Thế mạnh của bà Harris trong cuộc đua vào Nhà Trắng
Trong một năm qua, cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 gần như được ấn định là màn tái đấu giữa Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump, hai ứng viên cao tuổi mà phần lớn cử tri Mỹ không thực sự mong muốn. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi sau một chiều Chủ nhật cách ngày tổng tuyển cử 5/11 hơn ba tháng.
Tổng thống Biden ngày 21/7 thông báo dừng tranh cử và ủng hộ cấp phó Kamala Harris tiếp tục chiến dịch. Nếu bà Harris nhận đề cử từ đảng Dân chủ trong đại hội toàn quốc vào tháng tới, ông Trump sẽ phải đối mặt với đối thủ trẻ hơn và có nhiều nét tương phản với ông.
Sự tương phản giữa hai ứng viên cũng là yếu tố mà đội ngũ cố vấn của bà Harris hướng đến làm "vũ khí" ứng phó ông Trump. Họ dự định tập trung vào yếu tố Phó tổng thống từng là công tố viên, còn ông Trump đang là cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết tội.
Phó tổng thống Kamala Harris phát biểu tại sự kiện vận động ở Las Vegas, bang Nevada ngày 9/7. Ảnh: AP
Bà Harris, 59 tuổi, bắt đầu sự nghiệp tại bang California với vị trí công tố viên hạt Alameda, sau đó được bầu làm công tố viên quận San Francisco năm 2004, đảm nhiệm hai nhiệm kỳ đến năm 2010. Bà là phụ nữ da màu, người Mỹ gốc Ấn đầu tiên giữ vị trí này.
Bà trở thành tổng chưởng lý California từ tháng 1/2011, trước khi đắc cử ghế thượng nghị sĩ bang này vào tháng 11/2016. Năm 2020, ông Biden chọn bà Harris làm ứng viên cấp phó, đánh bại ông Trump và ông Mike Pence.
CNN dẫn lời các cố vấn, đồng minh thân cận cho rằng nỗ lực tranh cử của bà Harris lần này sẽ cần dựa đáng kể vào vai trò công tố viên quận, tổng chưởng lý trước đây. "Hình tượng rất đơn giản: công tố viên đấu với người vi phạm pháp luật", họ nói.
Chiến lược này quay trở lại khuôn khổ "công tố viên làm tổng thống" khi bà Harris tham gia vòng bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ vào tháng 1/2019. Khuôn khổ bao gồm khẩu hiệu khi bà mới chỉ là trợ lý công tố viên quận: "Kamala Harris, vì người dân". Thời điểm đó, chiến dịch không đạt nhiều tiến triển và bà Harris rút lui vào tháng 12 cùng năm, trước khi chấp nhận làm ứng viên cấp phó cho ông Biden.
Lần này bối cảnh đã khác. Ứng viên đại diện đảng Cộng hòa Trump đã bị kết tội trong vụ truy tố ở New York với cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh chi tiền ém thông tin bất lợi khi tranh cử tổng thống năm 2016, lĩnh án phạt hàng trăm triệu USD trong một vụ kiện dân sự và đang đối mặt hai vụ truy tố với cáo buộc âm mưu lật kèo bầu cử cả cấp bang và liên bang.
Các cố vấn tin đây là cách "không chỉ làm nổi bật tiểu sử, mà còn giúp bà Harris trở thành người đấu tranh cho người dân Mỹ, trong khi ông Trump chỉ muốn vì bản thân". Chiến lược cũng bộc lộ sự mạnh mẽ, trí tuệ và cứng rắn, những yếu tố có thể coi là điểm chung giữa công tố viên và tổng tư lệnh đất nước.
