"Những diễn biến chúng tôi kỳ vọng từ thương vụ mua F-16 của Mỹ và Canada cam kết dỡ lệnh cấm vận vũ khí có thể giúp quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận tích cực hơn với Thụy Điển. Tất cả đều có liên hệ với nhau", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trả lời truyền thông hôm nay, khi đang trên chuyên cơ từ Hungary về nước.

Thổ Nhĩ Kỳ đặt hàng hơn 100 tiêm kích tàng hình F-35A do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ chế tạo, nhưng bị loại khỏi dự án năm 2019 sau khi mua tổ hợp phòng không S-400 do Nga sản xuất. Mỹ đề xuất bán tiêm kích F-16 để bù khoản tiền 1,4 tỷ USD mà nước này đầu tư vào dự án F-35.

Ankara đã đề nghị mua 40 tiêm kích hạng nhẹ F-16 và gần 80 bộ phụ tùng để hiện đại hóa lực lượng chiến đấu cơ hiện có, trong thương vụ có tổng trị giá 20 tỷ USD. Thương vụ này đang vấp phải sự phản đối từ quốc hội Mỹ, dù chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần cam kết xúc tiến.

Ông Erdogan nói đã thảo luận việc kết nạp Thụy Điển vào NATO khi điện đàm với ông Biden tuần trước. "Ông Biden nói 'ông thúc giục quốc hội duyệt đơn của Thụy Điển và tôi sẽ thúc giục quốc hội duyệt thương vụ F-16'", theo ông Erdogan.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu tại Budapest, Hungary ngày 18/12. Ảnh: AFP

Canada cấm xuất khẩu vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 10/2019, sau khi Ankara can thiệp quân sự vào Syria. Canada tháng 4/2020 dỡ lệnh cấm trong 6 tháng rồi tái áp dụng vì "có bằng chứng cho thấy một số công nghệ và thiết bị quân sự Ottawa bán cho Ankara được sử dụng trong các cuộc xung đột", như tại vùng ly khai Nagorno-Karabakh ở Azerbaijan.

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 7 ở Litva, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nói Canada đã chấp thuận nối lại đàm phán về dỡ cấm vận vũ khí, sau khi Ankara bật đèn xanh cho việc kết nạp Stockholm vào liên minh quân sự.

Phần Lan cùng Thụy Điển hồi tháng 5/2022 nộp đơn xin gia nhập NATO, kết thúc hàng thập kỷ duy trì chính sách không liên kết về quân sự. Phần Lan hồi tháng 4 gia nhập thành công, sau khi nhận được sự ủng hộ từ 30 nước thành viên, trong khi Thụy Điển gặp trở ngại từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.

Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Thụy Điển thực hiện nhiều bước hơn để kiềm chế các thành viên của đảng Công nhân người Kurd (PKK), nhóm bị Liên minh châu Âu và Mỹ coi là nhóm khủng bố. Stockholm sau đó đưa ra dự luật chống khủng bố và dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Erdogan cuối tháng 10 đã trình đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển lên quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ để phê chuẩn. Ủy ban đối ngoại quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sau đó hoãn bỏ phiếu phê duyệt Thụy Điển, cho rằng cần thảo luận thêm nhưng không nêu mốc thời gian nối lại.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/ong-erdogan-noi-my-canada-co-the-giup-thuy-dien-som-vao-nato-4690899.html