Thời lụi tàn của karaoke giải trí
"Khi muốn hát, tôi chỉ bật ứng dụng karaoke và dùng micro ở nhà", Zhang Jingwei, người trước đây thường lui tới các quán karaoke ít nhất một lần mỗi tháng, nói.
Bắt nguồn từ Nhật Bản, karaoke lan sang Trung Quốc những năm 1980 và nhanh chóng trở thành thú vui ngày lễ và cuối tuần ở nhiều quốc gia châu Á.
Một đôi nam nữ hát karaoke ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, ngày 29/5/2017. Ảnh: People Visual
Nhưng dữ liệu gần đây cho thấy tình yêu với karaoke đang phai nhạt dần.
Theo ước tính của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, lượng khách đến các địa điểm KTV liên tục giảm trong những năm gần đây và đại dịch góp phần làm giảm đến 80% lượng khách hàng. Một lý do khác khiến ngành karaoke sụt giảm là năm 2018, chính phủ nước này phát động chiến dịch trấn áp vi phạm bản quyền, khiến 6.000 bài hát biến mất.
Tuần trước, công ty tài chính Yicai cho biết, hiện có 56.300 doanh nghiệp kinh doanh karaoke trên khắp Trung Quốc, trong khi thời điểm đỉnh cao năm 2015 là 120.000 doanh nghiệp.
Trước sự cạnh tranh ngày càng tăng và thị hiếu thay đổi, vài năm gần đây, các công ty lớn đã đóng cửa hầu hết quán karaoke. Năm ngoái, một công ty nổi tiếng ở Bắc Kinh đã cho hàng trăm nhân viên nghỉ việc.
"Không có nhiều bài hát và quán KTV như trước", Xu Shirui, sinh viên 21 tuổi ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, cho biết.
Quan điểm của cô đã thu hút hàng nghìn bình luận dưới bài đăng trên Weibo với chủ đề: "Tại sao người trẻ không đến KTV nữa?". "Chỉ có một hai người hát, trong khi những người khác chơi điện thoại", một người bình luận. "Thật ngại khi hát trước mặt người khác", một người khác nói.
Theo Toni Yang, nhà tư vấn thương hiệu chuyên về văn hóa thanh thiếu niên, sự đa dạng các loại hình giải trí đã khiến giới trẻ không còn mặn mà tới các quán karaoke.
"KTV yêu cầu phải có người hát hay, thích uống rượu, trong khi nhiều người đến đơn thuần là khán giả và trả tiền. Không có sự công bằng ở đây", Yang chỉ ra nhược điểm của loại hình giải trí này.
Thay vào đó, giới trẻ Trung Quốc đang đổ xô đến những câu lạc bộ để chơi game. Họ vào vai các nhân vật và dành hàng giờ giải quyết những vụ án giả. Ngành công nghiệp giải trí này ước tính tạo ra doanh thu 2,6 tỷ USD trong năm 2021, theo công ty tư vấn iMedia. Sự phổ biến của trò chơi khiến giới chức Trung Quốc lo ngại có thể tiếp tay cho bạo lực và khiêu dâm.
"Hầu hết người trẻ thích chơi game này hơn KTV, nhất là những người hướng nội. Hơn thế, họ được thể hiện cá tính trong các trò chơi", Toni Yang nói.
Trong khi giới trẻ đang tách mình ra khỏi KTV, một nhóm khác đã bước vào, đó là người cao tuổi. Trong nửa đầu năm 2021, khách hàng 60-70 tuổi tăng gần 30%, khách 70-80 tuổi tăng gấp đôi so với nửa đầu năm 2019, theo thống kê của nền tảng dịch vụ trực tuyến Meituan.
Fang Minhua, 65 tuổi đến từ Thượng Hải là một trong số đó. Ông cho biết nhiều người thế hệ mình không được vui chơi xa xỉ thời trẻ và giờ đang nắm bắt cơ hội.
Một người đàn ông hát tại quán KTV ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, ngày 2/10/2017. Ảnh: IC
Từ lúc nghỉ hưu, ông và vợ cùng nhau học hát, sau đó thường xuyên tụ tập ở các quán. Họ dành cả buổi để nhảy múa và hát những ca khúc nổi tiếng trong thập niên của mình. "KTV không còn dành riêng cho tuổi trẻ. Nó làm phong phú cuộc sống hưu trí của chúng tôi", ông nói.
Các tiệm KTV cũng đang thích ứng với xu hướng thay đổi. Tại thành phố ven biển phía đông Thanh Đảo, nhiều quán đang có các buổi hát karaoke miễn phí cho người dân trên 60 tuổi. Một số quán KTV ở tỉnh Giang Tô cũng tặng hát miễn phí và giá rẻ cho các nhóm trên 50 tuổi.
Mao Xining, sinh viên đại học ở Thượng Hải, cho biết đã tận mắt chứng kiến những thay đổi này. Mặc dù cô chẳng còn hào hứng với karaoke, nó lại trở thành thú tiêu khiển thường xuyên của mẹ và bạn bè của bà.
Họ thích đến KTV vì đó là một cách hợp lý để gặp gỡ và giải trí với nhau. "Ở Thượng Hải, chi phí hát cao hơn và cũng có nhiều lựa chọn giải trí thay thế", Mao, quê ở tỉnh Giang Tây nói.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/thoi-lui-tan-cua-karaoke-4404426.html