Ly hôn đã không còn là điều đáng xấu hổ ở Nhật Bản kể từ những năm 1980. Theo thống kê, từ đó đến năm 2012, tỷ lệ ly hôn đã tăng 60%, dù giảm một vài lần trong 10 năm qua. Tỷ lệ ly hôn ở vợ chồng lớn tuổi đang ở mức cao nhất từ trước tới nay.

Dù không còn bị kỳ thị, nhưng những cặp vợ chồng muốn "giải phóng cho nhau" gặp rất nhiều khó khăn. Một luật sư Nhật Bản thuộc văn phòng luật Verybest Law, cho biết phải có một số lý do chính đáng mới được ly hôn ở Nhật Bản, chẳng hạn ngoại tình hoặc bạo lực. Không hợp nhau hoặc hết tình cảm không được chấp nhận là nguyên nhân ly hôn.

Khi lượng người nước ngoài tăng ở Nhật Bản, số vụ ly hôn liên quan đến người nước ngoài cũng tăng theo. Năm 2021, nước này ghi nhận hơn 1.600 vụ ly hôn giữa người Nhật và người nước ngoài. Phổ biến nhất là chồng Nhật và vợ Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan và vợ Nhật với chồng Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ hoặc Philippines.

Tuy nhiên, không có tỷ lệ đồng nhất giữa các đôi ở các quốc gia. 68% các đôi chồng Nhật và vợ Philippines kết thúc bằng ly hôn, trong khi tỷ lệ này ở đàn ông Mỹ và vợ Nhật là 32%.

Ảnh minh họa: Japan Times

Billy Cleary, chuyên gia trị liệu hôn nhân và gia đình ở Tokyo, cho biết có nhiều tình huống khiến hôn nhân tan vỡ.

Tất cả mọi người đều bước vào hôn nhân với hy vọng được bạn đời đồng hành để đáp ứng nhu cầu về sự an toàn, thoải mái. Nhưng tại một thời điểm nào đó, trên hành trình hôn nhân, ta trải qua sự mất kết nối, bị từ chối và thất vọng về những kỳ vọng.

Trong quá trình hành nghề, Cleary cho biết ông đã quan sát thấy một điểm chung là một người phản đối để nhu cầu của họ được đáp ứng hoặc tiếng nói được lắng nghe. Người kia lại tránh xa, dẫn đến một vòng lặp lại thất vọng, gây đổ vỡ.

Tương tự, nuôi dạy con hoặc cố thụ thai có thể làm gia tăng căng thẳng và sự khác biệt của các cặp vợ chồng. Những thách thức một người nước ngoài đến sống ở Nhật Bản cũng là nguyên nhân khiến hôn nhân tan vỡ. Bởi khi một trong hai người đến Nhật Bản sống, người đi cùng thường phải đối mặt với sự xa lánh và nỗi cô đơn. Điều này gây áp lực rất lớn, có thể dẫn đến mất kết nối.

Nền tảng văn hóa và kỳ vọng cũng có thể đóng vai trò nhất định.

Công ty thám tử ngoại tình Hal cho hay, khác biệt về tôn giáo, thái độ văn hóa khác nhau với công việc, tài chính và hôn nhân không tình dục sau sinh con dẫn đến ly hôn giữa các cặp Nhật với bạn đời ngoại quốc. Thậm chí, thói quen ăn uống khác biệt cũng có thể là nguyên nhân gây đổ vỡ.

"Thật là căng thẳng khi bạn không thể ăn những gì bạn đã ăn trong suốt cuộc đời mình. Nếu sự căng thẳng đó tích tụ ngày này qua ngày khác, thì sự rạn nứt tăng thêm, cuối cùng trở nên nguy hiểm", Hal viết.

Trước khi nghĩ đến việc ly hôn, Cleary khuyên nên tham gia liệu pháp tâm lý dành cho các cặp đôi, nhưng chỉ khi bạo lực không phải là một phần trong vấn đề.

"Nếu có bạo lực gia đình hoặc lạm dụng thể chất hoặc tinh thần, bạn phải tìm cách đến một không gian an toàn", ông nói. Nếu bị lạm dụng, cần tự bảo vệ mình và theo đuổi việc ly hôn.

Nếu một công dân nước ngoài quyết định ly hôn, luật pháp Nhật Bản đặt ra một số thách thức lớn. Có nhiều cách ly hôn, bao gồm ly hôn đơn giản theo thỏa thuận chung, ly hôn bằng hòa giải, quyết định của tòa án gia đình và ly hôn bằng tố tụng. Nhưng theo các luật sư, ly hôn thỏa thuận, trong đó cả hai bên thuận tình luôn là lựa chọn thuận lợi nhất.

Đạt thỏa thuận nhưng không đơn giản, tùy thuộc vào quốc tịch của những người liên quan.

"Ở một số quốc gia, gồm cả Mỹ, ly hôn theo thỏa thuận chung (không có thủ tục tòa án) không được công nhận là ly hôn", Masanori Tanabe, luật sư tại Văn phòng Luật quốc tế Nagoya, cho biết.

Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất đối với các cặp đôi ly hôn là quyền nuôi con. Luật pháp Nhật Bản không công nhận quyền nuôi con chung, cũng không có quyền thăm con. Khi cha/mẹ từ chối cho đối phương gặp con, về cơ bản người đó không có cách nào gặp trẻ.

Một nghiên cứu của chính phủ Nhật năm 2021, cho thấy 1/3 trẻ có cha mẹ ly hôn đã mất hoàn toàn liên lạc với cha hoặc mẹ. Các trường hợp công dân nước ngoài vô tình ký vào thỏa thuận ly hôn và mất quyền tiếp cận con cái cũng tăng lên.

Tanabe cho biết một số yếu tố chính quyết định quyền nuôi con bao gồm thời gian chăm sóc (kể cả sau khi ly thân), độ tuổi của trẻ (mẹ được ưu tiên cho trẻ dưới 6 tuổi, ý kiến của trẻ có trọng lượng khi trên 12 tuổi) và số tiền hỗ trợ nuôi con từ các thành viên khác trong gia đình.

"Quá trình trải qua ly hôn là vô cùng đau đớn", Cleary nói. Ông cho rằng quan trọng cần có mạng lưới hỗ trợ xã hội, ngoài gia đình. Mỗi người cũng cần có thói quen giúp bản thân thấy vững vàng và giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

SUPA VALU Vùng: Delahey. Phone: 9362 1207
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/the-kho-cua-nguoi-nuoc-ngoai-muon-ly-hon-voi-ban-doi-nhat-4795468.html