Khi trở thành Thủ tướng Australia năm 2018, Scott Morrison khẳng định nước này có thể duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất, trong khi vẫn phối hợp với Mỹ, đồng minh an ninh quan trọng. "Australia không phải lựa chọn", Morrison phát biểu về chính sách đối ngoại đầu tiên của mình.

Tuy nhiên, Australia ngày 16/8 dường như đã đưa ra lựa chọn. Sau nhiều năm quan hệ với Trung Quốc xấu đi, Australia công bố thỏa thuận quốc phòng mới, theo đó Mỹ và Anh sẽ giúp nước này phát triển hạm đội tàu ngầm năng lượng hạt nhân, một bước tiến lớn về sức mạnh quân sự của Australia.

Thỏa thuận này sẽ giúp Australia sở hữu hạm đội tàu ngầm hiện đại với công nghệ tối mật mà Mỹ ít khi chia sẻ, ngay cả với đồng minh. Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa Australia sẽ xây dựng quan hệ gắn bó với Mỹ trong nhiều thế hệ sau. Thủ tướng Morrison gọi đây là "quan hệ đối tác vĩnh viễn".

Bình luận viên Damien Cave và Chris Buckley của NYTimes đánh giá đây là ván cược "tất tay" của Australia vào việc Mỹ sẽ thắng thế trong cuộc cạnh tranh siêu cường với Trung Quốc và Washington tiếp tục là lực lượng giữ ổn định tình hình ở Thái Bình Dương.

Từ dưới lên, tàu ngầm USS Santa Fe của Mỹ di chuyển theo đội hình cùng tàu ngầm HMAS Collins, HMAS Farncomb, HMAS Dechaineux và HMAS Sheean của Australia tháng 2/2019. Ảnh: RAN.

"Đó là thời khắc quyết định với Australia và cách họ nghĩ về tương lai của mình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Richard Maude, cựu quan chức an ninh Australia đang là thành viên cấp cao của Viện Chính sách Xã hội châu Á, cho biết.

"Điều này thể hiện mối quan ngại rõ ràng trong chính phủ Thủ tướng Morrison về môi trường an ninh khu vực đang xấu đi, việc Trung Quốc tăng cường năng lực quân sự và sẵn sàng sử dụng sức mạnh cưỡng chế để theo đuổi lợi ích quốc gia của họ", Maude nói.

Mỹ nhận định nhu cầu về một liên minh vững chắc để đối phó Trung Quốc cấp thiết tới mức nước này không ngần ngại chia sẻ công nghệ hạt nhân tối mật và nhạy cảm. Australia sẽ là quốc gia thứ hai, sau Anh, được chia sẻ công nghệ lò phản ứng hạt nhân của Mỹ, cho phép tàu ngầm di chuyển bí mật ở khoảng cách xa hơn.

Trong cuộc họp báo ngày 16/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân giữa Mỹ và Australia "hủy hoại nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực, làm trầm trọng thêm cuộc chạy đua vũ trang và làm tổn hại đến các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới". "Đây là hành vi hoàn toàn vô trách nhiệm", ông Triệu cho biết.

Quyết định tăng cường sức mạnh cho một đồng minh thân thiết ở châu Á - Thái Bình Dương thể hiện gia tăng hữu hình nỗ lực của Mỹ nhằm đối phó tốc độ phát triển quân sự nhanh chóng của Trung Quốc.

Tàu ngầm HMAS Rankin tham gia diễn tập AUSINDEX 21 ngoài khơi thành phố Darwin, Australia ngày 10/9. Ảnh: BQP Australia.

Trong báo cáo trình quốc hội gần đây nhất, Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định Trung Quốc sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới tính theo số chiến hạm. Hải quân Trung Quốc năm 2019 sở hữu khoảng 350 chiến hạm, gồm khoảng một chục tàu ngầm hạt nhân, trong khi đó hải quân Mỹ sở hữu khoảng 293 chiến hạm.

Các chiến hạm của Mỹ thường lớn hơn Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đang cố bắt kịp năng lực tàu sân bay của Mỹ, trong khi các chiến hạm cỡ nhỏ của nước này dần vượt qua hải quân Mỹ.

Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền phi lý với phần lớn diện tích Biển Đông, bồi đắp trái phép các thực thể tại khu vực này và triển khai nhiều khí tài, bao gồm tên lửa diệt hạm và tên lửa phòng không.

Giới chuyên gia nhận định sau khi sở hữu tàu ngầm năng lượng hạt nhân, Australia nhiều khả năng sẽ điều các chiến hạm này tuần tra Biển Đông, nơi tuyến đường biển quan trọng đi qua, nhằm gửi thông điệp không thể nhầm lẫn.

"Không gì thách thức Trung Quốc hơn vũ khí hạt nhân và tàu ngầm. Tác chiến chống ngầm của Trung Quốc rất yếu so với các năng lực khác", Oriana Skylar Mastro, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli của Đại học Stanford, cho biết. "Thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân cho thấy Australia sẵn sàng chấp nhận một số rủi ro trong quan hệ để tăng cường đối phó với Trung Quốc".

Thủ tướng Morrison ngày 16/9 cho biết liên minh an ninh được củng cố với Mỹ và Anh, bao gồm hợp tác về trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới khác, phản ánh nhu cầu của Australia trong bối cảnh xuất hiện động lực nguy hiểm hơn ở châu Á - Thái Bình Dương.

"Môi trường tương đối yên bình mà chúng ta tận hưởng trong nhiều thập kỷ đang trôi vào dĩ vãng", Morrison nói. "Chúng ta đã bước vào kỷ nguyên mới với những thách thức mới dành cho Australia cùng các đối tác".

Tàu ngầm HMAS Collins của hải quân Australia. Ảnh: RAN.

Một số chuyên gia an ninh nhận định hành động trả đũa ngày càng cứng rắn hơn của Trung Quốc, bao gồm giảm nhập khẩu than, rượu vang, thịt bò, tôm hùm và lúa mạch, cùng việc bắt hai công dân Australia gốc Hoa, dường như đã đẩy Canberra vào vòng ảnh hưởng của Washington.

Hugh White, chuyên gia quốc phòng tại Đại học Quốc gia Australia, nhận định khi cạnh tranh với Trung Quốc leo thang, Mỹ mong đợi Australia làm được nhiều điều. "Mỹ cho phép Australia tiếp cận công nghệ hạt nhân của mình vì họ mong Australia sẽ triển khai lực lượng trong một cuộc chiến với Trung Quốc có thể nổ ra", White nói.

Australia dường như xem rủi ro đó là đáng đánh đổi. James Curran, chuyên gia lịch sử quan hệ đối ngoại của Australia tại Đại học Sydney, nhận định quyết định đứng về phía Mỹ là "canh bạc chiến lược lớn nhất trong lịch sử Australia". "Australia đánh cược tất tay với việc Mỹ sẽ duy trì quyết tâm và ý chí của mình", Curran nói.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Natalie Suleyman MPParliament of Victoria Vùng: Keilor Downs. Phone: (03) 9367 9925
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/van-cuoc-tau-ngam-hat-nhan-cua-australia-4357816.html