Sự kiện 11/9 và ý tưởng cho hàng loạt phim hành động Mỹ

23:00' 11-09-2020
Vụ khủng bố diễn ra ngày 11/9/2001 luôn là ký ức đau thương của người Mỹ. Những bộ phim khai thác đề tài này thường hướng tới ngợi ca sự mạnh mẽ, xoa dịu nỗi đau của các nhân vật.

Fahrenheit 9/11 (2004): Michael Moore là đạo diễn tài năng ở thể loại phim tài liệu. Năm 2004, ông sản xuất dự án Fahrenheit 9/11, xoay quanh cuộc chiến chống khủng bố dưới thời cựu tổng thống Mỹ G. Bush. Phim đề cập nhiều mốc sự kiện của xứ sở cờ hoa thời bấy giờ, khởi đầu bằng việc ông Bush đắc cử, đến sự kiện khủng bố ngày 11/9, rồi tới cuộc chiến Afghanistan và Iraq. Bằng cách kể chuyện cuốn hút, cung cấp bằng chứng và góc nhìn mới, Fahrenheit 9/11 đã dành chiến thắng ngôi vị cao nhất tại LHP Cannes năm 2004.

Trong Fahrenheit 9/11, Michael Moore trình chiếu những thước phim tài liệu cho thấy thái độ của cựu tổng thống Mỹ khi biết tin chiếc máy bay thứ hai lao vào toà tháp đôi. Lúc này, ông Bush đang tham dự một buổi đọc sách cho học sinh. Trên Rotten Tomatoes, tác phẩm của vị đạo diễn nhận điểm trung bình 82% từ hơn 230 nhà chuyên môn. Ảnh: Offscreen.

United 93 (2006): United 93 được đạo diễn và biên kịch bởi Paul Greengrass. Đây là bộ phim điện ảnh đầu tiên tái hiện sự kiện khủng bố ngày 11/9. Tác phẩm của Greengrass lựa chọn khai thác diễn biến thực tế trên chuyến bay 93 của hãng hàng không United Airlines. Máy bay bị bốn tên không tặc kiểm soát buồng lái, điều hướng để tấn công cảm tử vào New York. Theo bằng chứng thu được từ hiện trường, cảnh sát kết luận phi hành đoàn cùng hành khách đã cố gắng kháng cự. Sau đó, nhóm khủng bố trả đũa bằng việc cho máy bay đâm thẳng xuống Shanksville. Ảnh: Collider.

United 93 phát hành năm 2004 và trở thành tâm điểm tranh cãi của dư luận Mỹ. Ông Jan Snyder, người thân nạn nhân trên chuyến bay, bày tỏ: “Chúng tôi vẫn bị ám ảnh bởi hình ảnh bi thảm đó. Đã đến lúc mọi người phải nhớ lại, phải biết những gì mà người nhà các nạn nhân trải qua”. Nhiều người xem bày tỏ sự xúc động khi United 93 mang tới thông điệp nhân văn, ca ngợi lòng dũng cảm và tình yêu đất nước của người Mỹ. Ảnh: Collider.

Ngược lại, một bộ phận khán giả cho rằng sự kiện để lại hậu quả quá nặng nề, không cần phải đưa những thương vong như thế lên màn ảnh. Được biết, nhà làm phim Paul Greengrass đã gặp gỡ người nhà nạn nhân ngoài đời để có những tư liệu chân thật. Ngoài ra, ông cũng chiêu mộ các diễn viên kém danh tiếng để tăng tính "đời" cho United 93. Trên Rotten Tomatoes, phim nhận điểm 90% từ hơn 200 nhà phê bình phim. Ảnh: Collider.

World Trade Center (2006): World Trade Center theo chân hai cảnh sát - Will Jimeno (Michael Pena đóng) và John McLoughlin (Nicolas Cages đóng). Ngày xảy ra vụ khủng bố, họ đã có mặt tại tòa tháp phía nam của của khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới (New York) để giải cứu những người mắc kẹt bên trong. Đạo diễn Oliver Stone là người "cầm trịch" dự án. Ngoài những diễn viên có tiếng, nhà làm phim còn chiêu mộ cảnh sát và lính cứu hỏa, để họ tự sáng tác thoại. Ảnh: Culture.

Cựu thị trưởng New York - ông Rudy Giuliani - nhận định: “World Trade Center là tác phẩm tuyệt vời. Chúng ta cần phải biết chuyện gì đã xảy ra trong ngày 11/9. Đó là ngày kinh hoàng nhất trong lịch sử thành phố này". Tác phẩm của đạo diễn Oliver Stone nhận được số điểm khiêm tốn (67%) trên Rotten Tomatoes. Tuy nhiên, trên CinemaScore, khán giả lại ưu ái dành tặng phim điểm A-. Ảnh: Letterboxd.

Reign Over Me (2007): Trong Reign Over Me, Adam Sandler hóa thân Charlie Fireman. Fireman từng có cuộc sống hạnh phúc cho tới khi sự kiện khủng bố 11/9 xảy ra và cướp đi mạng sống của vợ, con anh. Từ đây, Fireman sống bất cần và không dám đối mặt thực tại. Anh luôn đeo tai nghe để tránh nghe thấy những lời đàm tiếu hay thông tin liên quan tới vụ việc. Cao trào xảy đến khi Fireman gặp lại bác sĩ nha khoa Alan Johnson (Don Cheadle) - người bạn cùng phòng với anh thời sinh viên. Ảnh: Cinemablend.

Bộ phim không thành công về mặt thương mại khi chỉ thu về 22 triệu USD từ phòng vé toàn cầu, trong khi vốn đầu tư là 20 triệu USD. Tuy nhiên, tác phẩm của đạo diễn Mike Bender vẫn được khán giả chấm điểm A- trên CinemaScore. Charlie Fireman cũng là vai diễn giúp Adam Sandler xây dựng hình ảnh chính kịch, khác biệt trong sự nghiệp. Ảnh: Mercury News.

Remember Me (2010): Remember Me không trực tiếp khai thác vụ khủng bố kinh hoàng mà lấy sự kiện như yếu tố ngoại cảnh, mang đến cho người xem bài học về tình yêu và tình cảm gia đình. Phim xoay Tyler Hawkins (Robert Pattinson đóng) - chàng trai 21 tuổi ôm trong lòng nỗi buồn day dứt sau khi anh trai tự tử, bố mẹ ly hôn. Anh gặp gỡ và đem lòng yêu Ally (Emilie de Ravin). Vào ngày Hawkins nhận ra tình yêu thương bao la từ người bố, anh đã tìm tới nơi ông làm việc và trở thành nạn nhân của sự kiện 11/9. Ảnh: Roger Ebert.

Remember Me không tạo được nhiều tiếng vang dù quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng như Robert Pattinson, Emilie de Ravin, Chris Cooper, Lena Olin và Pierce Brosnan. Trên CinemaScore, tác phẩm của đạo diễn Allen Coulter chỉ đạt điểm B. Nguyên nhân là mạch phim chậm, lê thê trong khi nhiều cảm xúc lại không được đẩy lên cao trào. Ảnh: Roger Ebert.

 

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Hội chợ Tết?

Hội Chợ Tết St Albans Vùng: St Albans. Phone: 0425 741 498
Xem thêm

Hội chợ Tết St Albans 2024


Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: http://news.zing.vn/su-kien-119-tren-phim-my-post1130000.html