Tàu chiến Nga, Trung Quốc tiến sát Nhật Bản
Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm 21/6 cho biết lực lượng nước này đã phát hiện 5 tàu chiến Nga do một tàu khu trục chống ngầm dẫn đầu đi qua eo biển Tsushima, ngăn cách Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đội tàu chiến này của Nga đã di chuyển gần các đảo lớn của Nhật trong một tuần, từ Hokkaido ở phía bắc đến Okinawa ở phía nam.
Tàu khu trục Đô đốc Panteleyev của Hải quân Nga trong ảnh do Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố hôm 21/6. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật.
Trong khi đó, ít nhất hai tàu chiến và một tàu tiếp liệu Trung Quốc được phát hiện hôm 21/6 ở quần đảo Izu, cách thủ đô Tokyo khoảng 500 km. Một tàu trong số này dường như là Lhasa, khu trục hạm tàng hình thứ hai thuộc lớp Type 055 và là một trong những tàu chiến tối tân của Trung Quốc.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, nhóm tàu chiến Trung Quốc hoạt động ở vùng biển gần Nhật Bản từ ngày 12/6.
"Đây là hành động phô trương lực lượng rõ ràng của Nga và Trung Quốc", James Brown, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Temple ở Tokyo, nhận định. "Những hoạt động này là nỗi lo lớn đối với Nhật Bản. Hơn nữa, việc phải theo dõi hành trình của cả tàu chiến Nga và Trung Quốc sẽ kéo căng nguồn lực của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản".
Hiện chưa rõ các nhóm tàu chiến Nga và Trung Quốc có phối hợp hành động hay không, như cách họ đã làm vào tháng 10 năm ngoái, khi tổng cộng 10 tàu chiến Nga và Trung Quốc cùng đi qua eo biển Tsugaru nằm giữa đảo chính Nhật Bản và đảo Hokkaido. Nhóm tàu này đi qua eo Tsugaru để tiến ra Thái Bình Dương sau khi tham gia tập trận Tương tác Hải quân 2021 ở biển Nhật Bản.
Tàu khu trục Lhasa của hải quân Trung Quốc trong hình ảnh do Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố hôm 21/6. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật.
Tháng trước, khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida chủ trì hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ với các lãnh đạo Mỹ, Australia và Ấn Độ tại Tokyo, không quân Trung Quốc và Nga đã tiến hành các cuộc tuần tra chung ở biển Nhật Bản, biển Hoa Đông và Tây Thái Bình Dương. Bộ Quốc phòng Trung Quốc gọi hoạt động này là một phần kế hoạch diễn tập quân sự thường niên giữa hai nước.
Phó giáo sư Brown cho rằng việc Nhật Bản tổ chức hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ là một trong nhiều lý do khiến Bắc Kinh có những hành động thể hiện sự không hài lòng với Tokyo.
"Trung Quốc rất tức giận trước những tuyên bố của Nhật Bản liên quan đến an ninh Đài Loan, vốn được Bắc Kinh coi là vấn đề nội bộ", ông nói.
Tại hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ, Tổng thống Joe Biden nói Mỹ sẽ can thiệp quân sự nếu Trung Quốc tìm cách chiếm Đài Loan bằng vũ lực. Nhà Trắng sau đó đính chính thông tin, khẳng định chính sách "mơ hồ chiến lược" của Mỹ với Đài Loan vẫn không thay đổi, nhưng Washington vẫn duy trì lực lượng quân sự hùng hậu ở Nhật Bản, dấu hiệu cho thấy quân đội nước này có thể tham gia vào bất kỳ xung đột nào liên quan đến Đài Loan.
Bắc Kinh không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan. Trong khi đó, Nhật Bản coi xung đột trên eo biển Đài Loan là mối đe dọa đối với an ninh của nước này.
Nhật gần đây cũng khiến Nga tức giận khi thể hiện sự ủng hộ với Ukraine sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự ở quốc gia láng giềng hồi cuối tháng 2, chuyên gia Brown nói. Nhật đã áp lệnh trừng phạt Nga và trục xuất các nhà ngoại giao của Moskva nhằm phản đối chiến dịch quân sự.
"Nga dường như muốn sử dụng sức mạnh quân sự của mình để dằn mặt Nhật Bản với hy vọng điều này sẽ ngăn Tokyo áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt", Brown cho hay. "Cơn ác mộng chiến lược của Nhật Bản là một liên minh thực sự giữa Nga và Trung Quốc".
Bạn đang tìm dịch vụ về Siêu thị?
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/8-tau-chien-nga-trung-ap-sat-nhat-ban-4479316.html