Singapore, một lần nữa là hình mẫu chống dịch Covid-19
Từ khi Covid-19 quét qua toàn cầu trong năm nay, các thành phố từ châu Á cho đến châu Âu và Mỹ mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn. Khi ca nhiễm tăng lên, họ phong tỏa. Khi ca nhiễm giảm, họ nới lỏng các biện pháp. Sau đó, ca nhiễm tăng trở lại và họ phải phong tỏa một lần nữa. Mỗi khi một quốc gia nghĩ rằng họ đã đánh bại được Covid-19, họ cần phải suy nghĩ lại.
Trong khi Đức, Pháp và Anh vừa áp đặt phong tỏa lần hai thì Hong Kong đã đóng cửa trường học và công sở lần ba trong năm nay khi thành phố bước vào sóng lây nhiễm thứ tư. Ngay cả ở Trung Quốc, nơi virus gần như đã được kiểm soát, vẫn có một số đợt bùng phát nhỏ, như ổ dịch giữa các nhân viên vận chuyển hàng hóa sân bay ở Thượng Hải vào tháng 11.
Nhưng có một thành phố lớn dường như đã kiểm soát thành công virus chỉ với một lần phong tỏa: Singapore.
Nhân viên y tế xét nghiệm lao động nhập cư tại Singapore ngày 28/4. Ảnh: Reuters.
Ở thành phố 5,7 triệu dân, cuộc sống đã trở lại "bình thường mới", theo cách nói của các chính trị gia. Các nhà hàng và trung tâm thương mại lại chật kín người, quán rượu và phòng gym lại đông khách.
Điểm khác biệt duy nhất so với thời kỳ trước Covid-19 là mọi người giờ đeo khẩu trang, không uống rượu sau 22h30, hộp đêm và quán karaoke vẫn đóng cửa, tụ tập theo nhóm bị giới hạn ở mức 5 người trở xuống. Singapore sẽ nới lỏng hạn chế vào ngày 28/12, cho phép tụ tập nhóm lên đến 8 người.
Cảnh tượng này hoàn toàn trái ngược với tháng 4 và tháng 5, khi Singapore trải qua đợt phong tỏa một phần nghiêm ngặt được gọi là "ngắt cầu dao" - trường học và công sở đóng cửa, nhà hàng chỉ được phép bán đồ mang đi và việc đến thăm nhà bạn bè, người thân là bất hợp pháp.
Khi đó, cư dân chỉ được phép ra ngoài để tập thể dục (một mình hoặc với các thành viên trong cùng một hộ gia đình) hoặc đi siêu thị (chỉ một thành viên trong hộ gia đình).
"Ngắt cầu dao' 8 tuần là cách Singapore phản ứng với sự gia tăng đột ngột ca nhiễm khi những người Singapore học tập và làm việc ở nước ngoài trở về ồ ạt vào cuối tháng hai và tháng ba, mang theo virus.
Hồi tháng ba, số ca Covid-19 của Singapore đã tăng gấp 10 lần lên 1.000. Vào tháng 4, con số tiếp tục tăng mạnh khi virus quét qua các ký túc xá, nơi ở của 323.000 lao động nhập cư lương thấp. Vào ngày tồi tệ nhất, nước này ghi nhận 1.426 ca nhiễm trong 24 giờ.
Đợt lây nhiễm làm ảnh hưởng đến danh tiếng của Singapore, nơi cho đến lúc đó được ca ngợi là bài học chống dịch thành công. Truyền thông sau đó đưa tin về thành phố như một câu chuyện cảnh báo, thay vì ca tụng.
Jeremy Lim, phó giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), gọi việc không chú ý đầy đủ đến ký túc xá của lao động nhập cư là "sai lầm lớn nhất" của Singapore.
Tuy nhiên, khi đến tháng 12, Singapore đã kiềm chế virus thành công đến mức có thể tổ chức các hội nghị với 250 khách và sẽ sớm cho phép tổ chức các sự kiện giải trí đại chúng như biểu diễn âm nhạc và thí điểm mở hộp đêm.