Bà Kamala Harris tại San Francisco, bang California, tháng 6/2004. Ảnh: AP
Sự tương phản giữa hai chiến dịch sẽ càng hiện rõ nếu bà Harris nhận được đề cử của đảng Dân chủ. Bà Harris trẻ hơn, là ứng viên tổng thống đầu tiên thuộc Gen X (năm sinh từ 1965 đến 1980). Ngược lại, ông Trump, 78 tuổi, đang là ứng viên tổng thống lớn tuổi nhất của đảng Cộng hòa.
Bà đi đầu trong nỗ lực ủng hộ quyền tự do phá thai của phụ nữ, một vấn đề trọng tâm của chính trường Mỹ sau khi Tòa án Tối cao năm 2022 đảo ngược phán quyết trong vụ kiện "Roe chống lại Wade" năm 1973.
Phán quyết trong vụ kiện năm 1973 cho rằng phá thai là một trong những quyền con người căn bản của phụ nữ và là quyền hiến định dựa trên tu chính án số 14. Án lệ này đã được coi là văn bản pháp luật cao nhất ở Mỹ trong vấn đề phá thai.
Sau phán quyết đảo ngược năm 2022 của Tòa án Tối cao, vấn đề phá thai sẽ do chính quyền từng bang quyết định. Ba trong số 6 thẩm phán bảo thủ ủng hộ phán quyết được bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao dưới thời ông Trump.
Trong khi đó, ông Trump và ứng viên cấp phó J.D.Vance đều được mô tả là "những người có quan điểm tiêu cực với phụ nữ nhất từng ra tranh cử trong lịch sử Mỹ".
"Với tôi, Trump và Vance phản ánh quá khứ của Mỹ. Bà Harris là hiện thân cho nước Mỹ hiện tại và tương lai", LaTosha Brown, đồng sáng lập Black Voters Matter Fund, nói với Reuters. Đây là tổ chức vì quyền của những cộng đồng bị gạt ra ngoài lề xã hội, chủ yếu là người da màu.
Cha mẹ Harris là người nhập cư. Cha bà là giáo sư kinh tế. Mẹ bà là nhà khoa học gốc Ấn tham gia nghiên cứu về ung thư vú. Những yếu tố này cũng trái ngược đáng kể với lập trường cứng rắn với người nhập cư của ông Trump, Vance và đảng Cộng hòa.
Việc mẹ bà là nhà khoa học sẽ là yếu tố để đáp trả những định kiến phản khoa học của Trump và ứng viên độc lập Robert F. Kennedy Jr. mang quan điểm bài vaccine. Sau cùng, với kinh nghiệm là công tố viên, Harris có thể thuyết phục công chúng rằng bà là lựa chọn tốt nhất, trang Daily Beast nhận định.
Tuy nhiên, một số thành viên đảng Dân chủ vẫn còn lo ngại khi bà Harris thể hiện không tốt trong hai năm đầu nhiệm kỳ, cũng như tình trạng kỳ thị giới tính, chủng tộc đã tồn tại từ lâu trong chính trường Mỹ. Cử tri Mỹ hai thế kỷ qua mới chỉ bầu cho một tổng thống da màu là ông Barack Obama năm 2008. Nữ ứng viên tổng thống đầu tiên đại diện một chính đảng ra tranh cử là bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ thất bại trước ông Trump năm 2016.
"Nếu bạn nghĩ những người muốn ông Biden rời cuộc đua sẽ ủng hộ bà Kamala, bạn đã lầm", hạ nghị sĩ Alexandra Ocasio-Cortez, New York, viết trên Instagram. "Không có lựa chọn nào an toàn".
Nhưng những rắc rối tiềm ẩn này cũng có lợi cho bà Harris. Cử tri da màu, nhập cư sẽ tập hợp quanh bà và những phụ nữ từng hối tiếc vì không bỏ phiếu cho bà Clinton năm 2016 cũng sẽ ủng hộ Harris, theo Jamal Simmons, cựu trợ lý của bà Harris.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/su-tuong-phan-co-the-giup-ba-harris-doi-choi-voi-ong-trump-4772968.html