Tên lửa V-2, 'vũ khí báo thù' của phát xít Đức, một di sản

12:00' 03-10-2020
Sáng 8/9/1944, một vụ nổ lớn làm rung chuyển ngoại ô phía đông nam Paris, do V-2, tên lửa đạn đạo dẫn đường đầu tiên trên thế giới, gây ra.

Đòn tấn công này của Đức Quốc xã khiến 6 người thiệt mạng và 36 người bị thương, diễn ra không lâu sau khi thủ đô Pháp được giải phóng. Gần 8 giờ sau, thủ đô London của Anh cũng hứng chịu hai vụ nổ, khiến ba người chết và 17 người bị thương.

Một vụ nổ ở London tạo ra hố sâu gần 2,5 m, miệng rộng hơn 9 m. Khu vực này bị phong tỏa, báo chí cũng không được đưa tin về nó. Lý do vụ nổ được công bố sau đó là lỗi đường ống dẫn gas, nhanh chóng dập tắt những lời bàn tán.

Tuy nhiên, hàng trăm vụ nổ trong vài tuần sau đó buộc giới chức Anh phải thừa nhận sự thật, rằng Đức Quốc xã đã phóng các tên lửa V-2, một loại vũ khí mới, vào nước này và Pháp.

Quân đội Đức phóng một tên lửa V-2 vào ngày 3/10/1942. Ảnh: NASM.

Quá trình phát triển V-2 bắt đầu từ năm 1934. Quân đội Đức Quốc xã (Wehrmacht) rất quan tâm đến các loại tên lửa. Do đó, một số kỹ sư giỏi nhất nước Đức được giao nhiệm vụ chế tạo một "vũ khí kỳ diệu" mới.

Tên lửa V-2 được thử nghiệm thành công lần đầu tiên vào tháng 10/1942. Với hành trình bay hơn 190 km, đạt độ cao 84,5 km, đây là tên lửa đầu tiên của loài người chạm được tới rìa vũ trụ. Dù gặp một số thăng trầm trong chiến tranh, tới năm 1943, V-2 đã trở thành một trong những dự án vũ khí lớn nhất của Đức Quốc xã.

Thời điểm đó, trùm phát xít Adolf Hitler đang tức giận với việc quân Đồng minh ném bom tàn phá nước Đức, nên muốn tấn công các thành phố của những nước này để trả thù. Tên lửa V-2 là dự án thứ hai trong chuỗi "vũ khí báo thù" của Hitler.

Khoảng 6.000 tên lửa V-2 đã được chế tạo. Theo kế hoạch, chúng sẽ được phóng từ những công trình kiên cố tương tự hầm phóng tên lửa hiện đại. Tuy nhiên, những đòn oanh tạc và tiến công trên bộ của quân Đồng minh buộc lực lượng Đức phải trông cậy vào bệ phóng di động.

Tên lửa V-2 phức tạp và có kích thước lớn hơn nhiều so với V-1, dự án được Đức Quốc xã phát triển trước đó. Loại vũ khí này cao 14 m, được trang bị một đầu đạn chứa khoảng 907 kg chất nổ amatol, với tầm bắn khoảng 322 km. Sau khi phóng, V-2 sẽ vọt lên độ cao hơn 80 km trong không trung, đạt tốc độ hơn 4.800 km/h, chạm tới mục tiêu chỉ trong 5 phút. Tốc độ của tên lửa này nhanh đến mức có thể lao vào mục tiêu ở vận tốc hơn 2.880 km/h.

Vận tốc và độ cao của V-2 khiến chúng trở thành loại tên lửa không thể đánh chặn. Nỗ lực gây nhiễu hệ thống dẫn đường cho V-2 của lực lượng Đồng minh cũng vô ích, bởi chúng không sử dụng vô tuyến để dẫn đường, mà là một hệ thống bao gồm con quay hồi chuyển và máy tính analog, nhằm liên tục theo dõi và điều chỉnh hướng bay đến mục tiêu đã được lập trình trước.

