Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn thăm căn cứ của lực lượng phòng vệ ở đảo Bành Hồ trên eo biển Đài Loan hôm 22/9, trong bối cảnh Bắc Kinh tuần trước điều gần 40 tiêm kích và oanh tạc cơ áp sát đảo Đài Loan trong hai ngày, một số chiếc còn băng qua đường trung tuyến phân chia eo biển.

Trong chuyến thăm của bà Thái, lực lượng vũ trang Đài Loan đã trưng bày tên lửa hành trình không đối đất Vạn Kiếm, một trong những vũ khí được kỳ vọng có thể răn đe và ngăn cản những cuộc tấn công tiềm tàng nhằm vào hòn đảo.

Tên lửa Vạn Kiếm trưng bày trong chuyến thăm của lãnh đạo Đài Loan hôm 22/9. Ảnh: Formosa TV.

Vạn Kiếm được Viện Công nghệ và Khoa học Chung-Shan phát triển riêng cho tiêm kích nội địa F-CK-1 của Đài Loan. Tên lửa có mặt cắt vuông để giảm tiết diện phản xạ radar và cánh nâng được gập gọn trên thân, vẻ ngoài tương đồng mẫu Taurus KEPD 350 của Đức, cũng như Storm Shadow của Anh - Pháp.

Vạn Kiếm có thể mang đầu đạn nổ mạnh, bán xuyên giáp hoặc đầu đạn con với khối lượng tối đa 350 kg, cho phép tấn công nhiều loại mục tiêu mặt đất và trên biển. Tên lửa có tốc độ cận âm, sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp định vị vệ tinh. Tên lửa có tầm bắn 240 km, nhưng có thể tấn công mục tiêu sâu hơn ở đất liền nhờ phóng từ tiêm kích F-CK-1.

Trong thời bình, sự hiện diện của tên lửa Vạn Kiếm ở đảo Bành Hồ phục vụ chiến lược răn đe của Đài Bắc, buộc Bắc Kinh suy tính kỹ khi lên kế hoạch tấn công đảo Đài Loan.

Tiêm kích F-CK-1 mang hai quả Vạn Kiếm dưới cánh bay thử năm 2013. Ảnh: Wikimedia Commons.

Các đơn vị tiêm kích F-CK-1 đóng quân ở Bành Hồ có thể tung đòn tập kích chớp nhoáng vào các mục tiêu như sân bay, cảng biển, đài radar và căn cứ tên lửa ở đại lục, cũng như vô hiệu hóa lực lượng đổ bộ đường biển khi nổ ra xung đột, do tên lửa Vạn Kiếm có tầm bắn vượt trội so với nhiều hệ thống phòng không của đại lục.

Tuy nhiên, điều này chỉ mang tính lý thuyết do căn cứ trên đảo Bành Hồ có thể hứng chịu những đòn không kích dữ dội bằng tên lửa đạn đạo và hành trình từ đại lục nếu xung đột nổ ra.

Căn cứ ở Bành Hồ hoạt động từ năm 1997, đóng vai trò tuyến đầu trong phản ứng của Đài Loan trước lực lượng Trung Quốc đại lục. Wang Chia-chu, sĩ quan chỉ huy lực lượng đồn trú, nói rằng họ chỉ có 5 phút để triển khai chiến đấu cơ ngăn chặn trong mỗi lần phát hiện máy bay Trung Quốc đến gần hòn đảo.

Vị trí đảo Bành Hồ trên eo biển Đài Loan. Đồ họa: Wikipedia.

Một quan chức cấp cao giấu tên của Đài Loan nói rằng các phi đội tiêm kích tại Bành Hồ hiện triển khai chiến đấu cơ đánh chặn "hầu như mỗi ngày" khi căng thẳng lên cao.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 21/9 tuyên bố Đài Loan "là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc" và "không tồn tại cái gọi là đường trung tuyến của eo biển Đài Loan". Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan Joseph Wu bác bỏ tuyên bố này, gọi đường trung tuyến là "biểu tượng" quan trọng để tránh đụng độ quân sự giữa hai bờ eo biển.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/dai-loan-khoe-ten-lua-doi-dat-o-can-cu-tien-phuong-4165990.html