Quá trình phát hiện biến thể Omicron tại Nam Phi
"Có điều gì đó đang xảy ra. Họ phát hiện một biến chủng chưa từng thấy", giáo sư de Oliveira, giám đốc Trung tâm Đổi mới và Ứng phó Dịch bệnh Nam Phi, nói với nhà virus học Alex Sigal.
Trước đó vào ngày 11/11, những mẫu xét nghiệm đầu tiên nhiễm biến chủng "chưa từng thấy", giờ đây được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên là Omicron, đã được thu thập. Một mẫu đến từ tỉnh Gauteng của Nam Phi, nơi có hai thành phố lớn là Johannesburg và Pretoria. 4 mẫu còn lại được thu thập từ các nhà ngoại giao đến Botswana, nước láng giềng phía bắc của Nam Phi.
Cùng ngày, một người đàn ông 32 tuổi rời Nam Phi đến Hong Kong, thành phố có quy định kiểm dịch nghiêm ngặt hàng đầu thế giới. Hôm 13/11, trong lúc đang cách ly tại khách sạn, người này được xét nghiệm nCoV và trở thành một trong những ca nhiễm biến chủng Omicron được phát hiện sớm nhất.
5 ngày sau, một người đàn ông 62 tuổi ở dãy phòng đối diện cũng nhiễm biến chủng tương tự. Kết quả giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm từ hai người này giống nhau đến mức một người rõ ràng đã nhiễm virus từ người kia, Yuen Kwok-yung, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hong Kong và là cố vấn ứng phó đại dịch của chính quyền đặc khu, cho biết.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nCoV tại sân bay quốc tế O.R. Tambo ở thành phố Johannesburg, Nam Phi, hôm 26/11. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, camera an ninh cho thấy hai người chưa bao giờ gặp nhau, cũng không mở cửa cùng lúc hay dùng chung bất cứ vật dụng nào, chỉ tiếp xúc với nhân viên khách sạn đã mặc đồ bảo hộ đầy đủ.
Theo giáo sư Yuen, rất có thể không khí từ phòng khách sạn của một người đã lan ra hành lang và lọt vào phòng người kia khi cửa mở. Vì vậy, ông đánh giá biến chủng mới mang khả năng lây nhiễm cao, thậm chí có thể hơn cả Delta, biến chủng chiếm ưu thế trên toàn cầu hiện nay.
Trong khi đó tại Nam Phi, giới chức nhận thấy tốc độ lây nhiễm nCoV tại tỉnh Gauteng ngày càng tăng. Hôm 11/11, ngày ca nhiễm biến chủng "chưa từng thấy" đầu tiên tại Nam Phi được phát hiện, 120 ca nhiễm mới được ghi nhận ở Gauteng. Đến ngày 28/11, con số này tăng vọt lên 2.308.
Mạng lưới Giám sát Gene ở Nam Phi, nơi từng phát hiện biến chủng Beta, đã theo dõi những thay đổi kỳ lạ trong cấu tạo gene của nCoV. Quy trình giám sát gene đòi hỏi giải trình tự của toàn bộ mẫu dương tính với nCoV, sau đó so sánh các kết quả để có thể phát hiện sự thay đổi trong các đột biến hoặc trên protein gai, bộ phận giúp virus bám dính và xâm nhập vào tế bào người.
Khi các nhà khoa học Nam Phi nhận thấy nhiều điểm khác biệt trong những đột biến của mẫu nCoV mới thu thập được, họ đã cảnh báo chính phủ, đồng thời nghiên cứu và điều tra thêm. Quá trình này được hỗ trợ đắc lực nhờ các phòng thí nghiệm được trang bị tốt tại Nam Phi, cũng như kinh nghiệm chuyên môn của nước này.
Cuối cùng, các nhà khoa học Nam Phi nhận ra 77 mẫu được thu thập vào giữa tháng 11 tại tỉnh Gauteng nhiễm biến chủng mới, khi đó được gọi là B.1.1.529. Họ giải thích rằng B.1.1.529 dường như không thuộc nhánh nào của Delta hay Beta, mà là một biến chủng mới mang đặc điểm di truyền vô cùng khác so với những biến chủng đáng lo ngại và đáng quan tâm hiện có.
