Thứ quả dại thành đặc sản được săn lùng, dân buôn có ngày bán vài chục cân
Cà dại là quả được hái từ cây cà mọc dại. Loại cây này có hoa trắng, thường mọc ở các bãi đất trống, ven đường, nương rẫy ở Sơn La. Trước đây, bà con thường chặt bỏ đi và ít ngó tới loại quả này. Nhưng mấy năm trở lại đây, loại quả này bỗng dưng trở thành đặc sản núi rừng được nhiều người xa quê săn lùng.
“Các món ăn làm từ quả cà dại là các món ăn dân dã ở quê tôi. Khách hàng tìm mua cà dại trong mấy năm trở lại đây đều là những người ở trên quê tôi đi xuống các khu công nghiệp làm công nhân.
Họ là những người xa quê nên thèm các món ăn quê nhà, nhớ về quê hương. Tuy nhiên, món ăn này cũng khá khó ăn nếu bạn chưa ăn bao giờ. Còn người ăn quen sẽ thấy món ăn rất ngon”, chị Quyết Nguyễn – đầu mối bán cà dại ở Sơn La, chia sẻ.
Chị cho biết chị đi tìm mua cà dại tại các hộ dân quanh khu vực hoặc đăng tìm mua trên mạng. Mỗi cân cà chị mua với giá 10.000 đồng. Khi mua về, chị sẽ đóng vào túi và gửi cho từng khách sỉ.
Do năm nay thời tiết không thuận lợi nên số lượng quả cà thu được không nhiều. Hơn nữa, để cà tươi ngon, chị thường thu gom theo đơn đặt hàng. Khách sỉ của chị đặt bao nhiêu cân chị sẽ đi thu gom đủ rồi gửi cho họ.
Mới hôm qua, chị gom được 30kg cà dại gửi cho khách. Chị cho biết số lượng cà này chị đã đóng túi ngay và gửi cho khách trong ngày. Cứ vài hôm, chị lại gom được một chuyến để gửi cho khách.
Mới hôm qua, chị Quyết (Sơn La) bán cho khách sỉ 30 kg.
“Cà dại thường được chế biến thành món ăn đặc sản. Đem cà rửa sạch rồi luộc. Sau khoảng 15 - 20 phút, vớt quả ra và bỏ cuống cho vào bát tô. Lá chanh thái mỏng rắc vào, cho ít bột canh trộn đều lên là xong”, chị chia sẻ.
Chị Hiền – một người sinh sống ở Sơn La, chia sẻ cà dại hoa trắng mọc nhiều trên nương rẫy và dọc trên các tuyến đường đi làm nương. Trước đây, khi còn đói nghèo, bà con thường hái quả cà dại luộc đem chấm muối ăn cùng cơm.
Những người làm nương rẫy thường không thích loại cây này bởi chúng hay mọc nhiều, cây nào cũng chi chít gai nên rất khó khăn trong quá trình làm cỏ. Vì vậy, bà con thường dùng dao chặt bỏ, cây nào ra quả họ cũng không mấy quan tâm, kệ cho chúng chín rụng đầy gốc.
Theo chị Hiền, quả cà dại bắt đầu có từ tháng 5 đến tháng 8. Quà cà dại hình cầu, màu xanh, ra thành từng chùm lúc lỉu. Những ngày mưa gió không đi làm nương, chị lại đi vào rừng hái quả cà dại về ăn. Hôm nào hái được nhiều, chị sẽ bán cho thương lái hoặc ra chợ ngồi bán. Nếu bán cho thương lái, giá bán rẻ hơn nhiều so với tự ngồi chợ bán.
Món ăn chế biến từ loại quả này khá kén người ăn, ai không ăn quen sẽ rất khó ăn được.
Còn chị My (Tây Nguyên) cho biết nương rẫy nhà chị khá nhiều cây cà dại. Chị thường đi hái cà về để kho cá, đổi món cho gia đình.“Cà dại chế biến được rất nhiều món ăn ngon, đây là 1 món ăn gắn liền với tuổi thơ của chị”, chị nói.
Mỗi khi đi làm nương rẫy nếu chị thấy cây cà có quả là hái về để kho với cá khô hoặc cá mắm. Vào mùa mưa, cà dại mọc rất nhiều, mọi người hay đi hái xong mang ra chợ bán chỉ có giá vài ngàn đồng một cân. Tuy nhiên, hái quả này hái rất khó, gai thì mọc chi chít, toàn bị đâm vào tay chân.
Theo Đông y, cà dại hoa trắng có vị cay, hơi mát, có ít độc; có tác dụng hoạt huyết, tán ứ, tiêu thũng, giảm đau, trừ ho, thường được dùng trị: đau cả vùng thắt lưng, đòn ngã tổn thương; đau dạ dày, đau răng; bế kinh; ho mãn tính. Dùng ngoài trị đinh nhọt và viêm mủ da. Ngoài ra, cà dại còn chữa đau răng, khó tiểu… Đáng chú ý là người bị bệnh tăng nhãn áp và phụ nữ có thai không dùng.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3655325