Thời Covid-19: Một phần ba thế giới sống dưới lệnh phong tỏa

20:00' 26-03-2020
Ấn Độ đã áp lệnh phong tỏa với hơn một tỷ người trong ba tuần, khiến khoảng một phần ba dân số thế giới phải ở nhà vì Covid-19.

Thị trường tài chính tăng mạnh sau khi quốc hội Mỹ thông qua gói kích thích 2.000 tỷ USD nhằm cứu trợ kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ hy vọng rằng Mỹ sẽ "sẵn sàng mở cửa" cho Lễ Phục sinh vào ngày 12/4.

Tuy nhiên, bất chấp sự lạc quan của ông chủ Nhà Trắng, nhiều chính phủ đang hành động chưa từng có tiền lệ để ngăn chặn nguy cơ nCoV lan rộng.

Ấn Độ, đất nước có dân số lớn thứ hai thế giới, đã ra lệnh cho 1,3 tỷ người không ra khỏi nhà trong ba tuần. Quyết định phong toả của Thủ tướng Narendra Modi đã nhân đôi số người trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi các hạn chế di chuyển lên 2,6 tỷ dân.

"Để cứu Ấn Độ, cứu lấy công dân, cứu chính bản thân và gia đình các bạn, mọi con đường, mọi khu dân cư đang bị phong tỏa", Modi phát biểu trên truyền hình.

Tuy nhiên, tại Trung Quốc, nơi lần đầu phát hiện nCoV hồi tháng 12 năm ngoái, đã nới lỏng các hạn chế nghiêm ngặt đối với 50 triệu người ở tỉnh Hồ Bắc sau nhiều ngày không phát hiện ca nhiễm mới nội địa. Thành phố Vũ Hán, tâm Covid-19, được cho là nơi virus khởi phát từ một khu chợ bán động vật hoang dã, cũng cho phép cư dân rời đi từ ngày 8/4.

Covid-19 cũng ảnh hưởng tới một loạt các sự kiện thể thao và văn hóa trên toàn thế giới, trong đó có quyết định hoãn Olympic Tokyo năm 2020. Đây là lần đầu tiên sự kiện thể thao lớn nhất thế giới, dự kiến diễn ra vào ngày 24/7, bị trì hoãn trong thời bình.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cố đưa ra thông điệp lạc quan, khẳng định thế vận hội sẽ không diễn ra muộn hơn hè năm 2021, như một minh chứng cho thấy "loài người đã đánh bại virus".

Người đàn ông Ấn Độ đi trên một con đường vắng tanh ở New Delhi hôm 24/3. Ảnh: AFP. 

Trên khắp thế giới, những con số đáng buồn vì Covid-19 tiếp tục tăng, với hơn 425.000 ca nhiễm và gần 19.000 ca tử vong. Tình hình dịch bệnh được đánh giá nghiêm trọng tại châu Âu, trong đó Italy là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Italy hôm nay ghi nhận 743 ca tử vong, giảm nhẹ so với mức cao kỷ lục 793 cuối tuần trước.

Lệnh phong tỏa kéo dài hai tuần tại nước này buộc các trường học và hàng quán đóng cửa, người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi có nhu cầu thiết yếu. Chính phủ Italy cũng đề nghị tạm dừng hoạt động tại các doanh nghiệp được cho là không thiết yếu. Thủ tướng Giuseppe Conte đồng thời tăng mức phạt những người rời khỏi nhà từ 206 EUR (hơn 220 USD) lên 3.000 EUR (hơn 3.200 USD).

Ireland đã ra lệnh đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu, Anh cũng lên kế hoạch cho một bệnh viện khẩn cấp 4.000 giường ở London và Tây Ban Nha đang kêu gọi hỗ trợ thiết thực từ liên minh quân sự NATO.

Các quốc gia ở Châu Phi, nơi hệ thống y tế thường kém phát triển, cũng đang tăng cường phản ứng với Covid-19 khi các ca nhiễm mới và ca tử vong gia tăng. Ai Cập đã đóng cửa các trường học, yêu cầu các nhà thờ và thánh đường dừng hoạt động trong hai tuần để ngăn các tín đồ tụ họp cầu nguyện. Các nhà hàng, quán cafe, câu lạc bộ, trung tâm thương mại phải đóng cửa sau 19h.

Tại Mỹ, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, khoảng 130 triệu người, tương đương 40% dân số, đang hoặc sẽ sớm bị áp đặt lệnh phong tỏa.

Nhiều chính phủ đang lắng nghe cảnh báo từ các chuyên gia y tế, rằng cách duy nhất để làm chậm dịch bệnh cũng như cứu sống người già và những người dễ bị tổn thương chính là áp dụng biện pháp "cách biệt xã hội".

Tuy nhiên, Trump cho rằng động thái này sẽ khiến nền kinh tế khổng lồ phải trả giá. "Rất nhiều người cùng quan điểm với tôi rằng đất nước của chúng ta không được xây dựng để đóng cửa. Bạn có thể phá hủy một quốc gia bằng cách đóng cửa nó", Tổng thống Mỹ khẳng định.

Sau khi khởi phát từ Trung Quốc hồi tháng 12/2019, Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ với tâm dịch là châu Âu. Toàn cầu ghi nhận hơn 425.000 ca nhiễm nCoV, hơn 18.900 người chết và hơn 109.000 trường hợp bình phục.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Shou Sumiyaki Vùng: Melbourne. Phone: 9663 0801
Xem thêm

ẩm thực đặc sắc của Nhật Bản, thịt bò wagyu thượng hạng


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/the-gioi/mot-phan-ba-the-gioi-song-duoi-lenh-phong-toa-4074686.html