Tân Thủ tướng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn sau khi nhậm chức
Trong lễ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Australia hôm 23/5, Lãnh đạo Công đảng Anthony Albanese, 59 tuổi, cam kết sẽ "phụng sự tốt cho đất nước và người dân". Ông được kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi lớn lao cho đất nước, sau khi đánh bại người tiền nhiệm Scott Morrison và chấm dứt 9 năm lãnh đạo của đảng Tự do.
Tuy nhiên, Low De Wei, bình luận viên về các vấn đề Nam Á và Đông Nam Á của Bloomberg, cho rằng ông Albanese, chính trị gia có 25 năm kinh nghiệm trên nghị trường Australia, sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn sau khi nhậm chức, từ kiềm chế lạm phát trong nước đến chính sách đối ngoại.
Anthony Albanese, tân Thủ tướng Australia, lãnh đạo Công đảng vận động tranh cử ở vùng Central Coast, bang New South Wales (NSW), đông nam Australia. Ảnh: Guardian.
Quan hệ với Trung Quốc
Công đảng của ông Albanese đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc trước thềm bầu cử, được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng giúp họ thắng cử.
"Trung Quốc đã thay đổi, quyết liệt hơn và hướng nhiều hơn về tương lai. Điều đó có nghĩa Australia sẽ phải có biện pháp ứng phó", ông Albanese phát biểu trong cuộc tranh luận hôm 8/5.
Tân Thủ tướng Australia cho biết sẽ duy trì chính sách cạnh tranh với Trung Quốc của chính quyền cựu thủ tướng Morrison. Tuy nhiên, các thành viên Công đảng do ông dẫn dắt lại có giọng điệu ít quyết liệt hơn, cho rằng Australia cần đối thoại với Trung Quốc trong các vấn đề như biến đổi khí hậu.
Ngay sau khi đắc cử, ông Albanese đã quyết định tới Tokyo tham dự hội nghị của nhóm Bộ Tứ, cơ chế an ninh được Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Australia thành lập nhằm ứng phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, nhưng quan hệ song phương vài năm qua xấu đi nhanh chóng, đến mức hai bên gần như không duy trì liên lạc công khai ở cấp cao.
Chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử, nước láng giềng của Australia là Quần đảo Solomon đã ký kết hiệp ước an ninh với Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy tình hình tại khu vực sẽ trở nên phức tạp hơn trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Albanese.
Vị trí Quần đảo Solomon (trong khung màu cam) và Australia. Đồ họa: Britanica.
Trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, ông Albanese đang tìm cách cải thiện quan hệ với các quốc gia Thái Bình Dương và Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, như một trong những trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của mình.
Albanese mô tả Indonesia là "siêu cường trong tương lai" và nước này dự kiến là một trong những điểm đến quốc tế đầu tiên của ông trên tư cách Thủ tướng Australia.
Lạm phát và các vấn đề kinh tế
Ông Albanese coi sinh hoạt phí tăng cao là một vũ khí then chốt công kích đối thủ trong chiến dịch tranh cử, cáo buộc đảng của ông Morrison "xa rời quần chúng".
Chiến dịch vận động tranh cử của Công đảng Australia tập trung vào các chính sách như hỗ trợ tài chính cho những người mua nhà lần đầu, trong bối cảnh giá bất động sản tăng chóng mặt. Công đảng cũng cam kết giảm chi phí chăm sóc con cái cho tầng lớp lao động, tăng chất lượng chăm sóc người cao tuổi tại nhà dưỡng lão.
Tuy nhiên, bình luận viên Low De Wei cho rằng lạm phát leo thang là tình trạng chung của nhiều nước trên thế giới, do nhiều yếu tố thúc đẩy bên ngoài như khủng hoảng Ukraine khiến giá xăng dầu, thực phẩm tăng. Bởi vậy, đây sẽ là thách thức lớn với Thủ tướng Albanese và việc thực hiện các cam kết của ông thành công đến mức nào vẫn cần thêm thời gian để đánh giá.
Ông Anthony Albanese tại Sydney hôm 21/5. Ảnh: AFP.
Ông Albanese tạo tiếng vang lớn trong chiến dịch tranh cử khi cam kết ủng hộ tăng lương tối thiểu lên 5,1%, tương đương tốc độ lạm phát. Tuy nhiên, ông sau đó phải đính chính tuyên bố của mình, nói rằng ông ủng hộ chính sách như vậy trong lương tối thiểu của người Australia.
Công đảng cũng đã từ chối tuyên bố sẽ cắt giảm chi tiêu công để kiềm chế lạm phát. Họ thừa nhận kế hoạch kinh tế của đảng trong giai đoạn này sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách thêm 5,2 tỷ USD trong 4 năm tới, nhưng cho rằng tăng chi tiêu sẽ cải thiện năng lực sản xuất.
Cam kết về khí hậu
Công đảng hứa hẹn sẽ giảm 43% lượng phát thải của Australia vào năm 2030, so với mục tiêu 26-28% mà chính quyền Morrison đề ra trước đây. Ông Albanese cũng cam kết cập nhật mục tiêu mới với LHQ để thể hiện rõ tham vọng này.
Theo tân Thủ tướng Albanese, cam kết trên sẽ đưa Australia ngang hàng với các quốc gia như Canada, Hàn Quốc hay Nhật Bản trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, song vẫn thấp hơn so với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh. Ông cũng loại trừ khả năng áp thuế carbon.
Ông Albanese cam kết đầu tư 14 tỷ USD để cải thiện cơ sở hạ nhằm tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong lưới điện quốc gia lên 82%, song than đá vẫn là vấn đề lớn. Than đá góp phần sản xuất hơn nửa sản lượng điện toàn quốc, đồng thời là nguồn thu xuất khẩu chính của Australia.
Công đảng đến nay vẫn tranh luận về phương án tăng tốc loại bỏ các nhà máy điện than địa phương và không đề cập thêm về các hạn chế đối với lĩnh vực này.
"Tôi không muốn Australia tiếp tục khai thác than đá", Sean Nimmo, một chủ hàng tạp hóa ở Sydney, nói. "Tôi không muốn chúng ta trở thành tấm gương xấu trong cuộc chiến chống hiện tượng ấm lên toàn cầu".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/thach-thuc-cho-don-tan-thu-tuong-australia-4466787.html