Tại sao để ông bà chăm cháu lại là "con dao 2 lưỡi"?

07:00' 22-11-2021
“Có nên để ông bà chăm cháu?” là câu hỏi được nhiều bố mẹ hiện nay quan tâm. Nếu xác định nhờ cậy ông bà, bạn cần phải chú ý một số điều để không gây hại cho con cái và xảy ra mâu thuẫn với bố mẹ mình.

Đối với những gia đình bình thường, việc để ông bà chăm cháu được xem là lựa chọn tối ưu nhất trong việc giảm bớt chi phí nuôi dạy con cái. Thế nhưng, khoảng cách và sự khác biệt quá mức giữa 2 thế hệ là rào cản rất lớn trong việc nuôi dạy một đứa trẻ.

Tại sao để ông bà chăm cháu lại là "con dao 2 lưỡi"?

Ông bà có kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh, điều này có lẽ là ưu điểm lớn nhất so với bố mẹ mới có con lần đầu. Ông bà sẽ biết khi nào đứa trẻ khóc vì đói bụng hay vì khó chịu.

Ngoài ra, ông bà nào cũng yêu thương con cháu mình. Họ sẽ tình nguyện làm hết mọi thứ sao cho cháu của mình luôn cảm thấy thoải mái và vui vẻ nhất. Họ không tiếc tiền mua đồ đẹp, bỏ thời gian dẫn cháu đi chơi, luôn quan tâm tới sức khỏe của cháu… Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ nhận ra tình yêu thương ông bà dành cho cháu không thua kém gì bố mẹ chúng.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, khi để ông bà chăm cháu, bố mẹ có thể gặp một số điều phiền lòng. Chẳng hạn như một số ông bà cổ hủ cứ khăng khăng làm theo quan niệm chăm sóc trẻ con theo cách ngày xưa. Họ cố chấp áp dụng các kinh nghiệm lỗi, ám ảnh với các bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc hay những phương pháp dạy con cái không khoa học.

Ngoài ra, việc chiều chuộng cháu quá mức khiến đứa trẻ nảy sinh những tính cách và thói quen xấu. Khi nhìn thấy những điều ông bà làm có thể gây hại cho con mình, đương nhiên bố mẹ sẽ can thiệp, cuối cùng dẫn đến mâu thuẫn giữa 2 bên.

Khi để ông bà chăm cháu, bố mẹ cần chú ý 3 điều

Vì hoàn cảnh nên một số bố mẹ buộc phải nhờ cậy ông bà. Chúng ta không thể phủ nhận những ưu điểm khi ông bà chăm cháu nhưng cần phải chú ý những điều sau:

1. Bố mẹ kiên quyết nói không với các hành vi mê tín dị đoan đối với trẻ con

Bạn cần hiểu rằng, trình độ giáo dục, môi trường sinh sống, độ tuổi… của ông bà sẽ tác động rất lớn trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng một đứa trẻ. Đôi khi những gì ông bà làm có thể đi chệch hướng so với các phương pháp giáo dục hiện nay. Khi gặp phải tình huống này, bạn cần thẳng thắn trao đổi trực tiếp với ông bà, đặt lợi ích của trẻ lên hàng đầu.

Ảnh minh họa.

Rất nhiều ông bà tin tưởng vào các bài thuốc dân gian ngày xưa, có không ít những trường hợp thương tâm đã xảy ra đối với trẻ nhỏ. Vì vậy, để bảo vệ sự an toàn của con mình, bạn cần kiên quyết nói không với những hành vi mê tính dị đoan.

Ngoài những hành vi mê tín dị đoan, các phương pháp nuôi dạy con cái không khoa học cũng cần loại bỏ. Nếu tác hại của các bài thuốc dân gian đối với trẻ là trực tiếp thì tác hại của việc giáo dục sai cách sẽ gián tiếp ảnh hưởng nghiêm trọng tới tương lai của trẻ.

2. Không phó mặc con cái hoàn toàn vào ông bà, bố mẹ cần có trách nhiệm

Ông bà chỉ đóng vai trò phụ giúp, chăm lo ăn uống, giúp đỡ phần nào trong việc chăm sóc cháu. Bố mẹ vẫn là người có trách nhiệm hàng đầu đối với con cái.

Tình yêu của ông bà dành cho cháu là sự che chở nhiều hơn. Vì vậy, họ cũng có xu hướng che giấu những khuyết điểm của cháu mình. Mọi khuyết điểm và lỗi lầm đều được ông bà bao dung sẽ cực kỳ gây hại cho trẻ. Nếu phớt lờ điều này, nó chẳng khác nào bố mẹ đang vô trách nhiệm đối với việc giáo dục con mình. Sự cẩu thả trong việc dạy dỗ sẽ cản trở trẻ tự lập, không biết nhận thức đúng sai.

Ảnh minh họa.

Một đứa trẻ cần lớn lên trong môi trường an toàn, thoải mái do bố mẹ cung cấp. Nếu rời khỏi môi trường này, sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tác động của bố mẹ đối với con cái cao hơn so với những người khác trong gia đình.

Để không bỏ lỡ những giai đoạn quan trọng trong thời ấu thơ của con mình, bố mẹ cần sắp xếp thời gian cho con cái một cách hợp lý. Ban ngày bố mẹ có thể bận rộn công việc nhưng ban đêm hoặc cuối tuần cần bỏ điện thoại xuống, dành thời gian tương tác, chơi với con cái nhiều hơn.

3. Bù đắp những thiếu sót khi ông bà chăm cháu vào thời gian rảnh

Việc chăm sóc một đứa trẻ cùng lúc bởi 2 thế hệ sẽ khó tránh khỏi những được mất khác nhau. Thay vì chê trách ông bà không làm tốt việc chăm sóc cháu, bạn có thể âm thầm bù đắp lại những thiếu sót trẻ đang cần vào thời gian rảnh.

Ảnh minh họa.

Chẳng hạn như trong mắt người già, hành vi nghịch bùn đất của trẻ bị coi là mất vệ sinh, không an toàn. Thế nhưng, đây là một trong những cách để trẻ khám phá thế giới xung quanh, được trải nghiệm về thiên nhiên, rất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của chúng.

Nếu giải thích nhưng ông bà vẫn cố chấp không nghe theo, bạn hãy dành thời gian cuối tuần để đưa con đi khám phá những thứ chúng thích thay vì cố tranh cãi với bố mẹ mình.

Có rất nhiều hành vi không lành mạnh của trẻ ở tuổi đi học mà nguyên nhân sâu xa có liên quan nhiều tới việc trẻ thiếu những trải nghiệm thực tế. Ở mỗi giai đoạn phát triển, trẻ cần được kích thích các giác quan khác nhau, nếu không được thỏa mãn sẽ dễ dẫn tới hiện tượng rối loạn giác gian.

Để bù đắp những thiếu hụt trong quá trình ông bà chăm cháu, bố mẹ cần kiên nhẫn lắng nghe và quan sát nhiều hơn.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Hội chợ Tết?

Hội Chợ Tết St Albans Vùng: St Albans. Phone: 0425 741 498
Xem thêm

Hội chợ Tết St Albans 2024


Article sourced from AFAMILY.

Original source can be found here: http://afamily.vn/3-van-de-then-chot-khi-de-ong-ba-cham-chau-bo-me-dung-chu-quan-xem-nhe-ma-danh-doi-suc-khoe-lan-tuong-lai-cua-con-minh-20211121160226705.chn