Sự suy thoái của Facebook

20:00' 06-10-2021
Kho tài liệu nội bộ bị rò rỉ chứa đựng nhiều tín hiệu cho thấy chuỗi ngày huy hoàng nhất của Facebook đã trôi qua. Facebook đã suy yếu hơn so với những gì chúng ta vẫn biết.

 

Những ngày vừa qua, tờ Wall Street Journal của Mỹ đã xuất bản loạt bài viết nhận được sự quan tâm lớn, căn cứ vào tài liệu nghiên cứu nội bộ bị rò rỉ của Facebook. Người chia sẻ tài liệu này là Frances Haugen, cựu quản lý sản phẩm của Facebook.

Từ loạt bài này, người đọc có thể cho rằng đây là câu chuyện về quá trình một nền tảng quyền lực lấn lướt xã hội để đạt được lợi nhuận. Nhưng bên cạnh đó còn một cách hiểu khác: Facebook đang gặp rắc rối, Kevin Roose, nhà báo chuyên mục công nghệ của New York Times, viết ngày 4/10.

Đây không phải rắc rối pháp lý hay tài chính mà là sự sa sút chậm rãi, từ từ. Bất cứ ai từng có cơ hội chứng kiến một công ty đang sa sút đều có thể nhận ra điều ấy. Sự suy thoái của Facebook là nỗi sợ lơ lửng trên đầu một công ty đã đi qua những ngày thành công nhất.

Người bên ngoài chưa chắc đã nhận ra được sự suy thoái ấy, nhưng người trong cuộc có thể nhìn thấy cả trăm dấu hiệu nhỏ nhưng đáng ngại mỗi ngày, thể hiện qua những sự thay đổi liên tục, tâm lý hoang tưởng ở cấp điều hành, và sự ra đi dần của các nhân viên tài năng.

CEO của Facebook Mark Zuckerberg điều trần trước Quốc hội Mỹ vào năm 2018. Ảnh: AFP.

Mất dần ảnh hưởng với giới trẻ

Theo ông Roose, những tài liệu rò rỉ của Facebook hé lộ một công ty đang lo lắng về việc dần mất đi quyền lực và tầm ảnh hưởng. Nghiên cứu của chính Facebook cho thấy nhiều sản phẩm của ông lớn công nghệ này không còn phát triển một cách tự nhiên.

Song song với đó, công ty này tìm tới những phương pháp ngày càng cực đoan để cải thiện hình ảnh độc hại của mình, cũng như để ngăn người dùng rời bỏ Facebook và tìm kiếm ứng dụng khác.

Nghiên cứu nội bộ bị rò rỉ cho thấy Facebook đang tìm kiếm chiến lược tiếp cận trẻ em dưới 13 tuổi - nhóm tuổi được công ty này cho là “nhóm người dùng đáng giá nhưng chưa được khai thác”.

Trong một slide thuyết trình, các nhà nghiên cứu của Facebook thậm chí còn đặt câu hỏi làm sao để “tận dụng các buổi gặp gỡ chơi đùa của trẻ để thúc đẩy tăng trưởng trong nhóm trẻ em”.

Liệu một ứng dụng mạng xã hội đang trên đà đi lên có cần phải tận dụng các buổi chơi đùa của trẻ em hoặc xây dựng chiến lược tăng trưởng công phu nhắm vào những đứa trẻ mười mấy tuổi hay không, ông Roose đặt câu hỏi.

Facebook phải tạm dừng triển khai phiên bản Instagram dành cho trẻ em do bị chỉ trích. Ảnh: Reuters.

Trên thực tế, việc Facebook khát người dùng trẻ tuổi phần nhiều không phải vì công ty này muốn thống trị thị trường mới mà là vì không muốn trở nên lỗi thời.

Trong nhiều năm qua, mức độ sử dụng Facebook của nhóm thiếu niên ở Mỹ ngày càng giảm và sẽ còn sớm tụt dốc hơn nữa. Các nhà nghiên cứu nội bộ dự đoán rằng tới năm 2023, mức độ sử dụng Facebook mỗi ngày sẽ giảm 45%.

Các nhà nghiên cứu cũng tiết lộ rằng Instagram, một ứng dụng khác thuộc sở hữu của Facebook, đang mất dần thị phần vào tay những đối thủ có mức tăng trưởng nhanh hơn như TikTok. Người dùng trẻ trên Instagram cũng không còn đăng tải nhiều nội dung như trước.

“Facebook là thứ dành cho người già”, một cậu bé 11 tuổi nói với nhóm nghiên cứu của Facebook, theo tài liệu nội bộ.

Hai vấn đề của Facebook

Facebook có hai vấn đề chủ yếu. Họ vừa có quá nhiều người dùng nhưng cũng có quá ít bộ phận người dùng mà công ty này mong muốn, cụ thể là thanh thiếu niên người Mỹ - những người thường kiến tạo văn hóa, tạo dựng xu hướng và được các nhà quảng cáo săn đón.

