Syria hậu IS: Nga-Mỹ so găng vào cuộc đấu mới

11:35' 24-11-2017
Khi đã xuất hiện tại Syria, dù có vị thế như thế nào, đóng vai trò gì, Mỹ cũng không thể đứng ngoài mọi tiến trình kiến tạo hoà bình, chính trị...

Đối thoại Quốc gia Syria không thể diễn ra?

Theo Reuters ngày 22/11, Thông cáo của Nhà Trắng cho hay Tổng thống Trump đã nói chuyện điện thoại với Tổng thống Putin vào ngày 21/11, trong đó hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến trình hòa bình cho Syria do LHQ bảo trợ.

Đó là các vòng đàm phán của Hội nghị Geneva về Syria. Trong cuộc điện đàm, bộ đôi Trump - Putin cũng đồng ý tìm kiếm phương cách hợp tác trong cuộc chiến chống IS.

Tổng thống Putin gọi điện cho Tổng thống Trump sau khi hai ông trở về từ Hội nghị Thượng đỉnh APEC Đà Nẵng 2017, mà ở đó, trong khoảng khắc gặp nhau ngắn ngủi, lãnh đạo hai siêu cường đã kịp thống nhất về Thoả thuận tiêu diệt IS.

Tổng thống Putin và Tổng thống Trump điện đàm

Tuy nhiên, cuộc điện đàm Putin - Trum diễn ra trong bối cảnh Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria do Nga bảo trợ không thể diễn ra theo dự kiến. Vì vậy, theo giới phân tích, có lẽ Nga đã nhận ra không thể thiếu Mỹ khi kiến tạo hoà bình cho Syria.

Xin nhắc lại là ngày 31.10, sau khi kết thúc vòng đàm phán về hoà bình cho Syria tại Astana, Kazakhstan - Hoà đàm Astana, Moscow đã thông báo kế hoạch tổ chức Hội nghị Đối thoại quốc gia Syria, theo RIA Novosti.

Theo ông Alexander Lavrentyev, đại diện Nga tại Hoà đàm Astana, các bên đã nhất trí đề xuất của Nga tổ chức một hội nghị đối thoại dân tộc cho Syria dự kiến diễn ra ngày 18/11 ở Sochi, giúp các phe phái Syria cùng ngồi lại bàn về tương lai đất nước.

Song nhiều quốc gia đã bày tỏ sự hoài nghi về hội nghị này, bởi họ vẫn nhìn nhận nỗ lực cho hòa bình và tiến trình chính trị của Syria cần thực hiện qua cơ chế của Liên Hợp Quốc, mà cụ thể là các vòng đàm phán tại Hội nghị quốc tế tại Geneva.

Đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ - đồng bảo trợ Hoà đàm Astana - cũng tỏ ra khó chịu với kế hoạch của Nga. Các nhóm đối lập Syria thì được dự báo là chỉ cử giám sát viên, chứ không cử đại diện chính thức.

Mặc dù vậy, ngày 7/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bác tin hoãn Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria và cho cho biết công tác chuẩn bị vẫn được tiến hành. Ông Lavrov khẳng định mọi việc đang được đẩy mạnh hết sức, theo TASS.

Tuy nhiên, đến ngày 21/11, khi Tổng thống Putin gọi điện cho Tổng thống Trump thi Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria vẫn chưa diễn ra.

Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria, dù ông Lavrov phản bác việc hoãn lại sự kiện nghị này

Không thể thiếu Mỹ trong tiến trình tái thiết Syria?

Ngược dòng thời gian, khi những thay đổi của chính quyền Tổng thống Assad - nhất là bãi bỏ thiết quân luật - không được lực lượng nổi dậy ghi nhận tích cực, mà lại xem là cơ hội chống chính quyền, thì đó là lúc chủ quyền quốc gia Syria lâm nguy.

Khi lực lượng nổi dậy kết nối với nhau hình thành nên phe đối lập, rồi tạo ra cuộc xung đột vũ trang với chính quyền và nhanh chóng chiếm giữ những thành phố quan trọng và tạo ra thế giằng co với quân chính phủ tại nhiều cứ điềm.

Thực trạng đó tạo ra khoảng trống quyền lực tại nhiều nơi trên đất nước Syria. Lợi dụng tình hình, lực lượng IS đã tấn công và chiếm giữ nhiều thành phố, làng mạc tại Syria, đưa đất nước Syria trở thành lò lửa chiến tranh.