Trong gần một năm, hơn 3.000 tên lửa V-2 tấn công vào những mục tiêu của quân đội và thường dân ở Bỉ, Anh, Pháp và Hà Lan, tương đương khoảng 100 tên lửa được phóng mỗi ngày. Chỉ riêng ở Anh đã có tới hơn 2.700 người thiệt mạng vì V-2.

Một tên lửa đã bắn trúng rạp chiếu phim đông người tại thành phố cảng Antwerp của Bỉ, khiến 567 người chết, bao gồm 296 lính Đồng minh. Đây là vụ tấn công chết chóc nhất do một vũ khí riêng lẻ gây ra tại mặt trận châu Âu.

Một khu chợ ở London, Anh, bị phá hủy sau khi trúng tên lửa V-2 vào ngày 8/3/1945. Ảnh: AP.

Theo ước tính, các cuộc tấn công của tên lửa V-2 đã giết chết 5.000-9.000 người. Cùng với V-1, hai loại tên lửa này là nguyên nhân khiến hơn 30.000 dân thường chịu thương vong và hàng trăm nghìn người mất nhà cửa. Con số này chưa bao gồm cái chết của 10.000-20.000 người bị bắt làm nô lệ lao động trong quá trình chế tạo V-2 tại nhà máy Mittelwerk và các trại tập trung.

Trong cơn tuyệt vọng vì không thể ngăn chặn các cuộc tấn công, phe Đồng minh đã tiến hành Chiến dịch Nỏ thần, bao gồm chuỗi hoạt động và chiến dịch đánh bom nhằm phá hủy chương trình vũ khí V. Họ nắm thông tin về dự án V-2 ngay từ năm 1943, thậm chí thu thập được các bộ phận của tên lửa này nhờ sự hỗ trợ của quân đội Ba Lan.

Cuối cùng, tương tự các loại vũ khí được Đức Quốc xã coi là "kỳ diệu" khác, tên lửa V-2 vẫn không thể giúp quân phát xít cứu vãn tình thế. Dù khiến nhiều dân thường thiệt mạng, V-2 hầu như không gây thiệt hại đáng kể đối với các mục tiêu quân sự. Vào thời điểm năm 1944, sức mạnh của quân Đồng minh cũng đã trở nên vượt trội so với Đức.

Quân đội Đức đã chi quá nhiều ngân sách và tài nguyên cho dự án V-2 chỉ để thu lại lợi ích quân sự tối thiểu, đến mức Freeman Dyson, nhà phân tích thuộc Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh trong Thế chiến II, so sánh nó với "chính sách giải giáp vũ khí đơn phương".

Tuy nhiên, tên lửa V-2 đã để lại một di sản lâu dài. Cùng với sự ra đời của vũ khí hạt nhân, dự án này giúp chứng minh vũ khí quan trọng nhất của tương lai sẽ là tên lửa đạn đạo.

Liên Xô và các nước phương Tây đã hối hả thu thập nhiều dữ liệu nhất có thể về chương trình V-2 sau khi chiến tranh kết thúc. Một số tên lửa đạn đạo đầu tiên của họ về cơ bản là sao chép từ V-2.

Nhiều nhà khoa học tham gia phát triển V-2, bao gồm cả chuyên gia tên lửa Wernher von Braun, người đứng đầu dự án, sau này tới Mỹ trong khuôn khổ Chiến dịch Kẹp giấy, kế hoạch tuyển dụng hơn 1.600 nhà khoa học Đức Quốc xã của Washington. Braun chính là người giúp NASA phóng những vệ tinh đầu tiên lên không gian vào ngày 20/7/1969.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Hội chợ Tết?

Hội Chợ Tết St Albans Vùng: St Albans. Phone: 0425 741 498
Xem thêm

Hội chợ Tết St Albans 2024


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/vu-khi-bao-thu-tung-khien-phat-xit-duc-vo-mong-4168951.html