Một ví dụ cho vấn đề đầu tiên là việc Facebook không ngăn chặn được hành vi tội phạm ở các quốc gia đang phát triển. Vấn đề này càng trầm trọng hơn vì Facebook có thói quen mở rộng thị trường đến các nước mà công ty này có ít nhân sự và không thạo tình hình địa phương.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị Facebook cấm khỏi nền tảng mạng xã hội này ít nhất cho tới năm 2023. Ảnh: Reuters.

Theo ông Roose, với đủ nguồn lực và sự tập trung, vấn đề đầu tiên có thể được khắc phục hoặc cải thiện. Nhưng chính loại vấn đề thứ hai - việc mất đi hàng loạt người tạo dựng xu hướng - sẽ khiến nền tảng sụp đổ. Và đây dường như cũng là vấn đề khiến giám đốc điều hành Facebook lo ngại nhất.

Một ví dụ cho vấn đề thứ hai là việc Facebook thay đổi thuật toán của News Feed trong năm 2018.

Tại thời điểm ấy, quyết định thay đổi thuật toán được mô tả như một nỗ lực cao thượng nhằm đưa đến những cuộc trao đổi lành mạnh hơn. Nhưng theo báo cáo nội bộ, đây thực tế là nỗ lực nhằm làm tăng tương tác người dùng trong bối cảnh lượt like, chia sẻ và bình luận trên nền tảng đang giảm.

Các giám đốc điều hành Facebook đã cố đảo ngược xu hướng trên bằng cách điều chỉnh thuật toán của News Feed để thúc đẩy những nội dung có nhiều bình luận và phản ứng. Nhưng điều này cũng giúp những “nội dung khiến nhiều người tức giận” lên ngôi.

Sa sút nhưng vẫn cần được điều chỉnh

Còn quá sớm để tuyên bố Facebook đã chết, theo ông Roose. Giá cổ phiếu công ty này đã tăng gần 30% trong năm qua. Facebook vẫn đang tăng trưởng bên ngoài nước Mỹ và có thể thành công ở những nước khác dù thất bại trong nước.

Facebook cũng đầu tư nhiều vào những sáng kiến mới, như các sản phẩm thực tế ảo. Nếu thành công, những sản phẩm này có thể giúp gió đổi chiều.

Antigone Davis, giám đốc phụ trách an toàn toàn cầu của Facebook, trả lời điều trần trước Thượng viện Mỹ vào ngày 30/9 về thiết kế gây nghiện của nền tảng này. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, những nghiên cứu của Facebook khắc họa rõ ràng một câu chuyện không mấy vui vẻ: Nhóm người dùng thanh thiếu niên của Facebook đang lũ lượt chuyển sang Snapchat và TikTok, trong khi nhóm người lớn tuổi tranh cãi về chính trị và đăng ảnh chế chống đối vaccine.

Một số sản phẩm của Facebook đang bị thu hẹp, trong khi những sản phẩm khác chỉ khiến người dùng bực bội hoặc tự ti.

Việc Facebook dần mất đi chỗ đứng trong mắt thanh thiếu niên chưa chắc là điều lạc quan. Lịch sử đã cho thấy rằng các công ty công nghệ vẫn có thể gây ra nhiều thiệt hại trên đường suy thoái.

Chẳng hạn, khi số người dùng dần ít đi, mạng xã hội MySpace ngày càng trở nên tồi tàn và có nhiều nội dung rác. Cuối cùng, MySpace bán dữ liệu người dùng cho các hãng quảng cáo.

Những năm tiếp theo của Facebook có thể sẽ còn xấu xí hơn vài năm trước, đặc biệt là nếu sau vụ rò rỉ lần này, Facebook thu hẹp công tác nghiên cứu nội bộ và đảm bảo tiêu chuẩn.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là Facebook không còn quyền lực và không nên chịu sự điều chỉnh của pháp luật, theo ông Roose. Facebook có thể đang sa sút nhưng nó cũng vẫn có thể là một trong những công ty có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử, với khả năng định hình chính trị và văn hóa toàn cầu.

Dù vậy, ông Roose cho rằng chúng ta không nên nhầm lẫn những cú vung tay tuyệt vọng của một nền tảng là màn phô diễn sức mạnh. Ngay cả quái vật Godzilla hùng mạnh cuối cùng vẫn chết, và Facebook cũng vậy.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Shou Sumiyaki Vùng: Melbourne. Phone: 9663 0801
Xem thêm

ẩm thực đặc sắc của Nhật Bản, thịt bò wagyu thượng hạng


Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: https://news.zing.vn/nhung-ngay-tuoi-dep-nhat-cua-facebook-da-het-post1268599.html