Sài Gòn không ngủ của ẩm thực thập cẩm
Bánh mì Sài Gòn
Từ nhiều năm trước, đây là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa các nước và các dân tộc. Đặt chân đến Sài Gòn, có thể thấy sự thân thiện của người dân. Nói cách khác, thành phố xa hoa nhưng người dân và lối sống ở đất này không cầu kỳ, không yêu cầu một sự chuẩn mực khắt khe nào.
Từ trước năm 1975, thành phố chịu ảnh hưởng của cả ẩm thực di cư từ miền Bắc lẫn ẩm thực Trung Hoa. Cộng với nguyên liệu bản địa dồi dào, ý thức phát triển dịch vụ, ẩm thực ở đây đa dạng vô cùng nên thành phố có món ăn ở mọi miền. Có bún chả, bánh mì, cháo lòng, bún thang, bún riêu, phở gà, bánh cuốn kiểu Bắc. Cũng thịnh hành cả hải sản và ốc được chế biến theo khẩu vị Trung Hoa: ốc hương cay mặn chấm mắm sữa, ốc dừa xào bơ, ốc nhung nướng muối ớt, ốc móng tay xào me, ốc tỏi nướng... sò điệp trứng cút, hàu chiên trứng, cua rang me, càng ghẹ xào tỏi...
Ở Sài Gòn, có vô vàn các nền ẩm thực đa dạng và phong phú, đổi mới liên tục để làm hài lòng những cái lưỡi luôn "hám lạ". Cho nên, nhiều thứ quà không thành dòng họ lớn được, đành xếp vào dạng "phả hệ thập cẩm", nôm na theo nghĩa đủ thứ lặt vặt. Nếu bạn ở các vùng khác, thi thoảng sẽ bắt gặp một quán “chè Sài Gòn”. Vậy hẳn là chè Sài Gòn thì ngon lắm? Nhưng hình dung lớn hơn về chè Sài Gòn chính là sự thập cẩm - hàng chè với hàng chục loại chè ngon mắt chứ không chỉ là chè đậu như miền Bắc. Ốc Sài Gòn cũng đa dạng như vậy. Và ngon đến mức, nhiều đầu bếp giỏi phải nam tiến chỉ để học một vài công thức chế biến.
Học trò có công rất lớn trong việc giữ cho ẩm thực dân dã bền vững phát triển như hôm nay ở thành phố này. Vì thế, các món bùng lên trong nhiều con hẻm bình dân để có giá cả không thể thấp hơn. Nhiều món "cao niên" đành phải dạt về những khu nghèo ở Q.4 hay Q.8, nơi có đông người nghèo, ở đó có những nón như: chuối chiên, bánh cam, cơm cháy, bắp xào...
Thành phố cũng có những món ký ức như bánh bò, bánh bông lại ẩn mình bên đường chợ Q.4 chạy dọc theo đường Đoàn Văn Bơ... Cảm giác đó như một bảo tàng lưu giữ những món quà một thời hưng thịnh, vẻ vang, nay phải lùi dần về dĩ vãng, cốt chỉ để chỗ cho số ít những tâm hồn đồng điệu với nỗi nhớ kỷ niệm xưa.
Giờ đây, càng ngày càng nhiều những loại hình ẩm thực khác du nhập. Ở Sài Gòn, bạn có thể thấy người dân đi ăn tối ngày, và chẳng biết bữa nào là bữa chính. Và vì đa dạng, vì không ngủ, dễ hiểu vì sao nhiều du khách luôn chọn Sài Gòn là một điểm đến. Bởi ở đó luôn có những thứ thân thuộc trong đời sống ẩm thực của họ.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1754413