Không chỉ vậy, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã quyết định tổ chức Hội nghị Thường niên Đặc biệt tại Singapore thay vì vùng núi tuyết Davos, đánh dấu lần thứ hai trong 49 năm hội nghị được tổ chức bên ngoài Thụy Sĩ.
Singapore cũng đang bắt đầu mở làn đi lại mới cho doanh nhân, cho phép họ nhập cảnh vào nước này để lưu trú ngắn hạn mà không cần cách ly, mặc dù "bong bóng đi lại" miễn cách ly với Hong Kong dành cho du khách đã phải dừng.
Sự lạc quan càng được nhân lên khi chính phủ tuần này thông báo rằng họ sẽ nhận được lô vaccine Pfizer-BioNTech đầu tiên trước cuối năm nay và hy vọng sẽ có đủ vaccine từ cả Pfizer và các công ty khác cho toàn bộ người dân trước quý III năm 2021.
Lim cho biết Singapore đã thực hiện "một cuộc huy động nguồn lực đáng kinh ngạc" để có được thành công hiện tại. "Trong vòng vài tháng, những gì tưởng như không thể kiểm soát được đã bị 'ghìm cương", ông nói.
Singapore hiện ghi nhận tổng cộng hơn 58.000 ca lây nhiễm, nhưng chỉ 86 ca trong số đó đang điều trị. Số ca tử vong là 29, thuộc hàng thấp nhất thế giới. Hai tuần qua, họ chỉ ghi nhận một ca nhiễm trong cộng đồng.
"Võ sĩ quyền anh Mike Tyson từng nói rằng mọi người đều có kế hoạch cho đến khi họ bị đấm vào mặt. Singapore đã cho thấy họ có thể chịu đòn và đứng dậy trở lại", Lim nói.
Trong khi các chuyên gia y tế như Lim nói rằng còn quá sớm để kết luận về cách chống dịch của Singapore khi trận chiến với Covid-19 vẫn đang diễn ra, việc Singapore lật ngược được tình thế là rất đáng chú ý.
Các chuyên gia cho rằng thành công của Singapore là nhờ loạt yếu tố như biện pháp "ngắt cầu dao", giữ lao động nhập cư trong ký túc xá trong khi chờ tình trạng lây nhiễm giảm và các chính sách tập trung vào nhanh chóng truy vết tiếp xúc và cách ly.
Teo Yik Ying, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, cho biết các chính sách của Singapore dựa trên cơ sở và bằng chứng khoa học. Ông nhấn mạnh những biện pháp hiệu quả như "trừng phạt người vi phạm quy tắc nhanh chóng và công khai để răn đe, chính phủ hỗ trợ kinh tế xã hội cho người dân và doanh nghiệp trong thời gian "ngắt cầu dao", liên tục hiệu chỉnh và cải tiến biện pháp.
Sự tin tưởng của công chúng vào chính phủ và dịch vụ dân sự cũng là yếu tố quan trọng, Teo nói. Điều đó đồng nghĩa với việc người dân chấp nhận tuân thủ các biện pháp chống Covid-19. Trong khi một số người Mỹ từ chối đeo khẩu trang vì lý do tự do cá nhân hoặc hoài nghi về virus, người Italy ở Florence đụng độ với cảnh sát về các biện pháp phong tỏa, người dân Singapore dễ chấp nhận tuân thủ các quy tắc hơn.
Tính đến tháng này, 65% dân số đã bỏ qua những lo ngại về quyền riêng tư để tham gia chương trình TraceTogether, sử dụng ứng dụng điện thoại thông minh hoặc mã thông báo để theo dõi di chuyển, nhằm giúp giới chức biết ai đã tiếp xúc gần và lâu với người nhiễm virus.
Theo Hsu Li Yang, phó giáo sư tại trường Saw Swee Hock, điều quan trọng là chính phủ "không ngại thừa nhận đã có những lỗ hổng và sai lầm" và tiếp tục cải thiện các chính sách. Ông chỉ ra khi Singapore nới lỏng hạn chế khiến những nơi như công viên và bãi biển trở nên quá đông đúc, chính phủ đã đưa ra các quy định mới để kiểm soát tình hình.
