Singapore thu viện phí bệnh nhân COVID-19 lựa chọn không tiêm phòng

20:00' 09-11-2021
Tới nay, đã có 85% trong tổng số 5,45 triệu dân Singapore được tiêm chủng hai mũi vaccine ngừa COVID-19 và 18% dân số đã tiêm mũi bổ sung.

Người dân thưởng thức đồ uống bên ngoài một nhà hàng ở Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21 giờ ngày 8/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 250.750.780 ca mắc COVID-19, trong đó 5.067.615 ca tử vong, 226.979.255 người đã hồi phục.

Pháp siết chặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở trường học

Từ ngày 8/11, học sinh ở nhiều tỉnh của Pháp sẽ bắt buộc phải đeo khẩu trang trong lớp học khi mà số ca mắc mới COVID-19 gia tăng ở nước này.

Cụ thể, học sinh các trường tiểu học tại 40/101 tỉnh của Pháp - trong đó có các vùng phụ cận thủ đô Paris và thành phố Marseille ở miền Nam, sẽ phải đeo khẩu trang trong lớp sau chưa đầy một tháng được dỡ bỏ quy định này. Học sinh khối trung học cơ sở vẫn bắt buộc phải tuân thủ quy định đeo khẩu trang.

Phát biểu trên đài France Info, Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer cho rằng quy định bắt buộc đeo khẩu trang nói trên là "cần thiết."

Theo quy định phòng dịch COVID-19 của Chính phủ Pháp, học sinh tiểu học sẽ phải đeo khẩu trang trong lớp khi tỷ lệ lây nhiễm ở mức 50 ca/100.000 dân trong 5 ngày liên tiếp.

Dự kiến, ngày 9/11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có bài phát biểu đầu tiên trước người dân cả nước kể từ ngày 12/7 về cuộc khủng hoảng dịch COVID-19. Một trong những vấn đề mà nhà lãnh đạo Pháp sẽ đề cập là chiến dịch tiêm vaccine mũi tăng cường cho người trên 65 tuổi và người có bệnh lý nền.

Trung Quốc khuyến cáo tăng cường chăm sóc sức khỏe trẻ dưới 3 tuổi

Cùng ngày 8/11, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) đã kêu gọi các cơ sở giáo dục mầm non cho trẻ dưới 3 tuổi tăng cường các biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 trong mùa Đông.

Trong một thông cáo báo chí, NHC cho rằng hầu hết trẻ em có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn do thường xuyên ở trong không gian kín vào mùa Đông. Do đó, các nhà trẻ trên toàn quốc cần siết chặt quản lý nhân viên, theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ em, đảm bảo thông gió và vệ sinh đồng thời tăng cường theo dõi các bệnh truyền nhiễm khác như cúm.

Theo cơ quan trên, các sở y tế địa phương sẽ tiến hành thanh tra hoạt động của các nhà trẻ và những cơ sở không thực hiện các biện pháp kiểm soát hiệu quả sẽ phải đối mặt với các mức phạt và buộc phải chấn chỉnh lại hoạt động.

Thái Lan vượt mốc tiêm 80 triệu liều vaccine

Số liều vaccine ngừa COVID-19 được tiêm tại Thái Lan đã vượt mốc 80 triệu, với 65,4% dân số được tiêm ít nhất một mũi, trong khi số ca mắc mới tiếp tục chiều hướng giảm.

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkonghchana ngày 8/11 cho biết Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã bày tỏ hài lòng với tiến độ tiêm chủng. Bên cạnh đó, tình hình dịch COVID-19 hiện nay tiếp tục có những dấu hiệu cải thiện.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại tỉnh Samutprakran, Thái Lan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thông tin mới nhất trên trang web Bloomberg tính đến 8/11 cho thấy Thái Lan đứng thứ 18 trên thế giới và thứ ba trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về tỷ lệ tiêm chủng, trong khi các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trên thế giới hiện nay là Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Brazil và Indonesia.

Dữ liệu y tế vào ngày 8/11 cho thấy 80.484.427 liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng ở Thái Lan, tiêm cho khoảng 65,4% dân số.

Bloomberg dự đoán nếu Thái Lan tiếp tục duy trì tốc độ tiêm chủng hiện tại là khoảng 600.000-800.000 liều/ngày thì trong vòng một tháng, hơn 75% dân số sẽ được tiêm mũi đầu tiên và điều này phù hợp với việc đất nước mở cửa trở lại theo chính sách "nhập cảnh thông minh."

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan cho biết Thủ tướng Prayut cũng đã ra lệnh cho Bộ Y tế xúc tiến các cuộc đàm phán để mua các loại thuốc điều trị COVID-19 là Paxlovid của hãng Pfizer và Molnupiravir do Merck sản xuất. Việc tăng tốc mua các loại thuốc này là để giảm tỷ lệ nhập viện và giảm tử vong ở những bệnh nhân có nguy cơ cao càng nhanh càng tốt.

Về tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế Thái Lan sáng 8/11 thông báo có thêm 7.592 ca mới cùng 39 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên 1.975.591 ca, trong đó có 19.703 người không qua khỏi.

Theo người phát ngôn Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 (CCSA) Apisamai Srirangson, số ca mắc mới, bệnh nhân nặng và các trường hợp tử vong mới đang có xu hướng giảm, nhờ các biện pháp kiểm soát chặt chẽ của chính phủ và sự hợp tác từ các doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, CCSA cũng lo ngại về các ổ dịch mới tại một số tỉnh.

