Quan hệ đồng minh Mỹ - Israel lao dốc
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 25/3 thông qua nghị quyết "yêu cầu dừng bắn ngay lập tức" ở dải Gaza với 14 phiếu ủng hộ và Mỹ bỏ phiếu trắng. Lá phiếu trắng của Mỹ được coi là bước ngoặt để nghị quyết được thông qua, bởi Washington trước đây luôn phủ quyết các đề xuất của Hội đồng Bảo an liên quan đến ngừng bắn tại Gaza, do cho rằng chúng có những điều khoản bất lợi cho Tel Aviv.
Diễn biến này cho thấy quan hệ Mỹ - Israel đã xuống thấp nhất kể từ khi chiến sự Gaza nổ ra tháng 10/2023. Mỹ là đồng minh thân cận nhất của Israel trong chiến sự Gaza, nhưng Washington và Tel Aviv dường như ngày càng bất đồng, đặc biệt là về kế hoạch tấn công thành phố Rafah ở phía nam dải đất.
Ngay sau đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bất ngờ tuyên bố hủy chuyến thăm của phái đoàn cấp cao nước này tới Mỹ. Theo kế hoạch ban đầu, phái đoàn Israel và giới chức Mỹ sẽ thảo luận về kế hoạch tấn công Rafah của Tel Aviv. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết Mỹ rất thất vọng với quyết định này.
Đình chỉ cuộc gặp đồng nghĩa tạo thêm trở ngại cho nỗ lực của Mỹ để thuyết phục Israel tìm phương án khác thay vì tấn công Rafah, nơi trú ẩn an toàn cuối cùng của hàng trăm nghìn người Palestine phải di tản vì chiến sự.
"Động thái cho thấy niềm tin giữa chính quyền Tổng thống Biden và ông Netanyahu đang rạn nứt", Aaron David Miller, cựu đàm phán viên Mỹ về vấn đề Trung Đông, nói với Reuters. "Nếu cuộc khủng hoảng không được giải quyết đúng cách, tình hình sẽ tiếp tục xấu thêm".
Tổng thống Joe Biden (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: AP
Israel quyết tâm tấn công Rafah, bất chấp cảnh báo từ các đồng minh cũng như cộng đồng quốc tế, dấy lên lo ngại Washington có thể hạn chế viện trợ quân sự cho Tel Aviv. Giới quan sát cho rằng lá phiếu trắng tại Hội đồng Bảo an phần nào phản ánh nỗi thất vọng từ Mỹ với lãnh đạo Israel.
Tổng thống Biden không chỉ đối mặt áp lực từ các nước đồng minh mà còn từ nội bộ đảng Dân chủ trong vấn đề Gaza. Nỗ lực tái tranh cử đang giới hạn các lựa chọn của ông Biden. Ông cần tránh tạo cơ hội để phe Cộng hòa thu hút cử tri ủng hộ Israel nhưng đồng thời cũng không được ủng hộ Israel quá mức, để không bị phe cấp tiến trong đảng Dân chủ xa rời.
Trả lời phỏng vấn hồi đầu tháng 3, Tổng thống Biden nói ông coi Rafah là "lằn ranh đỏ", nhưng cũng cho rằng bảo vệ Israel là "quan trọng".
Ông Netanyahu cũng đối mặt thách thức từ trong nước. Các thành viên cực hữu trong liên minh cầm quyền muốn Israel có lập trường cứng rắn hơn với người Palestine. Ông cần thuyết phục gia đình các con tin rằng Israel sẽ làm mọi cách để giải cứu họ, trong khi đối mặt những cuộc biểu tình kêu gọi từ chức.
Ông Netanyahu tin hầu hết người dân Israel, vẫn tổn thương vì cuộc tập kích gây thương vong lớn của Hamas, sẽ ủng hộ tiếp tục chiến dịch ở Gaza. Do đó, Thủ tướng Israel sẵn sàng thử thách sự kiên nhẫn từ Mỹ.
