Nhóm chuyên gia thuộc Đại học KAIST (Nam Hàn) và Tập đoàn LG Chem do giáo sư Sang Yup-lee chủ trì đã tập trung nghiên cứu a-xít polylactic (PLA), một loại polymer có nguồn gốc sinh học và có vai trò then chốt trong việc sản xuất nhựa bằng các nguồn có thể tái tạo. Nguyên liệu sản xuất PLA là bột bắp hoặc bột lúa mì. Cho đến nay, PLA được sản xuất thông qua 2 công đoạn lên men và polymer hóa, vốn phức tạp và đắt tiền. Giờ đây, thông qua việc sử dụng một dòng vi khuẩn E-coli biến đổi gien, nhóm nghiên cứu Nam Hàn đã tạo ra PLA và các chất đồng dạng với nó bằng công nghệ lên men trực tiếp. Thành quả này tạo điều kiện cho việc sản xuất PLA và các polymer đồng dạng có chứa chất lactate dễ dàng hơn và có tính thương mại hơn. “Chúng tôi đã phát triển được quy trình sản xuất PLA và các chất đồng dạng với nó theo phương pháp sinh học một cách hiệu quả. Điều này có nghĩa là dòng E-coli do chúng tôi tạo ra hiện có thể sản xuất các loại polymer nhân tạo, thông qua một công đoạn lên men”, giáo sư Sang cho biết.
Ý tưởng sản xuất polymer từ nguyên liệu thiên nhiên (có thể tái chế) thu hút nhiều sự quan tâm do những lo ngại về vấn đề môi trường và nguồn tài nguyên hóa thạch đang dần cạn kiệt trên thế giới. PLA là sự lựa chọn thích hợp thay cho nhựa có nguồn gốc dầu mỏ, vì nó vừa có thể phân hủy được, vừa ít độc tính đối với con người. PLA có thể được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất bao bì phân bón, thực phẩm và các loại chén, dĩa dùng một lần. Nó cũng có thể phục vụ hiệu quả cho một số ứng dụng y sinh như chỉ phẫu thuật, các thiết bị đặt vào bên trong cơ thể và dụng cụ truyền thuốc.