Thai Airways: 10 năm bê bối kéo dài và sụp đổ hình ảnh "niềm tự hào Thái"

13:00' 19-05-2020
Trước khi xem xét nộp đơn phá sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thai Airways đã có 10 năm bê bối kéo dài và sụp đổ hình ảnh niềm tự hào Thái trước công chúng nước này.

Năm 1960, Thai Airways được thành lập dưới hình thức liên doanh giữa Scandinavian Airlines (SAS) và hãng hàng không nội địa Thai Airways. Năm 1988, Thủ tướng Thái Lan lúc đó, ông Prem Tinsulanonda, muốn tìm kiếm một hãng bay quốc gia duy nhất, đã sáp nhập các hoạt động trong nước và quốc tế của SAS và Thai Airways để thành lập ra Thai Airways International.

Năm 1991, Thai Airways niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan. Hãng bay này chính thức thuộc sở hữu của chính phủ Thái Lan khi chính phủ nước này mua 15% cổ phần còn lại của SAS. Cho đến năm 2020, Thai Airways sở hữu 103 tàu bay, với 74 điểm đến trong và ngoài nước. Tuy nhiên, 10 năm trở lại đây, Thai Airways liên tiếp rơi vào tình trạng thua lỗ do các bê bối và thất bại tài chính, từ nền tảng bán vé trực tuyến đến mua sắm máy bay, động cơ.

Nổi bật nhất là thất bại trong việc sử dụng động cơ Rolls Royce cho đội máy bay Boeing 777. Vào 1/2017, Văn phòng phòng chống gian lận của Anh đã công bố một cuộc điều tra kéo dài 4 năm. Trong đó, công bố hãng Rolls-Royce đã trả tiền hối lộ cho lãnh đạo của Thai Airways, để đảm bảo hãng bay này sẽ đặt hàng các động cơ Rolls-Royce T800 cho máy bay Boeing 777-200. Rolls-Royce thừa nhận khoản phí và đồng ý trả tiền phạt. Các giao dịch bất hợp pháp trị giá 36,38 triệu USD, kéo dài từ 1991 đến 2005 và được thanh toán trong 3 đợt.

 

Các khoản lỗ lên đến đỉnh điểm trong 3 năm qua, từ mức 2,11 tỷ baht năm 2017 lên 11,6 tỷ năm 2018 và 12 tỷ baht vào năm ngoái. Tính đến tháng 10 năm 2019, khoản nợ tích lũy của Thai Airways lên tới hơn 100 tỷ baht. Khi dịch Covid-19 bùng phát, Virgin Atlantic từng bị chỉ trích khi yêu cầu khoản vay 500 triệu bảng từ chính phủ Anh, tuy nhiên khoản vay này vẫn ít hơn rất nhiều so với đề nghị hơn 60 tỷ baht (2,2 tỷ USD) mà Thai Airways tìm kiếm từ chính phủ Thái Lan.

Phe đối lập, các nhân vật cấp cao của chính phủ và công chúng đang đặt câu hỏi về việc chính phủ cam kết bảo lãnh cho Thai Airways. Ngay cả Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cũng thừa nhận khoản vay này là một vấn đề lớn khi nhiều người Thái đang vật lộn để trong tình trạng nước này ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

Hãng hàng không quốc gia đã trở thành tiêu điểm của báo chí nước này khi ông Sumeth Damrongchaitham từ chức chủ tịch vào cuối tháng 3/2020. Trước khi từ chức, ông Sumeth đã trả lời báo chí rằng "hoàn thành tất cả các mục tiêu đề ra". Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, việc từ chức của ông do không nhận được phê duyệt kế hoạch phục hồi trước đó.

18/5, Văn phòng Quản lý nợ công đã thông báo rằng họ sẽ là bộ phận đảm bảo khoản vay cho hãng hàng không sử dụng làm vốn lưu động. Nhưng nội các Thái Lan vẫn chưa phê duyệt khoản vay bảo lãnh. Nếu được phê duyệt, Thai Airways sẽ là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên mà Bộ Tài chính Thái Lan trở thành người bảo lãnh cho vay.

Ngoài Thai Airways, 8 hãng hàng không khác bao gồm, Bangkok Airways, Thai AirAsia, Thai AirAsia X, Thai Lion Air, Thai Vietjet Air, Thai Smile, NokScoot và Nok Airlines Pcl cũng đang đề nghị các khoản vay từ chính phủ Thái Lan.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: http://news.zing.vn/thai-airways-be-boi-keo-dai-mot-thap-ki-va-sup-do-boi-covid-19-post1086085.html