Tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế thế giới chỉ mang tính tạm thời
Nhiều công ty đồ ăn nhanh tại Trung Quốc triển khai giao hàng không tiếp xúc do dịch COVID-19. (Nguồn: THX)
Theo Tân Hoa xã, giới chuyên gia đánh giá việc nhà chức trách Trung Quốc triển khai mạnh mẽ và hiệu quả các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh đã làm giảm bớt các quan ngại về tình hình y tế, đồng thời giảm thiểu các tác động tới tình hình tài chính của nước này.
Nhà kinh tế học Rohini Malkani, chuyên gia của cơ quan xếp hạng tài chính toàn cầu DBRS Morningstar ở Toronto (Canada), nhận định dịch COVID-19 (nCoV) đang gây tác động tức thời đến nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt ở khía cạnh sản xuất và tiêu dùng.
Trong khi đó, ngân hàng JP Morgan của Mỹ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực giảm trong quý 1/2020, song sẽ phục hồi trong 2 quý tiếp theo, qua đó tình trạng đình trệ sẽ dần được cải thiện.
Ở lĩnh vực tài chính, JP Morgan lưu ý rằng COVID-19 (nCoV) chỉ là "một yếu tố có tính chất không ổn định trong ngắn hạn," do đó sẽ không thể cản trở các thị trường tài chính toàn cầu lập "các mốc cao mới trong năm 2020."
Giáo sư kinh tế Antonis Zairis, Đại học Neapolis ở Cyprus, ước tính tác động toàn diện của dịch COVID-19 (nCoV) đến nền kinh tế Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chỉ ở mức "rất nhỏ," không vượt quá 0,01% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực này trong năm nay.
Đề cập tới tác động đối với Hy Lạp, giáo sư Antonis cho rằng dịch bệnh này chủ yếu ảnh hưởng tới ngành du lịch và kinh doanh bất động sản.
Trong khi đó, ông Zhang Jiazhui, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Taihe, cho rằng dịch COVID-19 (nCoV) ảnh hưởng lớn đến Trung Quốc, khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thiệt hại ước tính gần 1.000 tỷ nhân dân tệ (143,1 tỷ USD), tương đương khoảng 1% GDP của nước này, chỉ riêng trong quý 1/2020.
Ông Zhang Jiazhui nhấn mạnh Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một loạt các biện pháp quyết liệt nhằm hạn chế dịch COVID-19 (nCoV) lây lan, như đóng cửa Vũ Hán và một số thành phố khác ở tỉnh Hồ Bắc trong thời gian dài, nhanh chóng hủy bỏ các sự kiện lớn và cho phép trả vé máy bay miễn phí nhằm giảm thiểu số lượng các chuyến đi trong nước.
Theo ông, tuy các biện pháp này thực sự cần thiết để ngăn dịch bệnh lây lan, nhưng về mặt khách quan, lại tác động đáng kể đến kinh tế vĩ mô và vi mô của Trung Quốc. Ngành dịch vụ, du lịch và kinh doanh khách sạn bị ảnh hưởng đầu tiên.
Ông Zhang nhấn mạnh thêm rằng: "Thiệt hại của các doanh nghiệp sản xuất thậm chí còn đáng lo ngại hơn."
Đối với một số công ty, tác động của COVID-19 (nCoV) có thể là "giọt nước tràn ly," do đó "chúng tôi cũng phải chú ý đến tác động lâu dài của đợt dịch này."
Cũng theo ông Zhang, để đánh giá tác động của dịch bệnh, "cần đánh giá khả năng miễn dịch của chính nền kinh tế Trung Quốc, cũng giống như cùng một loại virus ảnh hưởng khác nhau đến những người có khả năng miễn dịch khác nhau."
Ông nhấn mạnh "hiện tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang trải qua quá trình chuyển đổi cơ cấu và chậm dần (cuối năm 2019, GDP tăng 6,1%, là chỉ số tồi tệ nhất trong ba thập kỷ qua), hiệu quả đầu tư nói chung không được cải thiện đáng kể và vấn đề cơ cấu vẫn còn rất nghiêm trọng."
Nói gọn lại, dịch bệnh hiện nay tác động trực tiếp và lớn nhất đến ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ ăn uống, du lịch, vận tải và ngành giải trí.
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/du-bao-tac-dong-cua-dich-covid19-doi-voi-nen-kinh-te-the-gioi/623657.vnp