Thế khó của "Thiên đường hạ giới" Bhutan trong cuộc đối đầu giữa 2 "ông lớn" châu Á
Vương quốc Bhutan nổi tiếng với phong cảnh đẹp và cuộc sống thanh bình (Ảnh: National Geographic)
Thủ đô Thimphu của Bhutan mang lại cảm giác dễ chịu, tươi mới cho những ai cảm thấy mệt mỏi vì giao thông và ô nhiễm tại các thành phố lớn. Du khách có thể hít thở không khí trong lành, ngắm nhìn những ngọn núi xanh thẳm và các đỉnh tuyết trắng ở đằng xa.
Tại Bhutan, cuộc sống dường như không vội vã. Nam giới, phụ nữ và trẻ em thường mặc trang phục truyền thống, di chuyển bình tĩnh. Cõ lẽ đây là quốc gia duy nhất trên thế giới không sử dụng đèn giao thông, chỉ có các cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh.
Nhưng bên dưới vẻ bề ngoài đó, đất nước thanh bình này đã trải qua tình trạng căng thẳng và lo lắng kể từ năm ngoái.
Nằm kẹp giữa hai “ông lớn” châu Á - Trung Quốc ở phía bắc và Ấn Độ ở phía nam, quốc gia vùng Himalaya, với dân số khoảng 800.000 người, đã thấp thỏm khi binh sĩ của hai cường quốc quân sự đối đầu nhau tại khu vực tranh chấp biên giới.
Đụng độ đã tại xảy ra tại một cao nguyên chiến lược có tên gọi Doklam - tọa lạc tại khu vực ngã ba giữa Ấn Độ, Bhutan và Trung Quốc.
Doklam, một khu vực vùng núi hẻo lánh, đang bị tranh chấp khi cả Bhutan và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền. Ấn Độ ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Bhutan đối với Doklam.
Khi Trung Quốc bắt đầu mở rộng một con đường vào tháng 6/2017, các binh sĩ Ấn Độ đã can thiệp và ngăn chặn việc thi công, gây ra một cuộc đối đầu giữa hai bên.
Delhi nói rằng con đường mà Trung Quốc xây dựng gây ra các lo ngại về an ninh. Ấn Độ lo ngại nếu xảy ra bất kỳ một cuộc xung đột nào trong tương lai, các binh sĩ Trung Quốc có thể sử dụng nó để kiểm soát Hành lang Siliguri quan trọng về mặt chiến lược của Ấn Độ, được gọi là “Cổ gà”, kết nối các bang ở đông bắc Ấn Độ với phần còn lại của nước này.
Một số chuyên gia cho rằng các lo ngại đó là hơi quá. Nhưng nhiều người Bhutan không biết tầm quan trọng chiến lược của Doklam.
“Doklam không quan trọng cho tới khi nó trở thành một vấn đề tranh cãi vài tháng trước. Hầu hết người Bhutan thậm chí không biết Doklam nằm ở đâu”, nhà báo Namgay Zam tại Thimphu cho hay. “Nó đã trở thành một chủ đề gây chú ý và thảo luận chỉ sau khi trở thành vấn đề gây tranh cãi giữa Ấn Độ và Trung Quốc”.
Cuộc đối đầu căng thẳng giữa các binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tại Doklam đã gây ra lo ngại đối với nhiều người Bhutan rằng nó có thể gây nên một cuộc chiến giữa hai “ông lớn” tại châu Á. Bắc Kinh đã mạnh mẽ chỉ trích hành động mà họ miêu tả là “sự xâm nhập của các binh sĩ Ấn Độ”.
Sau nhiều tuần thúc đẩy ngoại giao giữa các lãnh đạo Trung Quốc và Ấn Độ, cuộc đối đầu kéo dài 73 ngày cuối cùng đã kết thúc và các binh sĩ Ấn Độ rút quân.
Chính phủ Bhutan từ chối công khai thảo luận cuộc đối đầu tại Doklam nhưng đã ra một tuyên bố thận trọng hồi tháng 8 năm ngoái, trong đó nước này hoan nghênh "sự rút lui của cả hai phía".
Nhiều người tại Bhutan nói rằng cuộc đối đầu là một lời cảnh tỉnh.
