Phim ảnh Hong Kong mắc nợ tác giả Kim Dung, Cổ Long

04:00' 22-12-2020
Tác giả võ hiệp đóng một phần quan trọng cho ngành công nghiệp phim ảnh Hong Kong. Tuy nhiên, phần lớn tác phẩm của Kim Dung, Cổ Long không được chuyển thể hoàn chỉnh.

Phim võ thuật ra đời, phát triển và trở thành một phần của văn hóa Hong Kong (Trung Quốc). Các tác phẩm thường dựa trên nhân vật và cốt truyện của nhiều tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng, số khác lại dựa vào nhân vật có thật hoặc thần thoại phương Đông.

Tác giả nổi tiếng của dòng kiếm hiệp phần lớn phát triển từ Làn sóng mới - phong trào hiện đại hóa văn học võ hiệp vào những năm 1950. Kim Dung (Hong Kong), Cổ Long (Đài Loan), và Lương Vũ Sinh (Đại lục) là những cây bút đắc lực của trào lưu này.

Tác phẩm văn học của họ là nền tảng, nguồn cảm hứng để các nhà làm phim nổi tiếng như Trương Triệt, Từ Khắc, Vương Gia Vệ, Sở Nguyên… tạo nên những bộ phim để đời.

Nguyên tác văn học góp phần không nhỏ cho thành công của phim võ hiệp.

Hành trình từ tiểu thuyết kiếm hiệp đến phim võ thuật

Tiểu thuyết võ hiệp thường là truyện dài tập, có hệ thống nhân vật đa dạng và cốt truyện phức tạp. Thủy hử của Thi Nại Am - tuyệt tác văn học đời nhà Đường - có ảnh hưởng rất lớn đến văn học võ thuật hiện đại.

Do nội dung và hệ thống nhân vật thường phức tạp, nhà làm phim chỉ chọn một cốt truyện nhất định và tập hợp các nhân vật, sau đó thỏa sức sáng tạo mạch phim theo nhiều hướng khác nhau. Phần lớn tiểu thuyết võ hiệp được chuyển thể dưới dạng phim truyền hình dài tập hơn là tác phẩm điện ảnh.

Với những tác phẩm quá nổi tiếng, tiêu biểu là các tiểu thuyết của Kim Dung, nhà làm phim thường mặc định khán giả đã phần nào nắm được cốt truyện và bỏ qua khâu giải thích tường tận trong phim.

Điều này là lý do lớn nhất dẫn đến việc tiểu thuyết võ hiệp rất nổi tiếng ở phương Đông, nhưng bị ghẻ lạnh ở các nước phương Tây. Bởi công chúng quốc tế khó nắm bắt trọn vẹn tác phẩm gốc hoặc chưa từng tiếp cận văn hóa võ hiệp.

Phim võ hiệp là đóng vai trò quan trọng trong nền công nghiệp phim ảnh Hong Kong.

Trong các bộ phim võ hiệp, khán giả dễ dàng phát hiện ra hình ảnh “những hiệp sĩ lang thang”. Hình tượng này phần lớn dựa trên nhân vật được phát triển trong văn học hiệp sĩ Trung Quốc cổ.

Trong bài luận Từ văn học hiệp sĩ đến phim võ thuật, tác giả Liu Damu viết: “Kiếm sĩ trên trang sách được mô tả có mái tóc bù xù, đội mũ rộng cột dây. Mắt họ lúc nào cũng thể hiện sự tức giận, thù hận và không thích trò chuyện với bất kỳ ai. Hình ảnh đáng sợ này ảnh hưởng đến phần lớn hình tượng nhân vật trên phim sau này”.

Chuyên gia lý giải điều này dựa trên bản chất nổi loạn "đầu đội trời, chân đạp đất" của anh hùng võ lâm. Hình ảnh kiếm khách nổi loạn nhưng tính cách anh hùng, hành động vì công lý thu hút số đông độc giả thập niên 1960-1970 và tồn tại đến mãi sau này.