Họ xác định biến chủng này có tới hơn 50 đột biến, trong đó ít nhất 32 đột biến nằm trên protein gai, gây lo ngại về nguy cơ nó có thể lây nhiễm dễ dàng và thậm chí né miễn dịch. Thực tế cho thấy Omicron chuyển từ trạng thái "ít lây lan" sang phát triển vô cùng nhanh chóng tại Nam Phi chỉ trong hai tuần, chủ yếu trong nhóm người trẻ.
"Chúng tôi nhận thấy sự thay đổi rõ rệt về đặc điểm nhân khẩu học trong số các bệnh nhân Covid-19", Rudo Mathivha, trưởng khoa chăm sóc tích cực (ICU) tại Bệnh viện Baragwanath thuộc vùng đô thị Johannesburg, cho biết.
"Nhiều người trẻ, trong độ tuổi 20 và 30, nhiễm virus với tình trạng từ trung bình đến nghiêm trọng, trong đó khoảng 65% chưa tiêm vaccine và hầu hết số còn lại mới tiêm một mũi. Tôi lo rằng khi các con số gia tăng, hệ thống y tế công cộng sẽ quá tải. Chúng ta cần chuẩn bị sẵn các giường ICU", Mathivha cảnh báo các nước trên toàn thế giới.
Một dấu hiệu đáng lo ngại khác là tỷ lệ dương tính khi xét nghiệm nCoV ở Nam Phi gần đây đã tăng từ 1% lên 20%, có nghĩa là số người nhiễm nCoV trên thực tế có thể cao hơn đáng kể. Theo giáo sư de Oliveira, hàng chục nghìn người tại Nam Phi có thể đã nhiễm biến chủng mới trong vài tuần qua.
Ngày 25/11, de Oliveira quyết định chuyển thông tin về biến chủng mới đến Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa. Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế và các nhà khoa học Nam Phi công bố những phát hiện của họ. Một ngày sau, WHO đặt tên biến chủng là Omicron và xếp vào danh sách đáng lo ngại. Chưa từng có biến chủng nào được WHO đánh giá nhanh chóng đến vậy.
Giáo sư de Oliveira cho hay cả ông và Tổng thống Ramaphosa đều biết trước phản ứng của thế giới khi họ công bố biến chủng mới. Đúng như dự đoán, hàng loạt quốc gia quyết định áp hạn chế đi lại với người đến từ Nam Phi, dồn thêm áp lực lên nền kinh tế vốn đã bị tàn phá của nước này, đặc biệt là ngành du lịch.
"Đó là cái giá phải trả khi trở thành một nhà khoa học. Bạn có thể bị cáo buộc phản ứng thái quá. Nhưng đại dịch cho chúng ta thấy rằng hành động nhanh chóng thường tốt hơn trì hoãn, ngay cả khi nguy cơ không chính xác 100%", de Oliveira giải thích.
Giới khoa học đang tiếp tục nghiên cứu về nguồn gốc và đặc tính của Omicron. Còn quá sớm để biết liệu biến chủng này có khiến người nhiễm mắc bệnh nặng hơn hay nó có khả năng né tránh hệ miễn dịch hay không. Các ca nhiễm biến chủng Omicron cần được theo dõi thêm để xem tình trạng của họ sẽ biến chuyển như thế nào.
Tuy nhiên, ngay cả khi Omicron không phải mối đe dọa như nhiều chuyên gia đang lo lắng, sự xuất hiện của nó dường như báo trước thách thức tương lai đại dịch có thể kéo dài nhiều năm.
"Chúng ta sẽ còn phải nhớ thêm nhiều chữ cái Hy Lạp", nhà virus học Sigal dự đoán, đề cập đến cách đặt tên biến chủng nCoV của WHO.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/qua-trinh-nam-phi-phat-hien-bien-chung-omicron-4395817.html