Thách thức với ông Biden và ông Netanyahu lúc này là giữ cho những khác biệt không leo thang mất kiểm soát, theo giới phân tích.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 27/3 nói giới chức Israel đã đề nghị Mỹ sắp xếp lại cuộc họp về Rafah đã bị hủy và hai bên đang chọn ngày phù hợp. Theo một quan chức Israel ở Washington, ông Netanyahu có thể cử phái đoàn đến Mỹ sớm nhất trong tuần sau.
Jon Alterman, giám đốc chương trình Trung Đông tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), Washington, nói không có lý do gì để việc này trở thành "đòn chí mạng" vào quan hệ song phương. "Do đó, tôi không nghĩ cánh cửa đã khép lại", theo ông Alterman.
Vị trí các đô thị ở Dải Gaza. Đồ họa: BBC
Ông Netanyahu từng làm mếch lòng các tổng thống Mỹ, hầu hết là đảng Dân chủ. Trong cuộc gặp tại Nhà Trắng năm 1996, ông đã thuyết giảng về xung đột Arab - Israel cho tổng thống Bill Clinton. Điều này khiến ông Clinton cảm thấy không hài lòng và phàn nàn với các trợ lý: "Ông ta nghĩ mình là ai chứ? Ai mới là cường quốc ở đây?".
Tháng 5/2011, tình huống tương tự xảy ra với tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông Netanyahu dành hơn 6 phút trong cuộc gặp của hai người để nói về nhu cầu hòa bình của Israel. Ông Obama vẫn lắng nghe, nhưng tỏ vẻ khó chịu.
Cựu phóng viên của CBS News Dan Raviv và nhà phân tích an ninh - quốc phòng Yossi Melman của báo Israel Haaretz cho rằng Thủ tướng Netanyahu tin ông luôn thoát khỏi hiểm cảnh khi đối đầu với các tổng thống Mỹ.
Ông Netanyahu đang không trân trọng sự hỗ trợ từ Washington và tin rằng cộng đồng Tin lành, Do Thái ở Mỹ sẽ đảm bảo Israel luôn được yêu mến, cung cấp vũ khí và tha thứ nếu mắc bất cứ lỗi lầm nào, hai tác giả viết trên tạp chí Time. Ngay cả hiện tại, sau khi Tổng thống Biden và cấp phó Kamala Harris cảnh báo Israel rằng chiến dịch ném bom bừa bãi vào Gaza là thái quá, ông Netanyahu vẫn nghĩ mình có thể chọc giận ông chủ Nhà Trắng.
Thủ tướng Israel đang mạo hiểm và dường như kỳ vọng ông Donald Trump, người luôn ủng hộ mình, sẽ đắc cử vào tháng 11. Ông Netanyahu cùng phe cánh hữu trong chính phủ Israel cho rằng nếu trở lại Nhà Trắng, ông Trump sẽ để Israel làm bất kỳ điều gì mình muốn, như sáp nhập Bờ Tây hay xây thêm khu định cư ở Gaza. Và nếu phe Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện, mong ước của Israel có thể sẽ thành hiện thực.
Phóng viên Ben Caspit của tờ báo Do Thái Ma'ariv mô tả cách tiếp cận của ông Netanyahu là "ảo tưởng và đáng sợ", thêm rằng lãnh đạo này "đang đánh cược với liên minh chiến lược vốn là nền tảng cho an ninh quốc gia Israel".
Haaretz, tờ báo hàng đầu Israel, cũng có bài xã luận mô tả ông Netanyahu là người đang trở thành "gánh nặng đối với đất nước" khi kiên quyết khước từ các đề nghị hạ nhiệt chiến sự Gaza mà Mỹ đưa ra.
"Ông ấy đang để đất nước đối mặt các rủi ro chiến lược có thể phải trả giá rất nặng nề. Vì lợi ích chính trị của bản thân, ông ấy sẵn sàng gây tổn hại đến người dân Israel. Netanyahu phải từ chức và cho Israel cơ hội để thoát khỏi những thiệt hại ông đã gây ra", bài xã luận viết.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/israel-nguy-co-tra-gia-khi-doi-dau-my-ve-chien-su-gaza-4727590.html