Một ngày tháng 3 năm 1974, khi những người nông dân ở làng Tây Dương, thị trấn Lệ Sơn, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc đang đào một cái giếng cách Đông Lăng (lăng mộ Tần Thủy Hoàng) 1,5 km về phía đông thì họ tìm thấy một số bức tượng gốm vỡ được làm từ đất sét và có kích thước như người thật. Sau quá trình thăm dò và khai quật thử nghiệm của Đội khảo cổ tỉnh Thiểm Tây, đội quân chiến binh và ngựa đất nung trong lăng Tần Thủy Hoàng nổi tiếng thế giới cuối cùng đã được tiết lộ.

 

Hàng ngàn chiến binh sống động, không ai giống ai trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Là di sản lịch sử, văn hóa của Trung Quốc, tượng chiến binh và ngựa đất nung đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi kể từ ngày được khai quật. Năm 1987, nó được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Thế giới. Kể từ đó, việc nghiên cứu về đội quân đất nung càng trở nên chuyên sâu hơn. Trước những chiến binh đất nung và ngựa có hình ảnh sống động đến mức kinh ngạc, người ta từng thắc mắc liệu những chiến binh đất nung này có phải do đắp trên chính người sống mà ra không?

Nhận định này không phải là không có cơ sở, bởi vì ở Trung Quốc thời xa xưa quả thực đã có tục bồi táng, tức hiến tế người sống chôn cùng người chết. Tập tục này về sau bị coi là tàn ác và man rợ. Những khám phá khảo cổ học hiện đại đã phát hiện rằng có không ít người đã bị hiến tế trong lăng mộ của các quý tộc thời nhà Thương. Trong lăng mộ hoàng gia được khai quật ở An Dương, hơn 5.000 người đã bị giết hoặc chết. Vậy sau khi thống nhất 6 vương quốc, liệu Tần Thủy Hoàng có áp dụng tập tục tang lễ tương tự cho mình? Trong suy nghĩ của nhiều người, Tần Thủy Hoàng vẫn luôn là một kẻ bạo chúa nên nghi vấn này càng có cơ sở.

Theo các chuyên gia khảo cổ học, có rất nhiều loại chiến binh đất nung và ngựa trong Lăng mộ Tần Thủy Hoàng, bao gồm chiến binh đất nung xe ngựa, chiến binh bắn súng đứng, chiến binh bắn súng quỳ, chiến binh kỵ binh,.. và mỗi loại lại được chia thành các cấp độ khác nhau. Các chiến binh và ngựa đất nung được chia thành hai loại chính: binh lính và tướng. Tướng quân sự được chia thành cấp thấp, cấp trung và cấp cao. Binh lính bình thường không đội vương miện như các quan và tướng. Từng chi tiết từ mũ, áo giáp đến trang bị vũ khí của mỗi người đều khác nhau. Đây là một hệ thống quân sự phức tạp và khổng lồ không khác gì trong thế giới thật.

Đội quân hùng hậu này cho thấy sự tài tình của người xưa

Trên thực tế, hầu hết các chiến binh và ngựa đất nung đều được tạo ra bằng phương pháp làm gốm và nung. Đầu tiên những người thợ thủ công sử dụng khuôn gốm để tạo phôi đầu tiên, sau đó phủ một lớp bùn mịn để gia công, chạm khắc và tạo màu. Các chiến binh và ngựa đất nung thời đó ban đầu có màu sắc tươi sáng, một số tượng gốm khi khai quật vẫn giữ được một số màu sắc nhưng nhanh chóng biến mất do bị oxy hóa trên mặt đất.

Sau khi một bức tượng gốm bị nứt một cách tự nhiên, các chuyên gia mới tìm hiểu được cách thức chi tiết từng chiến binh này được tạo ra. Hầu hết các bức tượng gốm đều được ghép từ nhiều phần khác nhau, thường chia thành thân tượng và đầu tượng chứ không phải do đúc từ một khuôn lớn hoàn chỉnh ngay từ đầu.

 

Các chiến binh được ghép từng phần vào với nhau

Những chiếc đầu của các chiến binh đất nung "nghìn người, nghìn mặt" không phải được làm từ khuôn có sẵn mà được các nghệ nhân trực tiếp nặn nên. Vì vậy, nên chúng mới có nét mặt, sắc thái sống động và độc đáo đến vậy.

Đối với truyền thuyết chiến binh đất nung được nặn hoặc lấy mẫu trực tiếp từ người sống, nhiều học giả đã lên tiếng phản bác. Ít nhất cũng không có chuyện họ là những người bị hiến tế chôn sống. Thời nhà Tần đã chính thức bãi bỏ tập tục hiến tế con người. Việc chôn cất với "bức tượng nhỏ" cũng được bắt đầu ở thời này. Nhiều bức tượng nhỏ bằng gốm và gỗ được chọn dùng thay thế việc chôn cất người sống. Các chiến binh và ngựa đất nung của thời nhà Tần là một ví dụ điển hình về việc chôn cất bằng tượng thay cho con người và chúng cũng là đỉnh cao của phong tục này.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Infiniti Property Corporation Vùng: Melbourne. Phone: 9086 3999
Xem thêm

Article sourced from KENH14.

Original source can be found here: https://kenh14.vn/doi-quan-dat-nung-mo-tan-thuy-hoang-duoc-tao-ra-the-nao-sau-khi-mot-buc-tuong-nut-vo-dap-an-moi-he-mo-20231029151441349.chn