Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, tháng 7-2024, các doanh nghiệp thành viên bán ra 13.788 ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và 15.132 ô tô nhập khẩu nguyên chiếc. Trước đó, trong tháng 6-2024, doanh số xe nội địa và nhập khẩu lần lượt là 12.962 và 13.613 chiếc. Tình hình cũng tương tự vào tháng 4 và tháng 5 khi số lượng xe nhập khẩu bán ra luôn cao hơn xe sản xuất trong nước 1.000 - 2.000 chiếc.

Đảo chiều

Đáng chú ý, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tính chung 7 tháng đầu năm nay, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ đạt 172.200 chiếc - giảm khoảng 20.000 chiếc so với cùng kỳ năm ngoái và giảm đến 80.000 chiếc so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng thấp nhưng các hãng cũng không tiêu thụ được hết mà tồn kho lên tới 20.000 chiếc. 

Đây là diễn biến lạ trên thị trường ô tô bởi trước đây, doanh số xe nội địa thường vượt trội so với xe nhập khẩu nhờ ưu thế về giá cùng các chính sách ưu đãi đi kèm. Hiện nay, lợi thế cạnh tranh đang nghiêng về các dòng xe ngoại.

Ô tô nhập khẩu chính hãng năm nay tăng mạnh, đe dọa thị phần xe nội địa

Ông Hoàng Minh Tấn (buôn bán ô tô tại TP HCM) cho biết nếu như xe nhập khẩu từ những thị trường gần như Thái Lan và Indonesia trước đây có giá trung bình 400 - 500 triệu đồng/chiếc thì nay giảm còn 350 - 450 triệu đồng/chiếc. Ngoài sức hấp dẫn từ giá rẻ, chất lượng xe nhập cũng là yếu tố quan trọng khiến người tiêu dùng quyết định chọn mua.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, không chỉ hãng sản xuất mà các nhà nhập khẩu thời điểm này cũng giảm giá khá sâu đối với nhiều mẫu xe. Chẳng hạn, các mẫu xe nhập khẩu của MG đều đồng loạt giảm giá 60 -170 triệu đồng/chiếc, tùy dòng, giúp đẩy doanh số tăng đáng kể. 

Tương tự, mẫu Xforce của Mitsubishi ghi nhận doanh số tháng 7-2024 tăng gấp đôi tháng trước đó nhờ giảm giá 20 - 40 triệu đồng/chiếc và hỗ trợ tiền mặt tương đương 100% lệ phí trước bạ. Với 1.748 chiếc bán ra, Xforce đã vươn lên vị trí mẫu xe dẫn đầu doanh số trong tháng 7.

Các hãng khác như Toyota, Subaru, Volkswagen, Mitsubishi, Suzuki... cũng có chính sách hỗ trợ tương đương 50%-100% lệ phí trước bạ đối với các mẫu xe nhập khẩu. Ông Phạm Quang Thắng, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Ô tô Hà Nội, nhìn nhận trong bối cảnh chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ cho ô tô nội địa tạm ngưng trong nhiều tháng, chính sách "đi trước một bước" của hãng và nhà phân phối xe nhập khẩu đã giúp doanh số khu vực này tăng mạnh từ đầu năm đến nay.

"Đi buôn" có lợi hơn sản xuất

Mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước tiếp tục đối mặt thách thức khi các hãng xe nhận thấy nhập khẩu nguyên chiếc có lợi hơn so với sản xuất, nhất là khi giá xe ngày càng giảm.

Ông Triệu Khắc Thiệp, Giám đốc Chợ Tốt Xe, cho biết nhiều hãng xe có chiến lược chuyển hướng nhập khẩu thay vì sản xuất, lắp ráp trong nước nếu nhận thấy mẫu xe nhập bán chạy, từ đó làm thay đổi tỉ lệ doanh số giữa xe nội địa và xe ngoại. Thực tế, nhiều mẫu xe nhập khẩu từ Indonesia, Thái Lan có lợi thế cạnh tranh hơn vì các quốc gia này sản xuất số lượng lớn, không chỉ cung ứng trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu. 

Nhờ sản xuất số lượng lớn, giá thành tại các nước này thấp hơn đáng kể so với Việt Nam. "Các hãng đều phải tính toán, lựa chọn phương án nào có lợi nên việc chuyển hướng sang nhập khẩu đang trở thành xu hướng" - ông Thiệp nhận xét.

Đại diện Toyota Việt Nam xác nhận gần 20 mẫu xe của hãng trước đây chủ yếu lắp ráp trong nước nhưng gần đây chuyển sang nhập khẩu để tận dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. 

Bên cạnh đó, hãng cũng cân nhắc kỹ việc lựa chọn đầu tư sản xuất, lắp ráp mẫu xe nào ở từng thị trường để đạt hiệu quả, ví dụ với Việt Nam là 4 mẫu Vios, Veloz, Fortuner bản máy dầu và Innova bản số sàn. Tương tự, Mitsubishi - hãng xe trước đây có phần lớn mẫu xe được lắp ráp trong nước - hiện nay chỉ còn duy trì 2 mẫu là Xpander bản số sàn và Outlander.

Theo ông Đào Công Quyết, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, chi phí sản xuất ô tô trong nước cao hơn 20% so với các nước trong khu vực Đông Nam Á chính là một trong những rào cản khiến sản lượng lắp ráp trong nước khó tăng.

Các dự báo cho thấy số lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Indonesia và Thái Lan tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào 2 quốc gia sản xuất này để đẩy mạnh xuất khẩu xe giá rẻ sang các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. 

Trong khi đó, năm nay dự kiến sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đạt 340.000 chiếc, không tăng so với năm ngoái và sụt giảm 100.000 chiếc so với năm 2022. Với sự sụt giảm sản lượng sản xuất khi một bộ phận doanh nghiệp chuyển sang "đi buôn", ngành ô tô Việt Nam phải cạnh tranh với xe ngoại ngay trên chính "sân nhà".

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Braybrook College Vùng: Braybrook. Phone: 9312 2900
Xem thêm

Trường có ó uy tín về chất lượng đào tạo học sinh.


Article sourced from AUTOPRO.

Original source can be found here: http://autopro.com.vn/thi-truong-o-to-noi-dia-bi-de-doa-177240901172711574.chn