Sudan: TMC và phe đối lập ký Tuyên bố Hiến pháp

12:18' 05-08-2019
Tuyên bố Hiến pháp là cơ sở để xác định quyền hạn của các cơ quan, gồm hội đồng lãnh đạo hỗn hợp, hội đồng bộ trưởng và hội đồng lập pháp trong giai đoạn chuyển tiếp ở Sudan.


Người dân Sudan vui mừng sau khi của Hội đồng quân sự chuyển tiếp tại Sudan (TMC) và Liên minh tự do và thay đổi (FFC) đạt thỏa thuận về tuyên bố Hiến pháp, tại Khartoum ngày 3/8/2019. (Ảnh: THX)

Ngày 4/8, Hội đồng Quân sự chuyển tiếp (TMC) hiện nắm quyền lãnh đạo tại Sudan và liên minh đối lập đứng đầu phong trào biểu tình ở nước này đã ký Tuyên bố Hiến pháp, mở đường cho một quá trình chuyển tiếp hứa hẹn chuyển sang chính quyền dân sự.

Tuyên bố trên được xây dựng dựa trên thỏa thuận then chốt về chia sẻ quyền lực hai bên đạt được ngày 17/7 vừa qua và hướng tới một hội đồng lãnh đạo hỗn hợp - bao gồm cả các đại diện quân sự và dân sự - giám sát việc thành lập một chính phủ dân sự và một quốc hội điều hành đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 3 năm.

Theo hãng tin AFP, Phó Chủ tịch TMC, Tướng Hamdan Daglo cùng đại diện Liên minh Tự do và Thay đổi (FFC) Ahmed Rabie đã ký Tuyên bố Hiến pháp trong một buổi lễ được tổ chức tại thủ đô Khartoum có sự tham dự của các nhà trung gian hòa giải thuộc Liên minh châu Phi (AU) và Ethiopia.

Theo thủ lĩnh biểu tình Monzer Abu al-Maali, dự kiến lễ ký kết chính thức có sự chứng kiến của các quan chức nước ngoài sẽ diễn ra ngày 17/8 tới.

Hai bên sẽ thông báo thành phần hội đồng lãnh đạo hỗn hợp chuyển tiếp mới vào ngày 18/8, sau đó thủ tướng sẽ được chỉ định vào ngày 20/8 và các thành viên nội các sẽ được công bố vào ngày 28/8.

TMC nắm quyền lãnh đạo tại Sudan kể từ khi Tổng thống Omar al-Bashir bị phế truất ngày 11/4 vừa qua sau 30 năm cầm quyền.

Sau nhiều tuần diễn ra làn sóng biểu tình do FFC phát động yêu cầu TMC chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự, Ethiopia và AU đã đứng ra làm trung gian hòa giải giữa hai bên.

Sau nhiều cuộc đàm phán khó khăn, hai bên đã đạt thỏa thuận về Tuyên bố Hiến pháp là cơ sở để xác định quyền hạn của các cơ quan, gồm hội đồng lãnh đạo hỗn hợp, hội đồng bộ trưởng và hội đồng lập pháp trong giai đoạn chuyển tiếp.

Văn kiện này cũng quy định lực lượng vũ trang Sudan và các lực lượng hỗ trợ nhanh nằm dưới quyền chỉ huy của quân đội - là một bộ phận của hội đồng lãnh đạo hỗn hợp, trong khi lực lượng cảnh sát và cơ quan tình báo sẽ chịu sự giám sát của cả hội đồng lãnh đạo hỗn hợp và hội đồng bộ trưởng.

Ngoài ra, tuyên bố cũng đề cập việc thành lập hội đồng lập pháp với 67% số ghế là thành viên của FFC, số ghế còn lại dành cho các đảng đối lập khác.

Đánh giá về thỏa thuận trên, Liên đoàn Arab (AL) bày tỏ tin tưởng rằng Tuyên bố Hiến pháp sẽ giúp mở ra một giai đoạn mới quan trọng và phù hợp với nguyện vọng của người dân Sudan về dân chủ và hoà bình toàn diện trên khắp đất nước.

AL cam kết sẽ hỗ trợ các bên liên quan tại Sudan để thúc đẩy hoà bình, dân chủ, ổn định và phát triển toàn diện.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from VIETNAMPLUS.

Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/hoi-dong-quan-su-va-phe-doi-lap-o-sudan-ky-tuyen-bo-hien-phap/587189.vnp