Một cuộc tranh luận sôi nổi đã bùng phát trên mạng xã hội về việc liệu đã đến lúc Bhutan giải quyết tranh chấp biên giới với Trung Quốc và theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập hay không. Một số người thậm chí còn cho rằng Bhutan nên thoát khỏi sự ảnh hưởng của Ấn Độ.
Sau khi Tây Tạng được sáp nhập vào Trung Quốc vào những năm 1950, Bhutan đã ngay lập tức hướng về láng giềng phía nam - Ấn Độ - để tăng cường an ninh và thúc đẩy mối quan hệ. Kể từ đó, Bhutan nằm dưới sự ảnh hưởng của Ấn Độ.
Một cuộc đối đầu căng thẳng kéo dài 73 ngày giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã diễn ra tại Cao nguyên Doklam hồi năm ngoái (Đồ họa: BBC)
Theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập?
Ấn Độ trợ giúp kinh tế, quân sự và kỹ thuật cho Bhutan. Quốc gia Himalaya là nước nhận viện trợ nước ngoài lớn nhất của Ấn Độ. Delhi đã cấp gần 800 triệu USD cho kế hoạch phát triển kinh tế kéo dài 5 năm qua của Bhutan.
Hàng trăm binh sĩ Ấn Độ đóng quân bên trong Bhutan và các quan chức cho biết họ đào tạo các binh sĩ Bhutan. Trụ sở quân sự của Bhutan tọa lạc tại thị trấn Haa ở miền tây, cách Doklam chỉ 20km.
Nhiều người Bhutan biết ơn Ấn Độ về sự trợ giúp trong nhiều thập niên qua, nhưng nhiều người khác, đặc biệt là người trẻ, muốn nước này đi trên con đường của riêng mình.
Chính sách ngoại giao của Bhutan cân nhắc các lo ngại an ninh của Ấn Độ do một hiệp ước đặc biệt được hai bên ký kết lần đầu tiên vào năm 1949. Hiệp ước được gia hạn vào năm 2007 nhưng cho phép Bhutan tự do hơn trong các lĩnh vực đối ngoại và mua sắm quân sự.
Bhutan và Trung Quốc có các tranh chấp lãnh thổ ở phía bắc và phía Tây. Có một lo ngại ngày càng gia tăng tại Bhutan là đã đến lúc nước này cần đi tới một giải pháp với Trung Quốc.
“Bhutan thực sự cần giải quyết vấn đề này với Trung Quốc sớm nhất có thể. Sau đó, chúng ta mới có thể thúc đẩy ngoại giao, nếu không vấn đề Doklam này có thể tái diễn”, nhà bình luận chính trị Karma Tenzin nói. “Chúng ta không thể chịu được cảnh hai siêu cường tranh cãi ở cửa ngõ của một quốc gia hòa bình như Bhutan”.
Một số người tại Thimphu nói rằng Ấn Độ đáng lẽ nên kìm chế và tránh một cuộc đối đầu với Trung Quốc. Họ cho rằng lập trường của Ấn Độ có thể ảnh hưởng tới các nỗ lực của Bhutan nhằm giải quyết tranh chấp biên giới kéo dài với Bắc Kinh.
Ấn Độ không thể ngăn chặn Trung Quốc làm đường vào các quốc gia Nam Á khác như Nepal, Sri Lanka, Maldives và Bangladesh. Bhutan là quốc gia duy nhất trong khu vực không có quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh.
"Đối với chúng tôi, tương lai của chúng tôi là với Ấn Độ. Nhưng chúng tôi có thể thúc đẩy một mối quan hệ công bằng hơn giữa Ấn Độ và Bhutan. Chúng tôi phải tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác mới trên cơ sở cân bằng", nhà phân tích chính trị Gopilal Acharya nói.
Bhutan có thể là một quốc gia Himalaya nhỏ bé nhưng giữ vai trò chiến lược. Và nước này không muốn bị mắc kẹt trong một cuộc đối đầu giữa 2 cường quốc quân sự ở châu Á.
Article sourced from DANTRI.
Original source can be found here: http://dantri.com.vn/the-gioi/the-kho-cua-thien-duong-ha-gioi-bhutan-trong-cuoc-doi-dau-giua-2-ong-lon-chau-a-20180409173050477.htm