Sau khi áp dụng thí điểm các mô hình “hộp cát” tại hai hòn đảo du lịch hàng đầu của đất nước là Phuket và Samui từ tháng Bảy vừa qua, nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch của Thái Lan đang dần mở cửa đón khách quốc tế bằng cách miễn cách ly cho những người đã được tiêm phòng vaccine đầy đủ từ 63 quốc gia và vùng lãnh thổ có nguy cơ thấp.

Theo Cục Kiểm soát dịch bệnh (DDC), kể từ khi Thái Lan mở cửa trở lại 17 tỉnh cho du khách nước ngoài đã được tiêm chủng đầy đủ, từ ngày 1/11 đến ngày 6/11 đã có tổng cộng 20.092 khách du lịch nhập cảnh nước này.

Cho đến nay, 15 du khách nước ngoài có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 khi đến nơi, chiếm 0,07% tổng số du khách.

DDC cũng ghi nhận rằng nước có số lượng khách du lịch đến Thái Lan nhiều nhất kể từ khi mở cửa vào ngày 1/11 là Mỹ (2.465 du khách), tiếp theo là Đức (2.334), Anh (1.376), Nhật Bản (1.258), Hàn Quốc (906 ), Nga (905), Thụy Sĩ (838), Thụy Điển (724), Pháp (695) và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (542).

Indonesia cần 58,7 triệu liều vaccine để tiêm phòng COIVD-19 cho trẻ em

Ngày 8/11, Bộ Y tế Indonesia cho biết quốc gia này cần thêm 58,7 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 để tiêm phòng cho trẻ em từ 6-11 tuổi.

Phát biểu tại phiên điều trần trước Hạ viện, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho hay với 26,4 triệu trẻ em từ 6-11 tuổi, Indonesia sẽ cần thêm 58,7 triệu liều vaccine.

Theo Bộ trưởng Budi, hiện vaccine Sinovac, Sinopharm và Pfizer đã nhận được giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA). Liều dùng Sinovac và Sinopharm đối với trẻ em giống với người lớn, trong khi liều dùng Pfizer được giảm xuống mức microgam.

Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tại tỉnh Aceh, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Budi nhấn mạnh, mục tiêu bao phủ vaccine ở trẻ em đã đạt được 50% ở một số nước, đồng thời cho biết thêm rằng nguy cơ mắc COVID-19 ở nhóm người cao tuổi cao hơn nhóm trẻ em.

Cụ thể, nguy cơ nhiễm bệnh ở hóm người cao tuổi là 12%, trong khi tỷ lệ này chỉ ở mức dưới 1%, thậm chí 0,05% ở nhóm trẻ em. Nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở nhóm người này cũng cao hơn 20-30 lần so với trẻ em.

Theo Bộ trưởng Budi, chi phí mua vaccine ngùa COVID-19 cho trẻ em đã được đưa vào ngân sách nhà nước năm 2022, cùng với chi phí mua vaccine tiêm tăng cường..

Singapore thu viện phí với bệnh nhân COVID-19 lựa chọn không tiêm phòng

Bộ Y tế Singapore ngày 8/11 cho biết bắt đầu từ ngày 8/12 tới, tất cả những người đã lựa chọn không tiêm vaccine ngừa COVID-19 dù đủ điều kiện sức khỏe nếu bị nhiễm SARS-CoV-2 và nhập viện sẽ phải tự thanh toán toàn bộ chi phí điều trị.

Chính phủ nước này đang hỗ trợ thanh toán hóa đơn điều trị COVID-19 cho tất cả người dân, thường trú nhân (PR), những người có thẻ thường trú dài hạn và những người Singapore có kết quả xét nghiệm dương tính ngay sau khi ở nước ngoài trở về.

Bộ Y tế Singapore cho biết hiện những người không được tiêm chủng chiếm phần lớn trong số các ca mắc COVID-19 chuyển nặng cần phải điều trị tích cực (ICU), làm gia tăng sức ép cho hệ thống y tế. Vì thế, bộ này sẽ áp dụng quy tắc mới đối với những người kiên quyết nói “không” với vaccine ngừa COVID-19.

Những người không đủ điều kiện tiêm chủng, bao gồm cả trẻ em dưới 12 tuổi hoặc bệnh nhân không đủ điều kiện sức khỏe để tiêm chủng ngừa COVID-19 vẫn sẽ được chính phủ thanh toán đầy đủ hóa đơn điều trị nếu mắc COVID-19.

Chính sách hỗ trợ hiện tại của Singapore sẽ thực hiện hết năm nay. Kể từ 1/1/2022, chỉ có người dân Singapore, thường trú nhân, người có thẻ cư trú dài hạn đã tiêm đầy đủ vaccine và gần đây không đi du lịch tới nước khác sẽ được chính phủ chi trả chi phí điều trị khi mắc COVID-19.

Tới nay, đã có 85% trong tổng số 5,45 triệu dân Singapore được tiêm chủng hai mũi vaccine ngừa COVID-19 và 18% dân số đã tiêm mũi bổ sung.

Singapore đang đánh giá về vaccine Pfizer BioNTech cho trẻ em từ 5-12 tuổi và dự kiến sẽ đưa ra quyết định trong tháng 11 này. Trong tổng số 218.333 ca mắc COVID-19 cho tới nay,

Singapore ghi nhận có khoảng 8.000 ca là trẻ em dưới 12 tuổi, trong đó có 5 ca chuyển nặng./.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Natalie Suleyman MPParliament of Victoria Vùng: Keilor Downs. Phone: (03) 9367 9925
Xem thêm

Article sourced from VIETNAMPLUS.

Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/toan-the-gioi-ghi-nhan-tren-2507-trieu-ca-mac-covid19/752818.vnp