Sử dụng đạn chùm, một giải pháp 'bất đắc dĩ' của Ukraine
Quân đội Ukraine tuần qua khai hỏa đạn chùm mà Mỹ cung cấp, nhằm tấn công bộ binh Nga ẩn nấp trong hầm hào. Một quan chức Ukraine thừa nhận đạn chùm được sử dụng như một biện pháp để chọc thủng phòng tuyến kiên cố của Nga.
Đây được coi giải pháp "bất đắc dĩ" của Ukraine, khi chiến dịch phản công của họ từ đầu tháng 6 tới nay tiến triển vô cùng chậm chạp do tuyến phòng thủ quá vững chắc của Nga. Các lữ đoàn Ukraine trang bị xe tăng, xe bọc thép phương Tây đã không thể áp sát chiến hào Nga do vấp phải bãi mìn dày đặc cùng hỏa lực pháo binh, tên lửa tầm xa.
Đạn chùm khi phát nổ sẽ rải hàng trăm, hàng nghìn đạn con trên khu vực rộng lớn, đôi khi bằng sân bóng đá. Những quả đạn con này có thể rơi xuống mọi ngóc ngách trong hầm hào, công sự, tiêu diệt bộ binh ẩn nấp trong đó, điều mà các loại hỏa lực pháo binh khó có thể làm được.
Lính Mỹ vác một quả đạn chùm DPICM cỡ 155 mm trong đợt diễn tập ở Hàn Quốc năm 2016. Ảnh: US Army
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong nhiều tháng qua đã cân nhắc có nên gửi đạn chùm cho Ukraine hay không. Quyết định chuyển giao được đưa ra vào đầu tháng này, khi Ukraine đối mặt tình trạng thiếu nghiêm trọng các loại đạn pháo cỡ lớn, trong khi kho dự trữ của Mỹ và các đồng minh NATO cũng cạn kiệt.
Dù thiếu đạn pháo, kho vũ khí của Mỹ lại rất dồi dào đạn chùm, vốn được họ tích trữ với số lượng lớn trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh để chống lại các đội hình xe tăng hoặc bộ binh lớn.
Số đạn chùm này nằm yên trong kho suốt nhiều năm, trong bối cảnh 123 quốc gia, trong đó có phần lớn thành viên NATO, ký công ước do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn về cấm sử dụng, sản xuất, tích trữ và chuyển giao chúng. Tuy nhiên, Mỹ, Nga và Ukraine không tham gia công ước về cấm đạn chùm.
Theo các chuyên gia quân sự, chuyển giao đạn chùm cho Ukraine là giải pháp phù hợp về mặt quân sự với Mỹ, bởi nó có thể giải quyết vấn đề thiếu đạn dược của Kiev trong ngắn hạn, đồng thời xử lý lượng bom đạn tồn kho của Mỹ.
Đạn chùm được gửi tới Ukraine là loại có thể khai hỏa từ lựu pháo mà những nước phương Tây đã cung cấp cho Kiev năm ngoái, giúp giảm bớt rất nhiều thách thức về mặt hậu cần, đồng thời rút ngắn quá trình đưa chúng ra chiến trường.
Chính phủ Ukraine là bên đã yêu cầu Mỹ chuyển giao đạn chùm. Khi chiến sự kéo dài khiến kho vũ khí bị hút cạn, họ không có nhiều lựa chọn và sẵn sàng sử dụng bất cứ loại đạn dược nào mà đồng minh cung cấp để giành lợi thế trên chiến trường.
Phương Tây đang nỗ lực tăng sản lượng đạn pháo và các loại đạn cần thiết khác, nhưng không thể đáp ứng nhu cầu của Ukraine trong thời gian ngắn. Trong quá trình chờ đợi, đạn chùm là biện pháp khả thi nhất giúp Kiev duy trì đà tiến công và gây sức ép với phòng tuyến Nga, theo giới quan sát.
Tuy nhiên, quyết định của Mỹ đã vấp chỉ trích gay gắt từ nhiều đồng minh và chính phủ châu Âu, các nhóm nhân quyền cũng như một số thành viên đảng Dân chủ. Hồi tháng 6, liên minh 38 tổ chức, trong đó có Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và văn phòng UNICEF ở Mỹ, đã gửi thư tới Nhà Trắng kêu gọi Tổng thống Biden không chuyển giao đạn chùm cho Ukraine.