Lý giải thành công của tiểu thuyết võ hiệp, chuyên gia nghiên cứu cho rằng độc giả có thể "dễ dàng nhận ra chính mình thông qua những nhân vật không tham gia phe phái, tự dựa vào sức lực của bản thân để đối đầu với xã hội bất công" - Olivia Mok viết trong phần giới thiệu cuốn tiểu thuyết Tuyết sơn phi hồ của Kim Dung.

Nói về tiểu thuyết võ hiệp, hiếm ai vượt qua được cố nhà văn Kim Dung. Ông là tiểu thuyết gia nổi tiếng nhất Hong Kong về thể loại võ hiệp, gây tiếng vang khắp thế giới. Kim Dung đã để lại gia tài đồ sộ với 15 tác phẩm dài tập.

Phim Hong Kong mắc nợ Kim Dung, Cổ Long

Một số bộ phim dựa trên tác phẩm của Kim Dung bao gồm Anh hùng xạ điêu của Trương Triệt, Đông tà Tây độc của Vương Gia Vệ và Đông thành Tây tựu của Lưu Trấn Vĩ (tất cả đều dựa trên tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu), bộ ba Kiếm sĩ của Từ Khắc (dựa trên Tiếu ngạo giang hồ), hay Lộc đỉnh ký của Châu Tinh Trì và Vương Tinh đều vay mượn từ tác phẩm cùng tên của Kim Dung.

“Trong nghiên cứu về tác phẩm của Kim Dung, nhà phê bình Lin Yiliang nhận thấy rằng hình ảnh và phong cách văn học của ông có những điểm tương đồng với cách làm phim hiện đại, từ đài từ, câu thoại cho đến những trường đoạn trong truyện”, tác giả Liu Damu viết.

Tuy nhiên, việc chuyển thể toàn bộ tiểu thuyết của Kim Dung thành tác phẩm điện ảnh cũng gặp nhiều vấn đề. “Nguyên tác vẫn chứa đựng nhiều tình tiết gây khó khăn. Vì vậy, các bộ phim chỉ dựa trên một phần trong tiểu thuyết hơn là làm lại toàn bộ”, Damu nhận xét.

Phim chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung phần lớp bị chắp vá, thay đổi cốt truyện.

Nhà văn Đài Loan Cổ Long cũng là cây bút nổi bật của thể loại tiểu thuyết võ hiệp vào những năm 1960. 19 tác phẩm của ông đã được đạo diễn Sở Nguyên mua bản quyền và phát hành dưới trướng Thiệu thị Huynh đệ, mà nổi tiếng nhất là Lưu tinh hồ điệp kiếmĐa tình kiếm khách, vô tình kiếm.

Khác với “vũ trụ Kim Dung”, tác phẩm của nhà văn Cổ Long hướng đến hình tượng người anh hùng đơn độc không ràng buộc thế gian. Các tác phẩm đồng thời phản ánh con người của nhà văn người Đài Loan.

“Tôi luôn muốn ở một mình. Chỉ trong cô độc, tôi mới có thể khám phá chính bản thân và thoát khỏi sự tính toán, độc hại của người khác”, cố nhà văn từng nói trong một cuộc phỏng vấn.

Theo lời đạo diễn Sở Nguyên, nhà văn Cổ Long là chuyên gia quan sát, có cái nhìn nhạy bén về bản chất con người. “Ngòi bút chiến đấu của Cổ Long có thể không sống động như Kim Dung, nhưng các nhân vật của anh rất sống động. Tiểu thuyết Cổ Long là những câu chuyện tình lãng mạn mang đậm tính văn học bên cạnh những nhân vật tinh thông võ thuật”, đạo diễn nói.

Các tác phẩm của Cổ Long, Kim Dung hay một số nhà văn võ hiệp khác đều xứng đáng gọi là tuyệt tác. Song, phần lớn những bộ phim chuyển thể đều bị chắp vá hoặc không hoàn toàn làm theo nguyên tác. SCMP cho rằng hành động này khiến giới làm phim Hong Kong "mắc nợ" những tác gia đình đám một thời.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Michael's Fresh Food Market Vùng: MENTONE. Phone: 9559 9444
Xem thêm

Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: http://news.zing.vn/phim-anh-hong-kong-mac-no-kim-dung-co-long-post1165046.html