Sau đại dịch, xuất hiện một thế hệ chưa bao giờ làm việc ở văn phòng
Matt Franchi, 20 tuổi gia nhập hàng ngũ này khi biến thể Delta trì hoãn kế hoạch mở cửa văn phòng. Chàng trai trở thành kỹ sư phần mềm vào tháng 7, sau khi tốt nghiệp Đại học Clemson. Khi Franchi đang chuẩn bị chuyển đến trụ sở của công ty ở Washington D. C. thì nhận tin văn phòng chưa thể mở cửa, do sự gia tăng trở lại của số ca dương tính.
"Tôi rất mong đợi đến văn phòng vì muốn trải nghiệm cuộc sống ở DC. Bây giờ, tôi không chắc mình có đến được đây không", Franchi nói từ phòng ngủ thời thơ ấu của mình ở Summerville, bang South Carolina.
Một người phụ nữ làm việc từ xa. Ảnh: RTE
Một số người trẻ nuối tiếc vì chưa có kinh nghiệm làm việc với đồng nghiệp. Một số nói họ đã quen với thế giới ảo và không cảm thấy thiếu thốn nhiều. Bất chấp điều đó, một số chuyên gia nói việc bỏ lỡ trải nghiệm làm việc văn phòng trong giai đoạn đầu sự nghiệp có thể ảnh hưởng đến việc học hỏi những người đi trước và phát triển các kỹ năng. Các nhà quản lý nên nỗ lực hơn nữa để bù đắp những thiếu hụt này.
Eddy Ng, giáo sư tại Đại học Queen ở Kingston, Ontario (Canada), người đã thực hiện một cuộc khảo sát vào mùa hè năm ngoái với 424 người làm việc từ xa, cho biết: "Người lao động trẻ cần những mối quan hệ thân thiết, những người để trút bầu tâm sự và cố vấn trong công việc hay cuộc sống".
Trong số những người trên 40 tuổi, 45% cho biết họ muốn tiếp tục làm việc từ xa sau đại dịch, tỷ lệ này là 30% với người dưới 40 tuổi. Trong số những người trẻ hơn, giáo sư Eddy Ng nói "có một dấu hiệu của Hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO)" - chứng lo âu xã hội xuất phát từ niềm tin những người khác có thể đang vui vẻ trong khi mình không có mặt.
Abbey Phaneuf đang làm việc từ xa nhưng mong văn phòng sớm mở cửa để có thể giao lưu với đồng nghiệp. Ảnh: Wsj
Đối với những người trẻ tốt nghiệp năm 2020 và 2021, những tháng học online đã cho họ tâm thế làm việc từ xa ngay từ đầu. Abbey Phaneuf, cộng tác viên tiếp thị của một startup, đã học online tại Đại học Brown từ tháng 3/2020 cho đến khi tốt nghiệp tháng 5 vừa qua. Mùa hè năm ngoái, cô trở thành thực tập sinh từ xa. Tháng trước cô được nhận làm nhân viên chính thức toàn thời gian, cũng từ xa.
"Tôi nghĩ học từ xa chắn chắn giúp ích cho làm việc từ xa", cô gái 22 tuổi nói.
Cô cảm thấy thoải mái nói chuyện với mọi người qua Zoom trong thời gian thực tập, áp dụng các kỹ năng này vào năm cuối và nhờ đó thành công trong xin việc dù vẫn sống cùng bố mẹ ở Boston.
Tuy nhiên cô cảm thấy làm việc văn phòng sẽ giúp công việc của mình tốt hơn. Loftie mong mùa đông năm nay để có thể gặp trực tiếp đồng nghiệp. "Hiện tại tôi đang ở trong một giai đoạn lấp lửng kỳ lạ và đã sẵn sàng để bắt đầu giai đoạn tiếp theo của cuộc đời mình", cô nói.
Adam Galinsky, giáo sư về hành vi tổ chức tại Trường Kinh doanh Columbia, cho biết những người lao động trẻ đang làm việc từ xa có thể bỏ lỡ những cột mốc quan trọng tại nơi làm việc. "Điều khiến tôi quan tâm nhất là sự cố vấn. Rất nhiều bài học được được tiếp thu một cách tình cờ trong văn phòng, nhưng không thể tìm thấy ở phòng làm việc ảo", ông nói.
Felix Malamud, 21 tuổi, bắt đầu công việc toàn thời gian đầu tiên trong tháng này, với cương vị một nhà phân tích tại Scotia Capital ở New York. Tuy nhiên, từng làm thực tập sinh tại một số công ty trước đại dịch, anh nghĩ được làm văn phòng sẽ có lợi cho mình hơn. "Tôi được giao tiếp, kết nối, gặp gỡ trực tiếp mọi người và được hiểu biết nhiều bộ phận khác nhau. Tôi nghĩ đây là những điều cần để phát triển nghề nghiệp".
Tiến sĩ Galinsky khuyên các công ty đang có nhân viên trẻ từ xa nên tạo nhiều cơ hội trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp. Ông từng cho phép các nghiên cứu sinh ngồi bên cạnh trong khi chỉnh sửa báo cáo, để họ xem cách ông làm việc. "Ngày nay, bạn vẫn có thể chia sẻ màn hình của mình trong khi đang thực hiện một nhiệm vụ và để mọi người nhìn bạn làm việc", ông nói.
Một chiến lược khác là dành 10-15 phút sau giờ họp để nói chuyện với nhân viên trẻ, giải thích cho họ kỹ hơn về văn hóa công ty, công việc đang thực hiện hoặc nhiệm vụ đang làm. Các cuộc họp này cũng giúp gắn kết.
Hannah Packman, 22 tuổi, nói rằng người quản lý của cô trong kỳ thực tập hoàn toàn từ xa tại The Spruce Eats, đã làm rất tốt việc truyền thụ kinh nghiệm cho cô. Packman đã tốt nghiệp Đại học Colby đầu năm nay.
Hannah Packman cho biết cấp trên hướng dẫn cho cô mọi bước đi đầu đời trong sự nghiệp, bất chấp làm việc từ xa. Ảnh: Wsj
"Đôi khi sếp sẽ vẫn sẽ nói chuyện với tôi sau giờ họp và tôi luôn cảm thấy có thể hỏi chị ấy bất cứ điều gì", cô nói. Cả nhóm gồm bảy người đã nỗ lực hết mình để giúp Packman hiểu cách viết, nghiên cứu và chỉnh sửa nội dung.
Cô gái vẫn đang tìm kiếm một công việc toàn thời gian và biết chắc phải mất một thời gian nữa mới có được việc ưng ý. Nhưng Packman thấy công việc từ xa hiện tại vẫn ổn và hầu hết bạn bè đại học cũng như cô. "Bạn chỉ cần phải thích nghi và linh hoạt", cô nói.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/the-he-chua-bao-gio-lam-viec-o-van-phong-4367215.html