"Điều này chỉ có thể thực hiện được nhờ giám sát chặt chẽ tình hình và tận dụng kiến thức từ việc giám sát này để nâng cao hiệu quả", ông nói.
Singapore cũng đã chuyển từ việc cho phép công dân từ nước ngoài trở về tự cách ly ở nhà sang bắt buộc cách ly tại khách sạn, sau khi một số người vi phạm quy tắc. Một quyết định đảo ngược chính sách nổi bật khác là lập trường về khẩu trang. Trước đó, khi thế giới quay cuồng vì thiếu khẩu trang và chưa rõ cách thức lây lan của virus, Singapore nói với người dân khẩu trang là không cần thiết và khuyến cáo chỉ đeo khẩu trang khi không khỏe.
Ngày 31/1, Thủ tướng Lý Hiển Long lập luận rằng không có lây lan trong cộng đồng ở Singapore và khẩu trang mang lại "cảm giác an toàn sai lầm" rằng mọi người có thể chỉ cần đeo mà không cần vệ sinh tay.
Nhưng sau đó, khi công hiệu của khẩu trang trở nên rõ ràng, khuyến cáo của chính phủ thay đổi. Ngày 3/4, ông Lý khuyến khích người dân đeo khẩu trang. Vài ngày sau, Singapore ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang trừ khi ăn uống và những người không tuân thủ sẽ bị phạt.
Tháng này, Singapore đang chuẩn bị mở cửa giai đoạn ba. Từ ngày 28/12, nhóm tối đa 8 người được phép tụ tập, các trung tâm thương mại và nhà hàng sẽ được tiếp nhiều khách hàng hơn vì giới hạn từ 10 m2/người giảm xuống còn 8 m2/người.
Dù vậy, hạn chế vẫn được áp dụng với 323.000 lao động nhập cư từ Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc sống trong ký túc xá. Những lao động này chiếm gần 94% trong tổng số hơn 58.000 ca nhiễm ở Singapore.
Trong những ngày đầu, khi virus hoành hành mạnh trong các ký túc xá, các cơ sở này biến thành khu cách ly - lao động không thể làm việc và phải ở yên trong phòng. Thức ăn được giao đến tận nơi. Sau nhiều ngày trôi qua, một số lao động bị suy sụp tinh thần và một số định tự tử.
Tình hình hiện tại sáng sủa hơn. Các lao động đã trở lại làm việc, nhưng họ phải sử dụng TraceTogether và xét nghiệm thường xuyên. Họ được tiếp cận chuyên gia sức khỏe tâm thần và một số được chuyển đến ký túc xá mới với điều kiện tốt hơn.
Hiện các lao động nhập cư vẫn không được tự do đi lại mà chỉ được phép đến nơi làm việc. Một số người được đến một số địa điểm giải trí nhất định. Tuy nhiên, tình hình dự kiến được cải thiện trong năm mới. Từ quý I năm sau, lao động ở một số ký túc xá có thể trở lại cộng đồng mỗi tháng một lần.
"Trong khi phần còn lại của Singapore đã trở lại bình thường, lao động nhập cư vẫn đang phải trả giá cho những thất bại của chúng ta. Họ nên được trả lại quyền tự do đi lại thực sự. Những hạn chế y tế công cộng có thể là cần thiết trong những trường hợp cụ thể, nhưng không nên áp đặt chúng chỉ dựa vào việc họ là lao động nhập cư", một phát ngôn viên của tổ chức phi lợi nhuận dành cho lao động nhập cư nói.
Singapore sẽ ưu tiên tiêm chủng cho nhân viên y tế, nhân viên chống dịch tuyến đầu cũng như những bệnh nhân dễ bị tổn thương. Trong khi đó, lao động nhập cư sẽ được tiêm chủng "theo từng giai đoạn", ưu tiên những người chưa có kháng thể và lao động mới đến Singapore.