"Đạn chùm là một trong những vũ khí gây tổn hại lớn nhất với dân thường, vì chúng được thiết kế để phân tán trên một khu vực rộng lớn, nhiều quả đạn con không phát nổ ngay lập tức. Chúng sẽ trở thành hiểm họa trên mặt đất, đe dọa gây thương vong cho người dân, đặc biệt là trẻ em, sau nhiều năm xung đột kết thúc", thư của liên minh có đoạn.
Quốc hội Mỹ đã thông qua luật cấm chuyển giao các loại đạn chùm có tỷ lệ đạn con không nổ trên 1%. Tuy nhiên, ông Biden có thể sử dụng quyền lực hành pháp của mình để miễn trừ cho lô đạn chùm chuyển giao tới Ukraine với lý do an ninh quốc gia đặc biệt.
Các lô đạn chùm mà Mỹ đang chuyển cho Ukraine có tỷ lệ đạn con không nổ khoảng 2,35%, trong khi một số chuyên gia lo ngại tỷ lệ này có thể cao hơn nhiều.
Giới chỉ trích cho rằng quyết định cung cấp đạn chùm cho Ukraine của ông Biden đã làm suy yếu cam kết về trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
"Các quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế trên thế giới ngày càng phản đối sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc gây rủi ro nghiêm trọng kéo dài với những người không tham chiến. Đạn chùm rõ ràng thuộc diện thứ hai", bài bình luận trên NY Times có đoạn.
Đạn chùm mà Ukraine sử dụng cũng có nguy cơ khiến chiến sự leo thang lên mức độ nguy hiểm mới. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/7 cho biết Moskva sở hữu đủ đạn chùm để "ăn miếng trả miếng" với Kiev.
Ukraine và Tổ chức Giám sát Nhân quyền từng cáo buộc Nga đã khai hỏa đạn chùm trên chiến trường. Tuy nhiên, lãnh đạo Nga khẳng định nước này chưa sử dụng đạn chùm trong xung đột ở Ukraine, dù có lúc rơi vào tình trạng thiếu hụt đạn dược.
Mỹ từng có quá khứ đáng buồn khi sử dụng loại vũ khí này, theo Ishaan Tharoor, nhà phân tích của Washington Post. Chúng đã được sử dụng trong chiến dịch ném bom do Mỹ dẫn đầu ở Iraq và Serbia và hậu quả do đạn chùm chưa nổ để lại vẫn kéo dài nhiều năm sau.
"Đạn chùm có thể mang lại cho Kiev lợi thế chiến trường tạm thời. Nhưng khi chiến tranh qua đi, mối đe dọa chết người từ loại vũ khí này sẽ còn tồn tại trên lãnh thổ Ukraine trong nhiều năm tới", Michael Bociurkiw, nhà phân tích ở Odessa, nói.
Ukraine vốn đã trở thành quốc gia bị cài mìn nhiều nhất thế giới. Theo tổ chức nghiên cứu GLOBSEC có trụ sở tại Slovakia, 173.529 km2 đất đai Ukraine đã bị ô nhiễm bom mìn, đòi hỏi 500 nhóm rà phá làm việc liên tục trong 757 năm để xử lý chúng, với kinh phí hàng tỷ USD. Việc sử dụng đạn chùm chỉ khiến vấn đề thêm trầm trọng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định Ukraine sẽ "ghi lại những nơi đã sử dụng đạn chùm và ưu tiên rà phá bom mìn ở đó", nhằm trấn an những lo ngại về hậu quả của đạn chùm sau chiến tranh. Tuy nhiên, lời đảm bảo này không làm những người chỉ trích yên tâm, bởi hoạt động rà phá bom mìn khi chiến sự vẫn tiếp diễn là bất khả thi.
Cách thức hoạt động của đạn chùm.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên về việc sử dụng đạn chùm, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan phản bác ý kiến cho rằng quyết định của Mỹ đã làm tổn hại đến cam kết "đạo đức" của chính quyền ông Biden trong nỗ lực đối phó với cuộc chiến của Nga.
"Thẩm quyền đạo đức của chúng tôi và Ukraine trong cuộc xung đột này xuất phát từ thực tế Mỹ đang hỗ trợ quốc gia bị tấn công, khi tên lửa và bom đang dội xuống các thành phố, khiến dân thường thiệt mạng và phá hủy trường học, nhà thờ, bệnh viện. Chúng tôi không cho rằng cung cấp vũ khí cho Ukraine để họ có thể bảo vệ quê hương, người dân là thách thức về mặt đạo đức với chúng tôi", ông Sullivan nói.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/the-kho-cua-my-khi-gui-dan-chum-cho-ukraine-4633520.html