụng.
"Việc khởi công xây dựng Tòa nhà Quốc hội Ấn Độ, với ý tưởng ’của người Ấn Độ, do người Ấn Độ’, là một trong những dấu mốc quan trọng nhất trong truyền thống dân chủ của chúng ta", Thủ tướng Ấn Độ Modi nhấn mạnh vào tháng 12 năm ngoái tại sự kiện khởi công. "Chúng ta, những người dân Ấn Độ, sẽ cùng nhau xây dựng tòa nhà Quốc hội mới này".
Theo tài liệu được công bố vào cuối tuần trước, ước tính có khoảng 46.700 người được làm việc tạm thời trong quá trình xây dựng công trình này. Dự kiến, việc mở rộng tòa nhà quốc hội và xây mới một tòa nhà khác sẽ hoàn tất vào tháng 11/2022. Còn toàn bộ dự án dự kiến toàn thành vào năm 2026.
Dự án có tổng mức đầu tư 1,8 tỷ USD đã được một hội đồng chuyên gia của Bộ Môi trường Ấn Độ phê duyệt vào đầu năm nay. Tuy nhiên, dịch bệnh trở lại đã thổi bùng làn sóng chỉ trích dự án này.
"Người dân đang chết vì Covid nhưng ưu tiên của Thủ tướng Modi lại là dự án Central Vista", Yashwant Sinha, cựu Bộ trưởng Tài chính và Đối ngoại Ấn Độ nói trong một đăng tải trên Twitter. "Thay vào đó, có phải chúng ta nên xây dựng bệnh viện không?"
Không chỉ giới chính trị gia, nhiều người dân Ấn Độ cũng đồng loạt lên tiếng phản đối dự án này trên Twitter.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: https://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3145825