Trước bối cảnh đó, tháng 9/2014, Mỹ đã bất chấp chủ quyền quốc gia của Syria, thực hiện các cuộc tấn công vào lực lượng IS tại nhiều cứ điểm trên lãnh thổ Syria và ủng hộ cho phe đối lập. Từ đây Mỹ trở thành khách không mời ở Syria.

Theo giới phân tích, việc quân đội Mỹ xuất hiện trong cuộc chiến chống IS tại Syria mà "không cần được mời" được nhìn nhận là do 3 nguyên nhân chính:

Thứ nhất, Washington nhận diện chính quyền Assad - thực thể đại diện chủ quyền quốc gia Syria - sẽ sụp đổ nhanh chóng trước nhiều mũi tên nguy hại, nên người Mỹ không cần phải chờ sự mời gọi hay chấp thuận của thực thể chính trị này.

Thứ hai, người Mỹ đánh giá cao thực lực của phe đối lập Syria và tin rằng lực lượng này sẽ sớm trở thành thực thể đại diện chủ quyền quốc gia Syria và khi đó Mỹ sẽ là khách được mời. Vì vậy Washington đã vội vã kết nối với phe đối lập.

Thứ ba, quan điểm của Washington trong cuộc chiến chống khủng bố - được cựu Tổng thống George W.Bush công bố vào ngày 7/10/2001 - là quân đội Mỹ có thể tấn công khủng bố ơ bất cứ đâu, mà không đề cập đến chù quyền các quốc gia.

Nhận định sai về Assad nên Mỹ phải làm khách không mời

Tuy nhiên, Washington đã nhận diện không chuẩn xác về vị thế của chính quyền Syria cũng như thực lực của phe đối lập, còn quan điểm tấn công khủng bố bất chấp chủ quyền quốc gia thì chỉ là quan điểm của riêng Mỹ, chứ không thể phổ quát.

Vì vậy, đến ngày 19/9, khi gặp nhau bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ lần thứ 72, Ngoại trưởng Nga Lavrov vẫn nhắc lại với Ngoại trưởng Mỹ Tillerson rằng “trên thực tế liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu vẫn là khách không mời ở Syria".

Như vậy, bất luận thế nào thì việc Mỹ "xông vào" đánh IS ở Syria luôn là hành động bất hợp pháp, cho dù nó mang lại kết quả hay gây ra hậu quả.

Song phải khẳng định rằng, khi đã xuất hiện tại Syria thì dù có vị thế như thế nào và đóng vai trò gì, Mỹ cũng không thể đứng ngoài bất cứ tiến trình nào kiến tạo nền hoà bình, xác lập nền chính trị mới cho Syria, sau khi khủng bố tại Syria bị tiêu diệt.

Bởi lẽ, Mỹ bảo trợ cho lực lượng đối lập tại Syria, trong khi lực lượng này đã tham gia vào đời sống chính trị tại Syria, trong đó có cơ chế đàm phán cả tại Hoà đàm Astana do Nga và các đồng minh bảo trợ lẫn tại Hội nghị Geneva do LHQ bảo trợ.

Điều đó thể hiện rõ qua việc Nga - Mỹ cùng kiến tạo Thoả thuận ngừng bắn tại Nam Syria sau khi bộ đôi Trump - Putin gặp nhau lần đầu tiên tại G-20 Hamburg 2017 và Thoả thuận cùng tiêu diệt IS khi hai ông gặp nhau tại APEC Đà Nẵng 2017.

Mỹ bảo trợ phe đối lập Syria nên không thể thiếu vắng trong bất cứ tiến trình hoà bình hay chính trị nào cho Syria

Không những vậy, Mỹ còn đang thúc đẩy cơ chế quốc tế điều tra việc sở hữu và sử dụng vũ khí hoá học tại Syria, mà kết quả có thể tạo ra những thay đổi rất lớn vị thế của các lực lượng, trong đó đặc biệt là chính quyền Assad được Nga bảo trợ.

Do đó, dư luận đánh giá dù khi đánh IS thì Mỹ là khách không mời, song trong các chuyển động chính trị tại Syria thời hậu IS thì Mỹ cần phải được mời và nếu thiếu vắng "yếu tố Mỹ" thì các tiến trình hoà bình hay chính trị cho Syria đều khó có thể xác lập được.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Siêu thị?

Big Sam Market Vùng: Niddrie. Phone: 9366 2237
Xem thêm

chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...


Article sourced from DANTRI.

Original source can be found here: http://dantri.com.vn/the-gioi/syria-hau-is-nga-my-so-gang-vao-cuoc-dau-moi-20171123170221938.htm