Với việc Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự kiến được tổ chức vào tháng 5 và giới chức đang nỗ lực thiết lập "bong bóng đi lại" với các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm thấp khác, Singapore phải duy trì tỷ lệ lây nhiễm thấp về lâu dài, nhưng bằng cách nào?
Hsu nói rằng miễn là Singapore có thể duy trì các biện pháp an toàn họ đang thực hiện, lây nhiễm trong cộng đồng sẽ vẫn ở mức thấp.
Một vấn đề khác có thể xảy ra là tâm lý mệt mỏi, chán nản vì đại dịch của người dân khiến họ lơi lỏng những quy tắc và thờ ơ trước rủi ro. "Năm 2020 là một năm rất dài và khó khăn đối với hầu hết mọi người", Lim nói. "Sự mệt mỏi và mong muốn trở lại cuộc bình thường trước đây là điều hoàn toàn có thể hiểu được".
Các chuyên gia cho biết việc chính phủ truyền đạt thông tin nhất quán, thẳng thắn và rõ ràng là chìa khóa để ngăn chặn điều này. Chẳng hạn, Singapore đã dành nhiều tháng để thông báo cho người dân giai đoạn mở cửa thứ ba sẽ đòi hỏi những gì, các quyền tự do bổ sung mà họ được hưởng và các chỉ số mà chính phủ lấy làm cơ sở để quyết định xúc tiến mở cửa.
Theo Hsu, chính phủ đã cho thấy họ thấu hiểu tâm lý mệt mỏi của công chúng bằng cách thông báo rằng giai đoạn ba sẽ bắt đầu vào ngày 28/12 và vaccine mang lại hy vọng lớn hơn rằng thêm nhiều hạn chế có thể được nới lỏng.
"Chính phủ, các nhóm dân sự và truyền thông địa phương cũng liên tục cổ vũ người dân duy trì cảnh giác", ông nói.
Nếu thất bại, Singapore sẽ triển khai "một đội quân đại sứ giãn cách" - những người đến các trung tâm thương mại, công viên và nhà hàng để nhắc nhở mọi người giữ khoảng cách và đeo khẩu trang, Teo cho biết.
Singapore sẽ triển khai vaccine trên cơ sở tự nguyện và miễn phí. "Mục đích là tiêm chủng cho bất kỳ ai muốn nhận vaccine. Singapore đang lên kế hoạch dài hạn để cuối cùng trở lại trạng thái gần như hoàn toàn bình thường và lượng người dân tiêm vaccine lớn sẽ là một phần của kế hoạch này", Teo nói.
Lim cho biết tiêm chủng toàn quốc sẽ giúp cuộc sống trở lại bình thường. Tuy nhiên, Hsu cho rằng việc tiêm chủng tất cả người dân là không thể thực hiện được vì một số nhóm, như phụ nữ mang thai, sẽ không đủ điều kiện để tiêm vaccine, trong khi một số người có thể từ chối.
"May mắn là không cần phải tiêm chủng cho toàn bộ người dân để đạt được miễn dịch cộng đồng hoặc ít nhất là bảo vệ được lượng lớn người", Hsu nói.
Teo nhấn mạnh cho đến lúc đó, mọi người phải nhớ rằng thế giới vẫn đối mặt với đại dịch, ngay cả khi tình hình đã được kiểm soát ở Singapore. "Tình hình hiện tại ở Singapore chỉ có thể được đảm bảo khi áp dụng tất cả 'lớp an toàn', gồm y tế cộng đồng, kiểm soát biên giới và các biện pháp kiểm soát an toàn".
"Thời điểm các lớp này được dỡ bỏ, đặc biệt là lớp kiểm soát biên giới, Singapore cũng sẽ trải qua bùng phát lây lan cộng đồng quy mô lớn tương tự các nước ở Bắc Mỹ và châu Âu", Teo nói.
Bạn đang tìm dịch vụ về Tiệm rượu?
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/hai-lan-singapore-quat-nga-covid-19-4208157.html