Sydney lọt vào top mười thành phố đáng sống nhất thế giới, song giá nhà vẫn cần được cải thiện
22:00' 02-04-2018
Cơ sở vật chất, dịch vụ y tế và tình hình chính trị ổn định là những yếu tố đã góp phần giúp Sydney lọt vào top mười thành phố đáng sống nhất thế giới về chất lượng cuộc sống.
Photo: Kate Geraghty
Tuy nhiên, chi phí sinh hoạt cao cũng như tình trạng ùn tắc giao thông gia tăng và chất lượng không khí bị suy giảm đã ngăn cản thành phố này cải thiện các tiêu chuẩn sống chung trong vòng nửa thập kỷ qua.
Năm nay cũng là năm thứ năm liên tiếp chất lượng cuộc sống ở Sydney vẫn tiếp tục đứng ở vị trí thứ mười trong Cuộc khảo sát Chất lượng Cuộc sống năm 2018 của công ty khảo sát Mercer, xếp hạng 231 thành phố trên toàn cầu. Theo cuộc khảo sát này, thủ đô Vienna của Áo đã đứng đầu trong số các thành phố đáng sống nhất thế giới, tiếp theo là các thành phố ở Tây Âu như Zurich (Thụy Sĩ) và Munich (Đức).
Người phụ trách về thị trường Úc thuộc công ty Mercer, ông Simon Kennedy, đánh giá rằng, Sydney có môi trường kinh tế đầy thu hút và phát triển mạnh, do có các trường học tầm cỡ quốc tế, dịch vụ y tế và giao thông công cộng thuận tiện.
Mặc dù vậy, ông Kennedy cảnh báo rằng lĩnh vực nhà ở – xét về cả mức giá và chất lượng – là điều cần được cải thiện tại Sydney, bởi lẽ nếu so sánh thì số lượng nhà ở có sẵn, kèm theo các thiết bị gia dụng, nội thất và việc bảo trì nhà ở tại châu Âu đều tốt hơn so với Sydney. Chuyên gia này cho biết thêm “Trong năm nay, Sydney đã bị tụt lại phía sau khi xét đến vấn đề ùn tắc giao thông, khả năng tiếp cận với sân bay và chất lượng không khí. Trong khi đó, ô nhiễm không khí lại là yếu tố số một làm sụt giảm thứ hạng của các thành phố trong bảng xếp hạng các thành phố đáng sống nhất thế giới”.
Cuộc khảo sát trên, có tính chủ quan, đã xếp hạng các thành phố trên toàn thế giới dựa trên khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế, chất lượng giáo dục, môi trường sống, tình trạng ô nhiễm và ùn tắc giao thông, cũng như các điều kiện về kinh tế và xã hội. Hơn nữa, việc thiếu các biện pháp để cải thiện chất lượng cuộc sống ở Sydney đã được đề cập trong cuộc khảo sát trên, trong bối cảnh Thủ hiến bang NSW, bà Gladys Berejiklian, đã tuyên bố về việc thay đổi chính sách vào tuần trước. Sự thay đổi về chính sách này được thể hiện ở chỗ chuyển từ tập trung vào nền kinh tế sang tập trung cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân ở Sydney và người dân ở khu vực hẻo lánh của bang NSW.
Phát biểu với báo Domain, bà Berejiklian cho biết “Chúng tôi cam kết sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân trên toàn bang NSW. Vào tuần trước, chúng tôi đã công bố Chiến lược Cơ sở hạ tầng Tiểu bang trong thời gian 20 năm tới. Đây là một kế hoạch nhằm đảm bảo chúng ta sẽ có thêm nhiều việc làm và cơ sở hạ tầng giao thông thuận tiện cho người dân sinh sống và làm việc. Chiến lược này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có thêm các trường học, bệnh viện và công viên mới ở tiểu bang, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia thuộc ngành công nghiệp nhà ở mới đây đã cảnh báo rằng, hệ thống nhà ở tại Úc đã bị “rạn nứt” từ cách đây nhiều thập kỷ, do các chính sách đã bị thất bại và việc chính phủ Úc đã không hành động, với bằng chứng là cứ năm hộ gia đình ở Úc thì có một hộ đang phải chi đến hơn 30% thu nhập để trả tiền thuê nhà.
Mặt khác, các chuyên gia cũng kêu gọi chấm dứt tình trạng “ồ ạt đầu tư vào các tuyến đường cao tốc” ở Sydney. Cùng lúc đó, chính quyền bang NSW đang bị chỉ trích gay gắt do những khoản chi lớn vào các tuyến đường bộ, thay vì tăng cường đầu tư vào giao thông công cộng và cơ sở hạ tầng để cải thiện việc đạp xe đạp và đi bộ trong thành phố – những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân ở Sydney.
Trên toàn quốc, thành phố Melbourne đã đứng thứ 16 trong bảng xếp hạng các thành phố đáng sống nhất thế giới, đồng hạng với thành phố Toronto (Canada). Tất cả các thành phố khác của Úc đều nằm trong top 40 của bảng xếp hạng này. Trong khi thủ đô Vienna của Áo đã được xếp đầu bảng trong năm thứ chín liên tiếp, các thành phố của Đức như Munich, Frankfurt và Düsseldorf đều lọt vào top mười.
Singapore là thành phố đứng đầu ở châu Á, được xếp ở vị trí thứ 25 trong bảng xếp hạng này. Thủ đô Montevideo của Uruguay đứng thứ 77 trong bảng xếp hạng, nhưng cũng đứng đầu ở Nam Mỹ. Thành phố Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đứng đầu ở khu vực Trung Đông và châu Phi, với thứ hạng 74 trong bảng xếp hạng.
Các thành phố đã có tiêu chuẩn sống được cải thiện trong hơn 20 năm qua bao gồm các thành phố như Sarajevo ở châu Âu, Dubai ở khu vực Trung Đông, Thượng Hải ở châu Á, Maputo ở châu Phi, và Havana thuộc châu Mỹ. Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia đã có sự cải thiện nhiều nhất về tiêu chuẩn sống ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ngoài ra, Sydney cũng đã đứng ở vị trí thứ mười trong một báo cáo khác gần đây là Báo cáo về Chi phí Cuộc sống của Tổ chức Tình báo Kinh tế. Trong báo cáo này, thành phố cảng đã tăng bốn hạng và lọt vào top mười thành phố đắt đỏ nhất thế giới.
Hong Dao - Viet Times Australia (Published by Adpro Media P/L)